Các cấp Hội đẩy mạnh công tác tham gia trợ giúp pháp lý cho nông dân
16:11 - 24/03/2015
Từ khi Luật trợ giúp pháp lý được ban hành đến nay, các cấp Hội Nông dân VN đã phối hợp với các Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tổ chức gần 193.550 cuộc cho 4.319.494 lượt đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, hội viên, nông dân trong đó có nhiều địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn trên cả nước.

Những năm qua, công tác trợ giúp pháp lý, phổ biến pháp luật luôn được Hội Nông dân Việt Nam chú trọng nâng cao về số lượng và chất lượng. Công tác phối hợp xây dựng thể chế, chính sách triển khai thực hiện công tác trợ giúp pháp lý, Hội Nông dân Việt Nam trong phạm vi, chức năng của mình đã tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý. Đồng thời chủ động phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất các kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện công tác trợ giúp pháp lý, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nông dân, xây dựng các Chương trình phối hợp về tuyên truyền, phổ biến pháp luật với Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu xây dựng các chương trình, đề án tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân như  Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày16 tháng 12 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010; Quyết định 554/QĐ-TTg ngày 4/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2009 đến năm 2012” (giai đoạn 2 từ 2013 đến 2016). 

 

Đặc biệt, đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực hiện Chỉ thị 26 2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để tiếp tục phát huy công tác phối hợp trong phổ biến, tuyên truyền pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngày 31/12/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg về việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Trong đó, các cấp Hội có trách nhiệm phối hợp để  tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tư vấn, trợ giúp pháp lý cho cán bộ, hội viên, nông dân phù hợp với tập quán văn hóa từng địa phương, vùng, miền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho hội viên, nông dân; hòa giải, giải quyết mâu thuẫn, vướng mắc trong nội bộ nông dân ngay từ cơ sở.

Không chỉ tham gia phối hợp trong công tác xây dựng thể chế, chính sách pháp luật về công tác trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật mà các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong hoạt động thực tiễn đã không ngừng nâng cao chất lượng công tác tham gia hỗ trợ các dịch vụ pháp lý cho đối tượng chính sách và hội viên, nông dân. Từ khi Luật trợ giúp pháp lý được ban hành đến nay, Trung ương Hội phối hợp với Hội Nông dân các tỉnh (thành) và các Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tổ chức được 402 cuộc trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật lưu động ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Trung ương Hội đã phối hợp với các luật sư, cộng tác viên tiếp nhận và giải quyết 2.979 đơn, hồ sơ yêu cầu tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý. Nội dung vụ việc tập trung ở các lĩnh vực đất đai, doanh nghiệp, dân sự, hôn nhân và gia đình, hình sự, hành chính, chế độ chính sách và một số lĩnh vực khác như trình tự, thủ tục xin vay vốn hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển sản xuất nông nghiệp, các vấn đề pháp lý về bảo vệ môi trường... Bên cạnh đó, các luật sư, tư vấn viên còn tiếp nhận rất nhiều ý kiến phản ánh, kiến nghị về chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Đồng thời, Trung ương Hội đã phối hợp thực hiện tư vấn, giải đáp chính sách pháp luật cho nông dân trong chuyên mục tư vấn pháp luật miễn phí trên Báo Nông thôn ngày nay; tư vấn, tuyên truyền pháp luật theo chuyên đề, các bài viết, phóng sự đi sâu phân tích, phản biện các lĩnh vực pháp luật liên quan trực tiếp đến nông dân trên Ấn phẩm Trang trại Việt; thực hiện thường xuyên các chuyên mục tư vấn, hỏi đáp chính sách pháp luật liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn trên Đài Truyền hình Việt Nam.

Ở địa phương, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức được  1.146.128 cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho hơn 40 triệu lượt hội viên, nông dân; tổ chức được gần 4.000 cuộc thi viết và hơn 3.000 cuộc thi sân khấu hoá tìm hiểu pháp luật với 2.519.600 lượt hội viên, nông dân tham gia; cung cấp  gần 2.260.000 cuốn Sổ tay phổ biến pháp luật, bản tin pháp luật và hơn 30 triệu tờ rơi, tờ gấp pháp luật, xây dựng được 18.870 tủ sách pháp luật với hàng triệu đầu sách pháp luật phục vụ nhu cầu của hội viên, nông dân.

