Hải Dương: Tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng
(KNTC) - Thực hiện Kế hoạch và hướng dẫn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh đã ra Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng.
Với mục tiêu tập trung tuyên truyền, chỉ đạo cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả thông qua việc tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, hội viên, nông dân gắn với đợt "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành, cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, huyện gồm 63 đồng chí, tiếp tục triển khai việc thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng; xây dựng kế hoạch, hướng dẫn thực hiện luật, đồng thời có công văn chỉ đạo các cấp Hội trong tỉnh nghiêm túc thực hiện.
12/12 huyện, thị xã, thành phố, 259/259 cơ sở Hội đều tổ chức triển khai học tập Luật Phòng, chống thamnhũng tới hội viên, nông dân bằng nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị, tập huấn nghiệp vụ công tác Hội lồng ghép việc tuyên truyền phổ biến Luật Phòng, chống tham nhũng. Tổ chức sinh hoạt ở chi, tổ Hội; tọa đàm, sinh hoạt Câu lạc bộ nông dân với pháp luật…. Thông qua 2.453 cuộc họp đã có hàng ngàn lượt ý kiến tham gia phát biểu thảo luận các vấn đề liên quan đến tham nhũng; chỉ rõ những yếu kém trong nhận thức của một bộ phận cán bộ, Đảng viên về một số lĩnh vực như: quản lý thu, chi ngân sách xã (phường, thị trấn); quản lý sử dụng đất đai, thực hiện chính sách xã hội, công khai thủ tục hành chính, các tệ nạn xã hội, thực hiện pháp lệnh dân chủ ở cơ sở.
Các cơ sở Hội đã phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố cùng các Câu lạc bộ nông dân với pháp luật tổ chức được 596 buổi trợ giúp pháp lý và sinh hoạt Câu lạc bộ; 1024 tin bài tuyên truyền Luật Phòng, chống tham nhũng trên các phương tiện thông tin đại chúng cho hàng trăm ngàn lượt người nghe. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ về kinh phí của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh trực tiếp tổ chức các đợt tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động cho cán bộ, hội viên, nông dân.
Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo khảo sát, lựa chọn từ 05- 07 cơ sở của các huyện, thị xã, thành phố để phổ biến, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý. Nội dung tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý bao gồm các quy định pháp luật có liên quan trực tiếp đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn tập trung vào các nội dung: Luật Môi trường, Pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở; Luật phòng, chống tham nhũng, các văn bản có liên quan đến các chế độ chính sách; các vấn đề an sinh xã hội, các chính sách do tỉnh ban hành về nông nghiệp, nông dân, nông thôn…. đồng thời phát đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, tổ chức trả lời, tư vấn tập trung và riêng lẻ những vướng mắc, khó khăn trong các lĩnh vực pháp luật, chính sách cho các tập thể, cá nhân hội viên, nông dân.
Công tác phòng, chống tham nhũng đã được cơ quan tỉnh Hội coi trọng chỉ đạo thực hiện từ trước khi Luật Phòng, chống tham nhũng được ban hành. Cơ quan Hội Nông dân tỉnh từ thủ trưởng cho đến cán bộ, công chức, viên chức cơ quan đều thực hành tiết kiệm và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí. Cơ quan đã xây dựng và ban hành quy chế làm việc, nội quy cơ quan, quy chế phối hợp giữa thủ trưởng với Ban Chấp hành Công đoàn, việc xây dựng Quy chế đều được đưa ra lấy ý kiến của toàn thể cán bộ, công chức, nhân viên trong cơ quan. Thực hiện nghiêm túc việc báo cáo tài chính công khai trước Ban Thường vụ; việc mua sắm tài sản, trang bị điều kiện phương tiện làm việc đều đảm bảo theo quy trình, đúng quy định, chấp hành nghiêm các quy định về sử dụng tài sản công, về chế độ chi tiêu hội nghị, tiếp khách và công tác phí./.
Thanh Tâm