Gia Khánh: ghi nhận hoạt động tại một mô hình điểm về tuyên truyền pháp luật
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Tiểu Đề án 3 TW Hội về lựa chọn xây dựng mô hình điểm “vận động nông dân chấp hành pháp luật về sản xuất lương thực, thực phẩm sạch”, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc đã khảo sát và lựa chọn Thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên, qua 8 tháng triển khai cho thấy đây thực sự là một mô hình có ý nghĩa thực tế rất lớn và hiệu quả của công tác vận động nông dân chấp hành pháp luật trong phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Là mô hình năm đầu tiên được Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc triển khai xây dựng tại Thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên theo sự chỉ đạo, đầu tư của Ban Chỉ đạo Tiểu Đề án 3 TW Hội Nông dân Việt Nam về “vận động nông dân chấp hành pháp luật về sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch”. Qua thời gian thực hiện đến nay, mô hình đã thu được nhiều kết quả, đảm bảo được yêu cầu, nội dung kế hoạch đặt ra.
Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành khảo sát thực tế về tình hình phát triển kinh tế, xã hội, trình độ dân trí, tình hình chấp hành pháp luật và các tiêu chí về xây dựng mô hình. Sau khi thống nhất lựa chọn thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức hội nghị thống nhất chọn điểm triển khai xây dựng mô hình với Hội nông dân huyện, thị trấn và chính quyền, cấp uỷ địa phương; Xây dựng kế hoạch về việc chỉ đạo xây dựng mô hình điểm “vận động nông dân chấp hành pháp luật về sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch”.
Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng mô hình điểm ở xã, tham mưu cho UBND thị trấn ra Quyết định thành lập Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” gồm có 50 thành viên. Tổ chức cho Câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ 05buổi/tháng về các nội dung: tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật làm đất, chọn giống cây trồng, chăm sóc; 10 giải pháp canh tác bền vững; quy định pháp luật về thuế nông nghiệp, các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực phẩm; quy định về quản lý chất lượng, chứng nhận chất lượng rau an toàn; Luật bảo vệ môi trường, thực trạng môi trường nước tại địa phương; xu thế hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch, tính bền vững và tất yếu trong sản xuất nông nghiệp sạch; Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Thường vụ tỉnh uỷ Vĩnh Phúc về một số vấn đề cơ bản về nông nghiệp, nông thôn…các thành viên tham gia trao đổi, thảo luận, tiếp thu các nội dung văn bản để tuyên truyền, phổ biến cho người thân và bà con trong thôn, xã cùng thực hiện.
Tại mô hình, Hội Nông dân đã phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước của tỉnh, UBMTTQ tỉnh tổ chức 19 buổi tuyên truyền pháp luật cho hơn 3.800 lượt người và 20 buổi tư vấn pháp luật cho hơn 400 lượt cán bộ, hội viên, nông dân về các nội dung Bộ luật dân sự, Luật Đất đai, Luật bảo vệ môi trường, Luật Khiếu nại tố cáo, Pháp lệnh số 34 thực hiện dân chủ ở xã phường thị trấn, thủ tục hành chính thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật, tính năng, tác dụng, cách thứuc sử dụng đối với rau an toàn... Qua các buổi tuyên truyền, cán bộ, hội viên, nông dân được cung cấp thêm nhiều kiến thức pháp luật cơ bản, được hưởng các dịch vụ pháp lý miễn phí góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của bà con.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo đã phối hợp với Ban truyền thanh văn hoá Thị trấn tổ chức tuyên truyền các văn bản pháp luật trên loa truyền thanh thị trấn được 42 bản tin với thời lượng 15 phút mỗi ngày.
Nhằm đánh giá những mặt mạnh, mặt yếu, khó khăn hạn chế trong hoạt động xây dựng mô hình điểm vừa qua, tạo tiền đề để triển khai tốt hơn trong những năm tiếp theo, Ban Chỉ đạo tiến hành hội nghị sơ kết, đánh giá mô hình vào cuối tháng 11 năm 2011.
Qua gần một năm xây dựng mô hình điểm cho thấy đây là một nội dung mô hình quan trọng, mang tính bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của người nông dân nói chung và nông dân Gia Khánh nói riêng góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, trách nhiệm của người sản xuất đối với sức khoẻ cộng đồng đồng thời huy động được sự tham gia của nông dân trong phong trào vận động nông dân chấp hành pháp luật tại địa phương.
Xuân Ngọc