Thành phố Cần Thơ năm 2010 được quyết định là thành phố loại I trực thuộc Trung ương đây là tiền đề cho sự phát triển đi lên của Thành phố. Bên cạnh đó cũng đặt ra cho hệ thống chính trị trong đó có Hội Nông dân phải xác định rõ nhiệm vụ nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân nói chung và nông dân nói riêng phù hợp với sự phát triển kinh tế-văn hoá xã hội xứng tầm với một thành phố trực thuộc Trung ương.
Xuất phát từ thực tế của Thành phố Cần Thơ những năm qua có tốc độ đô thị hoá cao, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xây mới nhiều khu công nghiệp, thương mại dịch vụ…đất sản xuất nông nghiệp của nông dân bị thu hẹp dần bên cạnh đó công tác quản lý, giao khoán đất sản xuất cho các hộ nông dân có những điểm chưa phù hợp làm nảy sinh tranh chấp, khiếu kiện đông người. Xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng của các cấp Hội Nông dân nên những năm qua Hội Nông dân Thành phố đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền pháp luật, vận động nông dân chấp hành pháp luật.
Các cấp Hội đã thường xuyên phối hợp với chính quyền, các ngành Thanh tra, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, ngành Công an, Giao thông…thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân. Kết quả (từ năm 2002-2011) đã tuyên truyền pháp luật cho 3.029 lượt cán bộ Hội các cấp. Phối hợp với ngành Tư pháp mở 88 lớp chuyên đề kiến thức pháp luật cho 7.040 lượt cán bộ cơ sở, chi, tổ Hội. Thông qua các hoạt động, sinh hoạt định kỳ, chuyên đề của các Câu lạc bộ pháp luật, cộng tác viên, tuyên truyền viên tổ chức được 37.421 buổi tuyên truyền cho 1.190.685 lượt người dự, trợ giúp pháp lý được 13.123 cuộc cho 213.477 lượt người, tư vấn pháp luật 6.604 cuộc cho 281.293 lượt người.
Công tác tuyên truyền pháp luật được các cấp Hội sử dụng nhiều hình thức như ngoài các lớp học tập chuyên đề về các kiến thức pháp luật còn phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đài phát thanh, truyền hình, báo chí tờ tin, sổ tay kiến thức pháp luật, tủ sách pháp luật…đã phát hành 580 quyển sổ tay kiến thức pháp luật, 26.800 tờ bướm, tờ rơi, 29.030 bản tin nông dân.
Từ khi Chỉ thị 26/TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành năm 2001, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Cấp uỷ, Chính quyền các cấp của thành phố Cần Thơ, TW Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng thành công 03 mô hình điểm thực hiện Chỉ thị 26/TTg của Thủ tướng Chính phủ tại các phường Phú Thứ, quận Cái Răng, phường Phước Thới quận Ô Môn, phường Thới Thuận quận Thốt Nốt thành phố Cần Thơ. Đây là những phường có nhiều dự án đầu tư nhưng sự nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế do đó thường xảy ra tranh chấp, khiếu kiện. Qua xây dựng mô hình đã làm chuyển biến rõ nét cả nhận thức đến hành động của hệ thống chính trị các phường, các xã trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.
Qua thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đã xuất hiện những điển hình tốt như cơ sở Hội phường Ba Láng, Thường Thạnh, chi Hội Nông dân KV1 (phường Ba Láng), phường Long Tuyền, Thới An Đông- Bình Thuỷ, chi Hội Thới Hoà C , xã Thạnh Lộc (Vĩnh Trinh), xã Trung Hưng- Thới Đông, chi Hội ấp Vĩnh Thành (xã Vĩnh Trinh), chi Hội Quy Lân 6 (Thạnh Quới)…các cá nhân xuất sắc như Trịnh Hồng Nhung, Thi Văn Quang, Nguyễn Văn Diễn, Huỳnh Thanh Vân, Châu Thị Ngọc Hương, Nguyễn Văn Một, Đào Vũ Lan là những tổ chức cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, vận động nông dân chấp hành chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đạt hiệu quả hơn nữa, Hội Nông dân thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục củng cố kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 26 các cấp; tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền pháp luật phong phú, hấp dẫn cho cán bộ, hội viên, nông dân; tăng cường xây dựng kiện toàn hệ thống các tổ hoà giải, các Câu lạc bộ pháp luật, nhóm nòng cốt, tủ sách pháp luật và đặc biệt là tích cực tổ chức các cuộc trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật đến với hội viên, nông dân./.
Ngọc Mai