Phú Thịnh: Xây dựng mô hình điểm về tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân
(KNTC) - Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương Hội Nông dân VN, Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên đã lập kế hoạch và tiến hành triển khai thực hiện xây dựng mô hình điểm tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân tại xã Phú Thịnh, huyện Kim Động.
Ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên chỉ đạo các cấp Hội chủ động phối hợp với các ngành chức năng và cấp ủy, Ủy ban nhân dân xã Phú Thịnh xây dựng Kế hoạch chi tiết mô hình điểm về tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ban chỉ đạo xây dựng mô hình tại xã Phú Thịnh, huyện Kim Động gồm 09 đồng chí do đồng chí Phó chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, đồng chí Chủ tịch HND xã làm Phó ban thường trực và các đồng chí ủy viên gồm các ngành đoàn thể phụ nữ, cựu chiến binh, mặt trận và một số đồng chí truởng thôn.
Hàng tuần, Ban chỉ đạo thực hiện phân công cán bộ tiếp dân, hòa giải định kỳ cùng lịch trực tiếp dân tại UBND xã nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cán bộ, hội viên, nông dân, nêu quan điểm chính kiến báo cáo đề xuất cấp ủy đảng chính quyền hướng giải quyết trên cơ sở pháp luật.
Viêc thành lập và tổ chức các hoạt động, các buổi sinh hoạt “Câu lạc bộ nông dân với pháp luật” với 50 thành viên câu lạc bộ và nhiều hội viên, nông dân tham dự. Hoạt động của câu lạc bộ đi vào nề nếp, thực sự có hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, hội viên, nông dân tại cộng đồng dân cư nông thôn, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia.
Tại các buổi sinh hoạt, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ đã tuyên truyền, quán triệt các văn bản pháp luật mới ban hành, những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phản ánh tình hình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các chương trình dự án của địa phương; thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, giúp nông dân biết và ứng xử theo pháp luật trong cuộc sống hàng ngày; tích cực tham gia các dự thảo luật như dự thảo Bộ luật Hình sự ; dự thảo Bộ luật dân sự...
Các tổ hòa giải thường xuyên phối hợp hòa giải nhiều vụ việc mâu thuẫn ngay tại các thôn kết hợp với ban chủ nhiệm câu lạc bộ nông dân với pháp luật tư vấn, giải đáp vướng mắc pháp luật. Trong năm, đã tư vấn 35 vụ về quyền sử dụng đất. Hòa giải 15 vụ việc ngay tại cơ sở (03 vụ cãi nhau; 12 vụ tranh chấp mốc giới).
Hội cơ sở tổ chức hội nghị tại xã Phú Thịnh thảo luận và tổ chức lấy ý kiến tham gia vào Quy chế phối hợp giữa Ủy ban nhân dân và Hội Nông dân xã thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (Pháp lệnh số 34). Đây là một nội dung được đông đảo bà con quan tâm và có nhiều ý kiến tham gia để xây dựng Quy chế có tính khả thi, hiệu quả trong việc phát huy dân chủ của người dân ngay từ cơ cở.
Đồng thời Ban Chỉ đạo xây dựng mô hình đã phối hợp với các ban, ngành chức năng mở các lớp tập huấn nội dung tuyên truyền Pháp lệnh dân chủ cơ sở xã phường, thị trấn; Luật khiếu nại; Luật Tố cáo; Bộ luật dân sự, luật Đất đai, Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trang bị thêm các đầu sách pháp luật mới cho tủ sách pháp luật tại xã.
Hàng tháng, phối hợp với đài truyền thanh của xã biên tập, phát các tin, bài tuyên truyền về chủ trương, chính sách và các văn bản pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Sự gắn kết các hoạt động trong nội dung xây dựng mô hình điểm, vừa tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật và vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia quy chế dân chủ ở cơ sở góp phần giúp nông dân phát triển sản xuất, đời sống nông dân được cải thiện rõ rệt.