Tiếp nhận 11.784 đơn thư khiếu nại, tố cáo của nông dân, trong đó Hội Nông dân đã trực tiếp và tham gia giải quyết được 5.072 đơn, phối hợp với UBND và các cơ quan chức năng giải quyết 12.764 vụ việc khiếu nại, tố cáo. Đó là một con số thống kê minh chứng những kết quả, cố gắng của các cấp Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu mười năm qua (2001-2011) thực hiện Chỉ thị 26/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu trở thành địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với cơ cấu kinh tế công nghiệp - xây dựng - dịch vụ - nông nghiệp. Tốc độ phát triển đô thị và các khu công nghiệp cũng như các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn, các công trình thuỷ lợi, văn hoá, giáo dục, y tế phục vụ dân sinh đạt ở mức độ cao góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Tuy nhiên, một số nơi việc thu hồi phần lớn diện tích đất nông nghiệp làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nông dân, không còn đất sản xuất, kéo theo nhiều vấn đề về lao động, an sinh xã hội cần được giải quyết, trong đó có vấn đề khiếu nại của nông dân diễn ra phức tạp, nhiều trường hợp tụ tập đông người, khiếu nại vượt cấp, kéo dài nhiều năm làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Tỉnh.
Xuất phát từ thực tế, thực hiện Chỉ thị 26/TTg của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2001 đến nay, Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã không ngừng phát huy thế mạnh “gần dân, sát dân” cùng phối hợp với chính quyền và các ban, ngành chức năng Thanh tra, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường trong công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nông dân. Đồng thời xây dựng và thực hiện các chương trình phối hợp về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ về kinh tế- chính trị và công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Trong 10 năm, từ 2001 đến 2011, Hội Nông dân tỉnh đã tiếp nhận 11.784 đơn thư khiếu nại, tố cáo của nông dân, đã trực tiếp và phối hợp giải quyết được 5.072 đơn thư. Tham gia với chính quyền và các cơ quan chức năng tiếp dân và giải quyết được 12.764 vụ việc khiếu nại, tố cáo của nông dân; tham gia hòa giải thành 6.489 vụ tranh chấp nhỏ tại cơ sở không để phát sinh thành khiếu kiện. Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực chủ động trong việc tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND thành lập và tham gia tổ công tác điều tra, khảo sát, thống kê thiệt hại ô nhiễm môi trường, buộc Công ty Vedan phải bồi thường thiệt hại về kinh tế với số tiền 53.619.000.000đ cho 1.255 hộ nông dân trên địa bàn tỉnh bị công ty xả chất thải làm ô nhiễm sông Thị Vải ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của bà con nông dân.
Bên cạnh đó còn nhiều vụ việc điển hình khác như vụ 25 hộ dân ở dự án Hồ Đá đen (Châu Đức) khiếu nại về việc bồi thường chưa thỏa đáng khi bị thu hồi đất để xây dựng công trình hồ chứa nước, vụ nhân dân xã Hòa Hiệp huyện Xuyên Mộc tập trung đông người chiếm đất của lâm trường (năm 2001-2002), vụ 17 hộ dân khu vực Minh Đạm, thị trấn Phước Hải (Đất Đỏ), vụ khiếu nại của dân ở khu vực Sông Hỏa, khu vực Hồ Tràm, xã Phước Thuận, Xuyên Mộc… Sau khi nhận đơn và nghe phản ánh, Hội Nông dân đã trực tiếp làm việc với các cơ quan chức năng trong tỉnh, phối hợp tham gia giải thích, vận động nhân dân thông qua các buổi họp, các buổi đối thoại và đưa ra chính kiến giải quyết hợp lý, hợp tình đối với từng vụ việc cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nông dân đồng thời chỉ đạo các cấp Hội kiên trì giải thích, vận động cho hội viên, nông dân hiểu, nắm bắt được các quy định pháp luật từ đó chấp hành và thực hiện các quy định của nhà nước và địa phương, giúp ổn định tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.
Thực hiện các nội dung của Chỉ thị 26, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành chức năng để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nông dân. Cụ thể, trong 10 năm phối hợp với các ngành Tư pháp, Thanh tra, Tài nguyên và Môi trường tổ chức được 3.177 lớp tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, giải quyết khiếu nại tố cáo và các nội dung pháp luật cơ bản cho 154.232 lượt người tham dự, tổ chức được 8.234 buổi tuyên truyền pháp luật cho 431.805 lượt cán bộ, hội viên, nông dân.
Triển khai các nội dung do Ban Chỉ đạo 26 TW Hội chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ kinh phí, từ năm 2011 đến nay, Hội Nông dân Tỉnh đã xây dựng thành công 01 huyện điểm tại Xuyên Mộc và 15 mô hình xã điểm về thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ. Tại các mô hình, Hội Nông dân đã phối hợp với UBND cùng cấp ký các chương trình phối hợp về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, phối hợp với các ngành Tư pháp, Thanh tra, Tài nguyên và Môi trường tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý; tổ chức được 20 lớp tập huấn về kiến thức pháp luật, nghiệp vụ kỹ năng cho 1.040 lượt cán bộ, hội viên, cộng tác viên tham dự; phát hành hàng ngàn tờ rơi, tờ gấp pháp luật cũng như tổ chức các hình thức sinh hoạt pháp luật thông qua Câu Lạc bộ nông dân với pháp luật, qua tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức “Sân khấu hóa” do TW và địa phương tổ chức. Năm 2010, đội thi của Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đạt giải nhất toàn đoàn của Hội thi “Nông dân tìm hiểu pháp luật về thủy sản” do TW Hội Nông dân Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức.
Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” là hình thức được nhiều địa phương đánh giá rất hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 168 Câu lạc bộ với 5.175 thành viên, trang bị được 192 tủ sách pháp luật đặt tại trụ sở của khu phố, thôn, ấp, nhà Chi Hội trưởng, nhà văn hóa ấp … để phục vụ cho các nội dung sinh hoạt của Câu lạc bộ và người dân có nhu cầu đến mượn đọc.
Như vậy, những kết quả đạt được từ thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ 10 năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa- vũng Tàu đã khẳng định vai trò, chức năng là một tổ chức đại diện chăm lo và bảo vệ quyền- lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân đồng thời là một cánh tay đắc lực trong việc chung sức cùng với chính quyền và các ban, ngành chức năng giải quyết những vướng mắc, bức xúc, bất cập trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến nông dân đồng thời tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức cho người dân góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, phát huy quyền làm chủ của nhân dân./.
Phương Linh