Thái Bình: Hội Nông dân tổ chức nghiệp vụ hòa giải cho 14 nghìn lượt cán bộ Hội
16:45 - 16/04/2019
(KNTC) Hiện nay, toàn tỉnh Thái Bình có 2.061 tổ hòa giải và 14.773 hòa giải viên (trong đó có 10.433 nam và 4.340 nữ). Hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển, đội ngũ hòa giải viên luôn nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm, đạt được những kết quả tích cực. Các vụ việc tiếp nhận hòa giải chủ yếu liên quan đến tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình; ngoài ra còn hòa giải các vụ việc mâu thuẫn, xích mích và tranh chấp khác. Từ 01/01/2014 đến 31/10/2018, tổng số vụ việc tiếp nhận hòa giải là 22.468, số vụ việc hòa giải thành là 18.510, tỷ lệ hòa giải thành bình quân 05 năm đạt trên 82%.
Hàng năm, UBND tỉnh phối hợp tổ chức tập huấn công tác hòa giải cho lãnh đạo UBND các xã, phường, thị trấn phụ trách công tác Tư pháp, công chức Tư pháp – Hộ tịch và Tổ trưởng các tổ hòa giải và các hòa giải viên. Ngoài ra, thông qua các cuộc giao ban, kiểm tra định kì, Phòng Tư pháp đều yêu cầu cấp xã báo cáo kết quả hòa giải ở cơ sở tại địa phương. Từ năm 2014-2018, cấp huyện, xã đã tổ chức 1.399 hội nghị chuyên đề hoặc lồng ghép tập huấn cho đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; cán bộ, công chức của tổ chức chính trị - xã hội được giao nhiệm vụ theo dõi, hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở và hòa giải viên.
MTTQ và đoàn thể các cấp phối hợp với ngành Tư pháp tổ chức 45 lớp tuyên truyền, tập huấn kiến thức nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở cho 6.051 cán bộ MTTQ và các tổ chức đoàn thể, hòa giải viên tại địa phương. Hội ND các cấp tổ chức 390 lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ hòa giải cho 14.000 lượt cán bộ Hội.
Điển hình như: Huyện Quỳnh Phụ tổ chức được 77 hội nghị cho 7.550 lượt người, huyện Kiến Xương tổ chức 250 hội nghị, Vũ Thư tổ chức trên 54 hội nghị cho hơn 4.400 lượt người
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp còn giới thiệu các các văn bản pháp luật mới ban hành, trong đó có Luật Hòa giải ở cơ sở trên Wesite của Sở thông qua hệ thống truyền thanh của 286 xã, phường, thị trấn.
Viết 23 tin, bài giới thiệu những nội dung cơ bản, những điểm mới của Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015, Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản pháp luật mới trên Báo Thái Bình, Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh và của ngành.
Việc biên soạn, phát hành tài liệu nghiệp vụ công tác hoà giải ở cơ sở được tổ chức thực hiện kịp thời. Đồng thời Sở Tư pháp đã cấp phát trên 1.000 cuốn Hiến pháp 2013, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Hòa giải ở cơ sở… cho Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn; chỉ đạo Phòng Tư pháp các huyện, thành phố cấp phát “Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở” đến 100% số tổ hòa giải trên địa bàn huyện, thành phố. Phòng Tư pháp các huyện, thành phố sao gửi tài liệu tuyên truyền về thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở cho các đồng chí lãnh đạo xã, hòa giải viên làm tài liệu tuyên truyền trong nhân dân. Riêng phòng Tư pháp Thái Thụy đã biên soạn 05 loại tài liệu với 14723 tập để phổ biến, hướng dẫn những vấn đề cơ bản phục vụ cho công tác hòa giải như: những nguyên tắc và phạm vi hòa giải ở cơ sở, công nhận tổ hòa giải; một số kỹ năng hòa giải; chức năng, nhiệm vụ của tổ hòa giải.
Có thể thấy sau 05 năm triển khai thi hành Luật, hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp, các ngành, đoàn thể, nhất là người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đoàn thể. Công tác hòa giải ở cơ sở đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác Phổ biến giáo dục pháp luật, từng bước hình thành trong nhân dân ý thức tự giác chấp hành pháp luật; thúc đẩy cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, bảo đảm quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội phát triển./.
Quỳnh Phương