Xã Nông Thượng là địa phương của thị xã Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn nơi có 803 hộ với 3.300 nhân khẩu của 4 dân tộc Kinh, Tày, Dao, Hoa cùng sinh sống. Trình độ dân trí còn thấp, hiểu biết về pháp luật và nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật còn nhiều hạn chế.
Trong những năm qua, một số thôn bản trên địa bàn xã còn xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo gây mất đoàn kết nội bộ khu dân cư như bạo lực gia đình, tranh chấp đất đai, vi phạm luật giao thông, hành lang giao thông, chưa có ý thức bảo vệ môi trường… Năm 2011, Nông Thượng được Hội Nông dân tỉnh chọn xây dựng mô hình điểm thực hiện Chỉ thị 26 gắn với tham gia thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở. Hội Nông dân cùng Đảng uỷ xã tổ chức khảo sát tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội ở địa phương, lập kế hoạch và tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch hướng dẫn xây dựng mô hình điểm, chủ động tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương thành lập Ban chỉ đạo xây dựng xã điểm gồm 5 thành viên do Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban.
Qua triển khai Hội Nông dân tỉnh phối hợp Sở Tư pháp tổ chức tập huấn pháp luật về công tác hoà giải và tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo cho cán bộ Hội Nông dân, cán bộ thôn bản, chi hội và các nhóm cộng tác viên pháp luật. Ban chỉ đạo 26 tham mưu UBND xã thành lập Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” gồm 50 thành viên, bầu ban chủ nhiệm CLB 3 đồng chí. Câu lạc bộ sinh hoạt tại Nhà văn hoá xã, được trang bị 1 bộ âmly, loa đài để hoạt động. Ban chủ nhiệm xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và định kỳ duy trì sinh hoạt 1 tháng/lần.
Ban Chỉ đạo 26 tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật và nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền pháp luật, tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân, Luật đất đai, Luật khiếu nại cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của xã, chi hội trưởng, nhóm cộng tác viên, thành viên CLB được 5 lớp với 250 lượt người dự. Qua đó đã giúp các học viên hiểu đầy đủ nội dung pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích của nông dân, nhất là công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại của nông dân.
Ban chủ nhiệm CLB đã tham gia cùng các ngành chức năng tổ chức hoà giải 10 vụ và tham gia hoà giải thành 6 vụ, còn 4 vụ đã gửi cấp trên tiếp tục giải quyết.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo 26 xã điểm tuyên truyền pháp luật thông qua hoạt động hoà giải, qua sinh hoạt chi hội và tiếp hội viên, nông dân giải đáp những vướng mắc, xử lý những kiến nghị, phản ánh của hội viên, nông dân. Hội Nông dân tỉnh đã cấp phát cho xã điểm các cuốn Sổ tay phổ biến, giáo dục pháp luật; Sổ tay nghiệp vụ thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ; Sổ tay hỏi đáp về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Cẩm nang tư vấn pháp luật; Cẩm nang tổ chức, điều hành hoạt động CLB pháp luật; Quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai… để làm tài liệu sinh hoạt. Qua triển khai thực hiện các hoạt động tại xã điểm đã được cấp uỷ Đảng, chính quyền xã đánh giá cao, được hội viên nông dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia và có tác dụng tích cực trong việc nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn xã.
Để thực hiện tốt Chỉ thị 26 gắn với tham gia thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở tại mô hình điểm, Hội Nông dân xã đã tham mưu xây dựng dự thảo Quy chế phối hợp thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở giữa Uỷ ban nhân dân với Hội Nông dân xã. Tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp xây dựng Quy chế và ký kết ban hành Quy chế. Quy chế đảm bảo thực hiện pháp lệnh trên một số lĩnh vực như: phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân; phối hợp giải quyết kiến nghị của nông dân, tạo điều kiện để nông dân giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng cơ bản và giám sát cán bộ, đảng viên trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Thông qua quy chế phối hợp đã tạo điều kiện cho Hội Nông dân tham gia giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật và công khai cho hội viên, nông dân được biết tình hình phát triển kinh tế xã hội địa phương, các khoản đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, chương trình phúc lợi công cộng, dự toán và quyết toán hàng năm. Nhờ đó quyền dân chủ của hội viên, nông dân ngày càng được phát huy, nông dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, góp phần tham gia xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, xây dựng tình làng nghĩa xóm, xây dựng gia đình văn hoá, làng bản văn hoá, ổn định an ninh trật tự xã hội nông thôn, đồng thời tập hợp được đông đảo nông dân tham gia xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, nâng cao vị thế của tổ chức Hội trong hệ thống chính trị ở cơ sở.
Hà Phương