Gia Lai: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc
15:26 - 26/03/2012
Những năm qua, đánh giá được tầm quan trọng của công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai đã quan tâm, tạo điều kiện để các cơ quan thành viên Đề án được phê duyệt trong Quyết định số 554/QĐ-TTg ngày 04/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số.

Gia Lai là một tỉnh miền núi của Tây nguyên, dân số hơn 1,2 triệu người sinh sống trong đó có tới 34 cộng đồng dân tộc như Jrai, Giẻ-triêng, Xơ-đăng, Bahnar, Thái, Mường…Thực hiện Quyết định số 554/QĐ-TTg ngày 04/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2009-2012”, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành các văn bản triển khai như Quyết định số 587/QĐ-UBND ngày 18/9/2009 về việc ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 554/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh; Quyết định  về việc thành lập Ban Chỉ đạo Đề án do đồng chí Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm trưởng ban, từ đó Ban Chỉ đạo đã thành lập tổ giúp việc, tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến tham gia vào Kế hoạch thực hiện Đề án và từng Tiểu Đề án.

 Nhờ có công tác triển khai sớm, đồng bộ do vậy trong 2 năm tiếp theo của Đề án các cơ quan thành viên đã hoàn thành tốt kế hoạch được giao, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, năm 2011 đã đạt được những kết quả nổi bật, được chính quyền địa phương đánh giá cao.

Xây dựng và phát triển mạnh mẽ mạng lưới tuyên truyền viên, nhất là cấp cơ sở gồm có đội ngũ Già làng, Trưởng bản, Bí thư Đoàn xã, Chi hội trưởng, Chi hội phó của các tổ chức nông dân, phụ nữ, chủ nhiệm và thành viên các câu lạc bộ pháp luật và những người có uy tín trong cộng đồng dân cư.

 Tổ chức xây dựng mô hình thí điểm về tuyên truyền pháp luật trong đó hoạt động tuyên truyền được thực hiện nhiều và hiệu quả nhất thông qua các hoạt động của Câu lạc bộ pháp luật tại mô hình. Mỗi cơ quan thành viên của Đề án đã tham mưu, vận động để thành lập được các câu lạc bộ. Cụ thể đã xây dựng được 09 câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, 72 câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”. Tại các mô hình điểm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ban Dân tộc  tỉnh mở được 16 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật cho thành viên các câu lạc bộ để giúp các tuyên truyền viên nòng cốt này thực hiện có hiệu quả hoạt động tuyên truyền cho người dân và đồng bào dân tộc thiểu số ngay tại bản, làng.

 Tiến hành các buổi tuyên truyền pháp luật và các lớp tập huấn kiến thức pháp luật cho cán bộ, tuyên truyền viên và người có uy tín nhằm nâng cao kiến thức nghiệp vụ tuyên truyền và thông tin thường xuyên, kịp thời các văn bản pháp luật mới được ban hành hoặc có sửa đổi, bổ sung. Trong năm, đã tổ chức được 170 lớp tập huấn cho 15.000 lượt cán bộ, hội viên; tổ chức tuyên truyền pháp luật cho 21.515 lượt người tham dự chủ yếu được tuyên truyền về các nội dung pháp luật về đất đai, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, an toàn giao thông đường bộ, khiếu nại, tố cáo…

Xây dựng và biên soạn các tài liệu tuyên truyền pháp luật với tổng số phát hành 2.735 cuốn sách, 500 đĩa VCD tập trung vào các nội dung pháp luật, các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan trực tiếp đến sản xuất, đời sống của nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, các cơ quan trong Đề án cũng đã chủ động tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác như tổ chức thi tìm hiểu pháp luật trong đó 03 cuộc thi theo hình thức sân khấu hóa, thi viết thông qua các phương tiện thông tin đại chúng đã có 20.200 bài tham dự. Các cuộc thi đã thu hút được nhiều sự quan tâm, hưởng ứng của người dân địa phương và có sức lan tỏa rộng.

 Qua ba năm, nhìn nhận đánh giá lại các kết quả thực hiện Đề án, Ban Chỉ đạo đã ghi nhận những ưu điểm, mặt mạnh của từng thành viên trong mỗi nội dung tuyên truyền qua Câu lạc bộ, các buổi tuyên truyền miệng, tập huấn, tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật của Hội Nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ hay hoạt động biên soạn phát hành các loại sách, đĩa, tờ rơi tờ gấp pháp luật của Sở NN&PTNT và Ban Dân tộc. Tuy nhiên Ban Chỉ đạo cũng rút ra những mặt hạn chế như triển khai một số nội dung còn chậm, một số nơi trình độ cán bộ còn hạn chế dẫn đến hiệu quả công việc chưa cao, tài liệu tuyên truyền biên soạn bằng tiếng dân tộc còn ít và chưa thống nhất nên thực hiện tuyên truyền ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn nhất là những nơi bà con không biết tiếng Kinh.

Nhìn chung công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đòi hỏi phải được làm thường xuyên, lâu dài và trách nhiệm của tất cả các ban, ngành, tổ chức đoàn thể để từng bước nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân và đồng bào dân tộc thiểu số góp phần ổn định an ninh, chính trị tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương ngày càng vững mạnh.

                                                                                              Thanh Hải

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp