Ghi nhận qua một năm “tuyên truyền, vận động nông dân chấp hành pháp luật”
Năm 2011, Ban Chỉ đạo Tiểu Đề án 3 TW Hội giao cho Trung tâm Tư vấn pháp luật nông dân tiếp tục thực hiện Tiểu Đề án “Huy động sự tham gia của nông dân trong công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động chấp hành pháp luật ở nông thôn”. Qua một năm thực hiện, dù còn nhiều khó khăn do nguyên nhân chủ quan, khách quan đem lại song đến nay nhìn chung các nội dung đã thực hiện đảm bảo 100% Kế hoạch Ban Chỉ đạo đề ra.
Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đã được Trung tâm tư vấn pháp luật nông dân chủ động, tích cực triển khai linh hoạt với nhiều hình thức tuyên truyền đồng thời kết hợp với các ban, ngành cơ quan chuyên môn nhằm đạt được hiệu quả tuyên truyền sâu, rộng đến với nông dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và người dân nông thôn vùng sâu, vùng xa. Các hoạt động được tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể
Thứ nhất, Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền Tiểu Đề án trên Báo Nông thôn ngày nay, Tạp chí Nông thôn mới và Báo Điện tử Hội Nông dân Việt Nam (Website) đồng thời phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng tiểu mục “nông dân với pháp luật” trên kênh VTC16 (kênh chuyên đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn), thực hiện được 33 số, mỗi tuần một số, lên sóng vào thứ bảy hàng tuần. Nội dung chủ yếu tuyên truyền tập trung thông tin về các mô hình điểm, các gương điển hình, HND cơ sở chấp hành pháp luật tốt tại địa phương, các bài bình luận đánh giá về chính sách PL, các vấn đề bức xúc liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn, tư vấn pháp luật bằng hình thức hỏi-đáp các đơn, thư yêu cầu của hội viên, nông dân trên cả nước gửi về các nội dung chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn.
Thứ hai, Nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội và tuyên truyền viên trong công tác TTPBPL cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số, trong năm Ban Chỉ đạo Tiểu Đề án phối hợp với các Bộ, ngành chức năng và Hội Nông dân các tỉnh, thành đã tổ chức 28 lớp tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho gần 300 cán bộ Hội các cấp và 2.520 cộng tác viên, tuyên truyền viên ở cơ sở tại 15 tỉnh, thành Hội: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Giang, Lạng Sơn, Hoà Bình, Thái Bình, Phú Yên, Gia Lai, Nghệ An, Quảng Nam, Sóc Trăng, Long An, Đồng Nai và Trà Vinh. Nội dung tập huấn về những chủ trương, chính sách pháp luật có liên quan trực tiếp đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn như Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn, thi hành, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Hôn nhân và gia đình, một số chế định về quyền sở hữu, thừa kế trong Bộ luật Dân sự năm 2005, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước, Pháp lệnh số 34 của UBTVQH về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên, nông dân tại cơ sở.
Thứ ba, Trung tâm đã phối hợp với Hội Nông dân các tỉnh, thành, các Bộ, ban ngành liên quan hỗ trợ tổ chức 05 cuộc thi tìm hiểu pháp luật tại các tỉnh: Ninh Bình, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hưng Yên và Quảng Ngãi. Các cuộc thi được tổ chức theo hình thức sân khấu hoá, quy mô tổ chức cấp tỉnh, huyện, thành phần đội thi tham dự chủ yếu từ các câu lạc bộ “nông dân với pháp luật”. Nội dung thi xoay quanh những lĩnh vực pháp luật liên quan trực tiếp đến nông dân như Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống ma tuý…, mỗi đội dự thi phải trải qua 4 phần thi: chào hỏi, cùng nhau giải đáp, xử lý tình huống và tài năng tuyên truyền, xen kẽ giữa từng phần thi là các tiết mục văn nghệ, giao lưu giữa đội tuyển và khán giả. Nhìn chung các cuộc thi đã tạo được một sân chơi kiến thức phù hợp với trình độ dân trí, hấp dẫn và thu hút được đông đảo hội viên, nông dân tham dự cổ vũ.
Thứ tư, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật như: Sổ tay Hỏi –Đáp pháp luật về trồng trọt và bảo vệ, kiểm dịch thực vật (in ấn, phát hành 3.500 cuốn) với các nội dung cơ bản của Pháp lệnh bảo vệ kiểm dịch thực vật; Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; biên soạn 05 loại tờ gấp một số quy định về kinh tế trang trại, quy định về an toàn thực phẩm. In ấn và phát hành với số lượng 40.000 tờ phát hành đến các mô hình điểm và mạng lưới tuyên truyền viên, hội viên, nông dân trên cả nước.
Thứ năm, Xây dựng các mô hình điểm về phát động phong trào chấp hành pháp luật tại địa phương đó là 2 mô hình điểm “Vận động nông dân chấp hành pháp luật về sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch” tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, T.P Hà Nội và thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc; 02 mô hình điểm chuyển tiếp tại hai tỉnh Quảng Nam và Nghệ An tại các xã Bình Hải, huyện Thăng Bình và xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc; Đặc biệt duy trì 3 mô hình điểm “Vận động nông dân chấp hành pháp luật về sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch” tại xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm (Hà Nam), xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản (Nam Định), xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang (Hưng Yên) được triển khai xây dựng từ năm 2009, qua 2 năm thực hiện các mô hình đã thu được nhiều kết quả trong công tác tuyên truyền, vận động góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của hội viên, nông dân giúp cho nông dân dần xoá bỏ được những thói quen, tập quán sản xuất trước đây không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm. Năm 2011, Ban Chỉ đạo Tiểu đề án TW Hội tiếp tục hỗ trợ cho 3 mô hình điểm duy trì hoạt động thường xuyên của Câu lạc bộ nông dân pháp luật, các buổi sinh hoạt định kỳ, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Cuối năm, Ban Chỉ đạo các mô hình tổ chức hội nghị đánh giá về kết quả thực hiện mô hình.
Như vậy, qua một năm được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Trung ương Hội, Lãnh đạo Hội Nông dân các cấp, cấp uỷ Đảng ở địa phương, việc triển khai thực hiện Tiểu Đề án 3 đã đạt 100% kế hoạch, đáp ứng được mục tiêu đặt ra của Tiểu Đề án. Các nội dung, hoạt động đa dạng, phong phú qua quá trình thực hiện Tiểu Đề án từng năm, Ban Chỉ đạo đã rút ra một số bài học kinh nghiệm giúp cho các nội dung ngày càng phù hợp và đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tế vận động, huy động sự tham gia của nông dân trong công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động chấp hành pháp luật của người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số./.
Hải Linh