(KNTC) - Từ đầu năm đến nay thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ các cấp Hội đã hòa giải 1.46 vụ và hòa giải thành 103 vụ; tiếp nhận 177 đơn thư và giải quyết xong 150 đơn; giải quyết 112 vụ khiếu nại tố cáo và giải quyết xong 80 vụ của hội viên, nông dân.
Bên cạnh đó, tỉnh Hội đã phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức quán triệt và tập huấn nghiệp vụ cho gần 300 đồng chí là cán bộ chuyên trách Hội Nông dân cấp tỉnh, huyện và cán bộ chủ chốt Hội Nông dân cơ sở. Tổ chức triển khai, xây dựng 04 mô hình điểm cơ sở Hội tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân tại 04 cơ sở Hội: xã Cao An (huyện Cẩm Giàng), xã Nam Chính (huyện Nam Sách), xã Phạm Trấn (huyện Gia Lộc), phường Bình Hàn (Thành phố Hải Dương). Các quy trình thành lập được thực hiện bài bản như: thành lập Ban Chỉ đạo mô hình điểm do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, Chủ tịch Hội Nông dân xã là phó Ban, một số ban ngành cơ sở là thành viên; tổ chức tập huấn nghiệp vụ; tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.
Đến nay 04 cơ sở Hội đã tham gia tiếp công dân được 178 buổi cho 226 lượt người, tham gia tiếp nhận 23 đơn thư, hòa giải 43 vụ và hòa giải thành 37 vụ, tuyên truyền nhiều bộ Luật, Luật hiện hành, chủ yếu là: Hiến pháp 2013, Bộ Luật Dân sự, Luật khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Nghĩa vụ quân sự…Thông qua mô hình này đã góp phần giảm đáng kể tình trạng khiếu nại, khiếu kiện ở địa phương đồng thời góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, đảm bảo tình hình chính trị, trật tự an toàn ở cơ sở.
Sáu tháng đầu năm 2018, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp, tham gia tuyên truyền, vận động, thuyết phục và giải quyết dứt điểm cho nông dân xã Thanh Xuân (huyện Thanh Hà) nhận tiền đền bù thiệt hại hoa màu do chủ các lò gạch thủ công của xã Bình Dân (huyện Kim Thành) gây ra.
Hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý ở cơ sở được duy trì thường xuyên, đặc biệt là vai trò quan trọng của tổ hòa giải và hòa giải viên là cán bộ chi, tổ hội trong việc tham gia tiếp nhận, giải quyết mâu thuẫn, xung đột trong nhân dân, qua đó góp phần giữ gìn ổn định, trật tự an toàn ở cơ sở. Cấp tỉnh đã phân bổ 02 loại sách: Sổ tay phổ biến pháp luật cho nông dân và Sổ tay hỏi đáp pháp luật về bảo vệ, kiểm dịch thực vật và quản lý phân bón cho các huyện, thị xã, thành phố phục vụ công tác nghiên cứu, tuyên truyền và thực hiện của cán bộ Hội.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả công việc, thời gian tới tỉnh Hội tham mưu, tổ chức đối thoại giữa hội viên, nông dân với lãnh đạo địa phương để giải đáp những thắc mắc, kiến nghị liên quan đến nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới. Thông qua đối thoại, nhiều kiến nghị, bức xúc, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân nói chung và nông dân nói riêng đã được công khai giải đáp, giải tỏa bức xúc, qua đó góp phần giảm tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp và đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn ở cơ sở.