Vai trò của các cấp Hội trong công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền
|
Ảnh minh họa |
Các cấp Hội kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, hội viên nông dân, những khó khăn, bức xúc của nông dân và dư luận xã hội để kịp thời phản ánh, đề xuất với các cấp ủy, chính quyền có giải pháp tháo gỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân.
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổng hợp Báo cáo tổng hợp phản ánh tình hình nông dân, nông thôn và những kiến nghị của hội viên, nông dân gửi tới kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; hằng tháng, quý tổng hợp báo cáo tình hình nông dân, nông nghiệp, nông thôn và hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân để báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Dân vận Trung ương và Ủy ban Trung ương MTTQVN.
Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã tập hợp trên 4,8 nghìn lượt ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của hội viên, nông dân gửi đến cấp ủy, tổ chức đảng cùng cấp về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, việc rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và kiến nghị với cấp ủy đảng kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra những chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trung ương Hội xây dựng Kế hoạch tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024; Kế hoạch thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền năm 2024; Hội Nông dân các cấp ở địa phương chủ trì tham mưu, phối hợp tổ chức Hội nghị đối thoại giữa cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với hội viên, nông dân.
Trong 6 tháng đầu năm, Hội Nông dân cấp tỉnh tổ chức được 16 Hội nghị; cấp huyện 247 Hội nghị; cấp xã 2.015 Hội nghị. Đồng thời, các cấp Hội tổ chức các hình thức diễn đàn, hội nghị tiếp xúc để lắng nghe ý kiến của hội viên, nông dân; chủ động, kịp thời nắm bắt các vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình tham gia phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương, cơ sở để kiến nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến nông nghiệp, nông thôn và đời sống của hội viên, nông dân.
Các cấp Hội phối hợp bồi dưỡng hội viên, nông dân trẻ có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, uy tín để giới thiệu với cấp ủy kết nạp vào Đảng, bổ sung vào nguồn cán bộ của Đảng và các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Trong 6 tháng đầu năm, các cấp Hội đã bồi dưỡng, hướng dẫn, giới thiệu cho các cấp ủy kết nạp được 16.401 hội viên nông dân ưu tú vào Đảng.
Nhằm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, các cấp Hội tích cực, chủ động tham gia có hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Trong đó tập trung phối hợp, tổ chức cho cán bộ, hội viên, nông dân tham gia giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia đoàn giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp ở địa phương thực hiện giám sát việc thực hiện các quy định về hỗ trợ nông dân xây dựng nông thôn; việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; giám sát thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp; việc thực hiện công tác an sinh xã hội cho nông dân; tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân...
Các cấp Hội đã tập hợp trên 5 nghìn lượt ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của hội viên, nông dân gửi đến cấp ủy, tổ chức đảng cùng cấp về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, việc rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và kiến nghị với cấp ủy đảng kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra những chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Cơ quan Ủy ban Kiểm tra TW Hội tham mưu tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng giám sát, phản biện xã hội tại 04 tỉnh, thành Hội (Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Yên, Khánh Hòa); phối hợp với Báo NTNN, Tạp chí NTM tuyên truyền công tác giám sát, phản biện xã hội; tích cực tham gia phản biện dự thảo các văn bản liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân. Trong đó chú trọng các dự thảo văn bản như: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Xây dựng; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Nhà ở; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Thanh tra; dự thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) 2024, dự thảo chính sách an sinh xã hội, dự thảo các Nghị quyết của HĐND cùng cấp liên quan đến lĩnh vực, đời sống của nông dân và chính sách liên quan đến sản xuất nông nghiệp; chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương...
Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng, củng cố liên minh công nhân-nông dân-trí thức và liên kết, hợp tác với các giai tầng khác, Trung ương Hội ban hành kế hoạch và chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn Hội Nông dân các tỉnh, thành phố tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp giữa các bộ, ngành, UBND các cấp với các cấp Hội Nông dân trong việc tiếp công dân, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.
Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hội tham mưu tổ chức tập huấn tuyên truyền phổ biến về luật khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, hội viên, nông dân tại 04 tỉnh, thành Hội (Nam Định, Hải Dương, Bắc Giang và Quảng Bình); hướng dẫn Hội Nông dân tỉnh Nam Định, Hưng Yên và Hải Dương về xây dựng Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật; xây dựng Dự thảo Hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật; tiếp nhận 11 đơn thư, tham mưu Ban Thường vụ Trung ương Hội ban hành công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Long An giải quyết theo quy định và Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Long An tham gia giải quyết bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nông dân; xử lý và lưu đơn theo quy định.
Thời gian tới, các cấp Hội chủ động tham gia có hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về về “Phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”; chủ động, kịp thời nắm bắt các vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình tham gia phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới để kiến nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật; đẩy mạnh giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội ở nông thôn.