(KNTC) –Những năm qua, Hội ND tỉnh đã tích cực phối hợp với các cấp, các ngành trên địa bàn triển khai nhiều hoạt động thiết thực góp phần đưa Luật Hòa giải ở cơ sở đi vào đời sống nhằm nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên, nông dân tại địa phương.
|
Công tác hòa giải ở cơ sở gắn với tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý góp phần hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại vượt cấp (Ảnh minh họa) |
Các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung Luật Hòa giải ở cơ sở, các văn bản hướng dẫn thi hành gắn với công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý thông qua các buổi sinh hoạt chi Hội, hội nghị, hội thi, sinh hoạt Câu lạc bộ nông dân, trang thông tin điện tử của Hội ND tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng.
Từ năm 2014 – 2018, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức trên 2.700 buổi tuyên truyền về Luật Hòa giải ở cơ sở gắn với tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho trên 83.000 lượt hội viên, nông dân; tổ chức 67 lớp tập huấn kỹ năng tuyên truyền chính sách pháp luật cho trên 3.500 lượt cán bộ Hội các cấp.
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ Hội được phân công theo dõi, hướng dẫn, tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.
Trong đó, có 405 cán bộ Hội được phân công theo dõi tham gia các tổ hòa giải, 100% cán bộ cấp huyện tốt nghiệp đại học trở lên, ở cấp xã đa số các đồng chí cán bộ Hội làm công tác hòa giải ở cơ sở có tốt nghiệp từ THPT trở lên, ở vùng cao cán bộ có trình độ THCS trở lên.
Các cấp Hội đã phối hợp tổ chức tập huấn nghiệp vụ về công tác hòa giải cơ sở cho trên 3.200 lượt cán bộ, hội viên, nông dân làm công tác hòa giải.
Đồng thời, 100% cán bộ Hội tham gia các tổ hòa giải cơ sở được tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải, được phổ biến, hướng dẫn các bước trước, trong và sau khi hòa giải.
Năm năm qua, các tổ hòa giải có hòa giải viên là cán bộ Hội đã tham gia hòa giải trên 7.600 vụ việc, trong đó hòa giải thành trên 7.100 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp đất đai, dân sự, hôn nhân gia đình.
Trong quá trình hóa giải, các hòa giải viên đã vận dụng những quy định của pháp luật, quy ước, hương ước, phong tục tập quán, chuẩn mực đạo đức để giáo dục, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp tự thỏa thuận, giải quyết mâu thuẫn.
Ngoài ra, Hội ND tỉnh đã phối hợp thành lập và duy trì 3 mô hình Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” tại thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên với 50 thành viên; mô hình Câu lạc bộ điểm thực hiện quyết định 81 của Thủ tướng chính phủ tại xã Phúc An, huyện Yên Bình với 50 thành viên, 41 cộng tác viên; mô hình Câu lạc bộ “Hội ND tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giam sát phản biện xã hội” tại xã Vân Hội, huyện Trấn Yên với 60 thành viên.
Thông qua công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân và nhân dân về nội dung ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở.
Từ đó, các mâu thuẫn nhỏ được giải quyết kịp thời, hiệu quả góp phần hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại vượt cấp, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đảm bảo an ninh trật tự ở đia phương.