Hội Nông dân các tỉnh, thành đã phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tại tỉnh tổ chức trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật gần 193.550 cuộc cho 4.319.494 lượt hội viên, nông dân. Đối tượng trợ giúp là hội viên, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách trong đó có nhiều địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Tại các cuộc trợ giúp pháp lý, thông qua hình thức tư vấn pháp luật trực tiếp, đông đảo hội viên, nông dân và các đối tượng chính sách đã được các luật sư, trợ giúp viên giải đáp, tư vấn các vướng mắc về chính sách, pháp luật  đặc biệt là tư vấn pháp luật cho nông dân ở những nơi có các dự án thu hồi nhiều đất nông nghiệp, giúp nông dân giải toả nhiều bức xúc, mâu thuẫn trong tranh chấp dân sự nhất là lĩnh vực đất đai, thu hồi, bồi thường về đất. Nhờ đó từng bước giúp hội viên, nông dân hiểu và thực hiện đúng đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, góp phần hạn chế khiếu kiện sai, khiếu kiện vượt cấp.    

Trung ương Hội đã chỉ đạo, hướng dẫn Hội Nông dân các tỉnh, thành phố xây dựng hệ thống các Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”. Đến nay, hệ thống này đã đi vào hoạt động có hiệu quả với trên 5000 câu lạc bộ “ Nông dân với pháp luật”  và trên 152. 000 thành viên,  duy trì sinh hoạt thường xuyên thông qua việc xây dựng các mô hình điểm thực hiện Chỉ thị 26, mô hình vận động nông dân chấp hành pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm. Xây dựng mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên pháp luật, tham gia thành viên Câu lạc bộ nông dân với pháp luật, là thành viên các tổ hoà giải, là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và vận động chấp hành pháp luật ở nông thôn. Qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân trở thành một kênh thông tin giúp Hội nhận và phản ánh kịp thời với Đảng và Nhà nước về tình hình nông dân, nông nghiệp, nông thôn.

Để cung cấp các tài liệu pháp luật, tài liệu nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho cán bộ Hội làm công tác này trên cả nước, Trung ương Hội đã biên soạn và phát hành Sổ tay hỏi đáp Luật Phổ biến giáo dục pháp luật và Luật Trợ giúp pháp lý, Cẩm nang tư vấn pháp luật cho nông dân, Sổ tay nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật cho nông dân, Sổ tay hướng dẫn kỹ năng tổ chức và điều hành hoạt động của Câu lạc bộ nông dân với pháp luật, Sổ tay nghiệp vụ thực hiện Chỉ thị 26 và các Sổ tay hỏi đáp nhiều lĩnh vực pháp luật cần thiết cho nông dân, tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền pháp luật, các đĩa DVD tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân.

Thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý và Nghị định số 77/2008/NĐ-CP về tư vấn pháp luật, các cấp Hội đang từng bước xây dựng hệ thống các Trung tâm tư vấn pháp luật. Hiện nay đã thành lập được Trung tâm tư vấn pháp luật nông dân của Trung ương Hội và 04 Trung tâm của Hội Nông dân các tỉnh Hưng Yên, Tiền Giang, An Giang và Lâm Đồng. Đây là một trong những đơn vị đầu mối giúp các cấp Hội tăng cường thực hiện và nâng cao chất lượng của công tác phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý cho cán bộ, hội viên, nông dân.

Với những kết quả đạt được từ công tác tham gia trợ giúp pháp lý, trong những năm tiếp theo các cấp Hội sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp giữa Hội Nông dân và các Bộ, ngành trong công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý, tích cực lồng ghép các hoạt động  tuyên truyền, phổ biến pháp luật, xây dựng và phát triển mạng lưới cộng tác viên ở cơ sở và phối hợp hoạt động của các loại hình câu lạc bộ pháp luật của Hội Nông dân để nâng cao tính ưu việt, thiết thực của công tác trợ giúp pháp lý đến với vùng sâu, vùng xa và địa bàn khó khăn trên cả nước.

                                                                                        Hoàng Đăng

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp