Hội ND Vĩnh Phúc: Trực tiếp và phối hợp hòa giải thành 1.000 vụ mâu thuẫn trong nông dân
(KNTC)- Qua 5 năm triển khai thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở, Hội ND các cấp đã tích cực tuyên truyền pháp luật và vận động nhân dân nghiêm chỉnh, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đồng thời chỉ đạo Hội cơ sở, các chi Hội tham gia tốt vào công tác giới thiệu lựa chọn người tham gia tổ hòa giải và tham dự các buổi hòa giải.
Hằng năm, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo Hội ND cơ sở phối hợp với các đơn vị liên quan củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải, hòa giải viên trên địa bàn; các hòa giải viên là những người có khả năng tuyên truyền, vận động nông dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và là những người am hiểu pháp luật, có uy tín trong nhân dân.
Công tác tổ chức, hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở được duy trì thường xuyên và có hiệu quả, góp phần ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, các tranh chấp trong cộng đồng dân cư. Trong 5 năm (2014 – 2018), các cấp Hội ND đã tiếp nhận gần 1.000 vụ việc, trong đó các cấp Hội trực tiếp hòa giải thành 650 vụ việc, phối hợp với các ngành liên quan hòa giải được 350 vụ việc.
Bên cạnh đó, tỉnh Hội còn phối hợp với các ngành liên quan tổ chức gần 200 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho 30.000 lượt cán bộ, hội viên nông dân, trong đó có lồng ghép nội dung: Tuyên truyền Luật hòa giải ở cơ sở, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật hòa giải ở cơ sở và một số kỹ năng cũng như kinh nghiệm trong việc tiếp cận, xác định các vụ việc tranh chấp, xích mích của nông dân để các hòa giải viên tham khảo, áp dụng trong thực tế.
Các cấp Hội đã tiếp nhận 400 đơn thư khiếu nại, tố cáo của nông dân; tham gia giải quyết thành công 95 đơn thư; phối hợp với các ngành liên quan giải quyết được 305 đơn thư. Từ đó, góp phần đảm bảo an ninh chính trị trên địa bàn nông thôn.
Hằng năm, Hội ND tỉnh phối hợp thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát trong công tác hòa giải ở cơ sở, thực hiện lồng ghép công tác hòa giải ở cơ sở với các phong trào, cuộc vận động tại cộng đồng dân cư, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” nhằm gắn công tác hòa giải ở cơ sở với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và giữ gìn an ninh trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở và triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành Luật hòa giải ở cơ sở, các cấp Hội đã tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền pháp luật và vận động nhân dân nghiêm chỉnh, chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.