Bình Dương tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 26
15:32 - 21/02/2012
Thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, 10 năm qua các cấp Hội Nông dân tỉnh Bình Dương đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp với các ban ngành liên quan; phân công cán bộ tham gia tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, hoà giải; tham gia hội đồng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

10 năm qua, các cấp Hội đã phối hợp với ngành Thanh tra, Tư pháp, Tài nguyên môi trường tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo, cán bộ làm công tác kiểm tra từ huyện đến cơ sở, cán bộ Hội là thành viên Hội đồng hoà giải, tổ hoà giải ở cơ sở với các nội dung về công tác kiểm tra, tiếp dân, giải quyết đơn thư, hoà giải, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý… kết quả đã tập huấn 238 lớp với 13.490 lượt người tham dự.

Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý bằng nhiều hình thức cho nông dân như tổ chức sinh hoạt lồng ghép ở các cơ sở Hội, chi tổ Hội; sinh hoạt chuyên đề pháp luật ở các CLB nông dân với pháp luật; tổ chức các lớp tập huấn; phát hành bản tin nông dân; cung cấp tờ rơi, tờ bướm, các tài liệu hỏi đáp về pháp luật… đã tổ chức được 13.897 cuộc cho 812.266 lượt người dự. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là những lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến người nông dân như Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật Đất đai; Luật Dân sự; Luật Hôn nhân gia đình; Pháp lệnh hoà giải cơ sở; pháp lệnh thực hiện QCDC ở cơ sở và một số chủ trương chính sách về giải toả đền bù khi thu hồi đất phục vụ các quy hoạch phát triển dân sinh, đô thị, công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hàng năm, Hội Nông dân các cấp đều ký kết chương trình phối hợp với ngành Tư pháp để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho cán bộ, hội viên, nông dân, qua 10 năm đã tổ chức được 850 cuộc trợ giúp pháp lý, có 41.807 lượt người được tư vấn pháp luật. 87/87 cơ sở đều được trang bị tủ sách pháp luật với 210 tủ sách, 22.618 đầu sách pháp luật các loại, giúp cán bộ, hội viên, nông dân và thành viên của CLB tham khảo, tìm đọc. Riêng tỉnh Hội đã trang bị cho 25 cơ sở Hội với 1.364 đầu sách, trong đó trang bị cho 23 xã điểm 700 đầu sách về các loại sách pháp luật để bổ sung vào tủ sách pháp luật của cơ sở.  

Công tác hoà giải thường xuyên được chính quyền và các cấp Hội củng cố, toàn tỉnh hiện có 91 Hội đồng hoà giải, hơn 600 tổ hoà giải, đều phát hiện kịp thời những mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nông dân, tích cực chủ động tổ chức hoà giải ngay tại cơ sở. 10 năm qua đã tập huấn kỹ năng hoà giải cho cán bộ hoà giải cơ sở được 80 lớp cho 4.800 cán bộ Hội tham dự; đồng thời phối hợp hoà giải được 19.388 vụ. 

Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân được các cấp Hội Nông dân Bình Dương tổ chức thực hiện hàng năm. Phân công cán bộ tham gia tiếp dân tại trụ sở tiếp công dân của tỉnh, huyện, xã. Cùng với các ngành chức năng tiếp công dân bằng tinh thần thái độ nhiệt tình, chu đáo, trách nhiệm, nắm bắt kịp thời những khiếu kiện để xem xét kiến nghị giải quyết thoả đáng. Tích cực nghiên cứu các vụ việc, xác minh tận nơi, làm rõ vấn đề, từ đó đề xuất, kiến nghị với chính quyền và các ngành chức năng có thẩm quyền giải quyết đúng pháp luật và đảm bảo lợi ích chính đáng của nông dân.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Hội về việc chọn xây dựng mô hình điểm 26, đến nay Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng được 12 xã điểm. Riêng huyện Dầu Tiếng đã nhân rộng mô hình điểm tại 11 cơ sở, thành lập Ban Chỉ đạo 26, thành lập CLB nông dân với pháp luật. Các xã điểm tập trung vào tập huấn nâng cao nhận thức chính sách pháp luật cho cán bộ, hội viên nông dân; xây dựng, thành lập và tổ chức các hoạt động của CLB Nông dân với pháp luật, xây dựng đội ngũ cộng tác viên; tham gia xây dựng thực hiện QCDC ở cơ sở… Mô hình CLB nông dân với pháp luật được xác định là hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật có hiệu quả, phù hợp với mọi đối tượng và địa bàn dân cư khác nhau. Thực tiễn những năm qua cho thấy, mặc dù số lượng CLB chưa được nhiều nhưng tác dụng, hiệu quả, sức lan toả tích cực của mô hình hình này là không nhỏ trong đời sống của cộng đồng dân cư. Điều này được khẳng định trước hết vì CLB là nơi quy tụ, tập hợp đông đảo thành viên tham gia nhằm giao lưu, học hỏi, tạo diễn đàn, sân chơi bổ ích và lành mạnh để cùng trao đổi, nắm bắt kiến thức pháp luật và vận dụng pháp luật. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân; giảm bớt các vụ khiếu kiện vượt cấp, đông người, kéo dài, tình hình an ninh trật tự được giữ vững; đóng góp không nhỏ trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

10 năm thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Hội Nông dân Bình Dương đã tích cực, chủ động trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho cán bộ, hội viên, nông dân; phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, các ngành liên quan trong việc tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và hoà giải cơ sở; qua đó trình độ cán bộ Hội từng bước được nâng lên, các phong trào của Hội ngày càng phát triển, nông dân tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng đẩy mạnh các phong trào ở nông thôn.

 

                                                                 Xuân Thu
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp