Lâm Đồng sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 26
16:13 - 23/02/2012
Thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, Hội Nông dân Lâm Đồng những năm qua đã có nhiều cố gắng phối hợp cùng với các ngành Thanh tra, Tư pháp, Tài nguyên- Môi trường và các cấp chính quyền ở địa phương trong việc tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.

      Sau khi có Chỉ thị 26/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, được sự hướng dẫn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tập trung xây dựng các điểm thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg ở các địa phương đang có khiếu kiện gay gắt, phức tạp. 10 năm qua Hội Nông dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo, xây dựng các xã điểm thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ tại các xã Phú Hội, Ninh Gia (Đức Trọng); thị trấn Đinh Văn, Phi Tô  (Lâm Hà); Đạ Ròn, P’Roh (Đơn Dương); Tân Nghĩa (Di Linh); Lộc Quảng (Bảo Lâm). Tại các xã điểm, Hội Nông dân tỉnh xây dựng kế hoạch chi tiết, đề ra giải pháp, quy trình lộ trình nội dung thực hiện, tham gia cùng với chính quyền cơ sở nơi chọn điểm để thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 26 tại xã; xây dựng và ban hành quy chế phối hợp giữa UBND và HND xã trong việc tham gia thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn, làm cơ sở triển khai thực hiện. Trong quá trình xây dựng chỉ đạo xã điểm thực hiện Chỉ thị 26, Hội Nông dân ở cơ sở đã thể hiện được vai trò và vị trí của Hội trong việc tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, góp phần cùng với chính quyền ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn. Ngoài các mô hình điểm do Hội Nông dân tỉnh trực tiếp và phối hợp với Trung ương Hội NDVN xây dựng chỉ đạo, đến nay còn có 12 mô hình xã điểm thực hiện Chỉ thị 26 do Hội Nông dân các huyện, thành phố xây dựng.

Các cấp Hội đã áp dụng nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên, nông dân như sinh hoạt chi, tổ hội, sinh hoạt câu lạc bộ nông dân với pháp luật, qua công tác hòa giải, qua các cuộc thi “kiến thức nhà nông và pháp luật”, thi viết tìm hiểu pháp luật về đất đai… Nét mới trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong những năm qua là việc thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa từ cơ sở đến tỉnh theo quy định 2,5 năm/lần với các nội dung phong phú, đa dạng được đông đảo nông dân đồng tình tham gia hưởng ứng. Trong 10 năm qua có hơn 500 cuộc, hội thi “Kiến thức nhà nông và pháp luật” từ chi hội, cơ sở hội trở lên với trên 100 ngàn lượt cán bộ hội viên nông dân tham dự. Nội dung các cuộc thi phần lớn do nông dân tự biên, tự diễn trên cơ sở xuất phát từ nhu cầu tìm hiểu pháp luật ở mỗi địa phương. Vì vậy, thông qua hội thi vừa phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả, vừa tạo phong trào thi đua tìm hiểu pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của hội viên, nông dân. Từ năm 2002-2011, Lâm Đồng đã tổ chức 13.412 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với 715.568 lượt nông dân tham dự. Trong đó có 9.388 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc với 500.897 lượt cán bộ, hội viên nông dân tham dự.

          Công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý được đẩy mạnh, từng bước xây dựng và hình thành hệ thống tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý theo Nghị định 65/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, năm 2005 Hội Nông dân tỉnh thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về pháp luật trong hội viên nông dân. Ngoài ra, các cấp Hội thực hiện tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nông dân thông qua việc phối hợp với các tổ trợ giúp pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Sở Tư pháp. Vì vậy từng bước đã giúp hội viên, nông dân hiểu và thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần làm hạn chế vấn đề khiếu kiện sai và vượt cấp ở địa phương. 10 năm Hội đã tổ chức 501 cuộc tư vấn và trợ giúp pháp lý; 25.945 vụ việc tư vấn và trợ giúp pháp lý; 26.144 người có nhu cầu tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý.

          Trong quá trình thực hiện Chỉ thị 26/2001/CT-TTg, Hội Nông dân các cấp lấy công tác hòa giải tại cơ sở làm nhiệm vụ trọng tâm. Phát huy thế mạnh của tổ chức Hội, với ưu thế vừa gần gũi sâu sát, có uy tín với nông dân. Hội Nông dân cơ sở kịp thời phát hiện mâu thuẫn mới phát sinh, tâm lý từng đối tượng để có hình thức hòa giải phù hợp. Đồng thời kiên trì vận động, thuyết phục với nhiều hình thức hòa giải phù hợp như dựa trên tình làng nghĩa xóm, qua đối thoại trực tiếp, qua sinh hoạt chi, tổ hội, qua người có uy tín với đối tượng và phối hợp với chính quyền, các đoàn thể để tổ chức hòa giải. Trong đó, tập trung hòa giải tại chi, tổ hội, kịp thời giải quyết mâu thuẫn ngay tại thôn, buôn, khu phố. Trong 10 năm qua, Hội Nông dân các cấp đã trực tiếp hòa giải thành là 4.772/14.576 vụ việc; tham gia hòa giải thành 4.120/6.074 vụ việc. Bên cạnh đó, Hội Nông dân đã tiếp nhận 1.784 đơn thư khiếu nại, trong đó có 1.683 đơn thư thuộc thẩm quyền của Hội phải giải quyết theo pháp luật.

Từ năm 2006 đến nay Hội Nông dân các cấp đã chú trọng việc thành lập các Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”. Hoạt động của các Câu lạc bộ mang nguyên tắc tự nguyện cùng tham gia, trao đổi các vấn đề liên quan đến pháp luật. Toàn tỉnh có 14 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, trong đó có 8 Câu lạc bộ do Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Trung ương Hội NDVN đầu tư thành lập với 247 hội viên và 70 cộng tác viên tham gia sinh hoạt. Ngoài ra còn có 5 Câu lạc bộ do Hội Nông dân huyện Đức Trọng và Hội Nông dân huyện Lâm Hà thành lập với 150 hội viên xã và 40 cộng tác viên tham gia sinh hoạt.   

Mười năm qua, được sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy, việc tạo điều kiện của chính quyền và sự phối hợp của các ngành, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã chủ động, tích cực triển khai, thực hiện các nội dung của Chỉ thị 26 và đạt được một số kết quả nhất định, nổi bật là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nông dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của nông dân, hạn chế việc nông dân khiếu kiện sai, khiếu kiện vượt cấp. Tích cực thực hiện công tác hòa giải trước, trong và sau khiếu kiện để những mâu thuẫn phát sinh được giải quyết ngay từ cơ sở, chi, tổ hội. Công tác phối hợp giữa Hội với các cấp chính quyền, các ngành trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân từng bước đi vào nề nếp và tổ chức thực hiện đạt kết quả. Qua đó, mối quan hệ giữa Hội Nông dân với chính quyền và các ban, ngành được tăng cường, phối hợp chặt chẽ để giải quyết vấn đề bức xúc của nông dân, đồng thời đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống, tạo cầu nối giữa chính quyền với nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.

 

                                                                   Ngân Hà

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp