Hải Dương: Tăng cường công tác hoà giải và giải quyết khiếu nại tố cáo sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 26.
15:51 - 17/02/2012
Trong những năm vừa qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Hải Dương đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn có chuyển biến tích cực, sản xuất nông nghiệp, thủy sản duy trì được tốc độ tăng trưởng hàng năm; công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề ngày càng phát triển, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh có bước phát triển toàn diện, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân trong toàn tỉnh được cải thiện rõ rệt, an ninh chính trị, trật tự xã hội ở nông thôn được giữ vững.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, một số nơi trong tỉnh vẫn còn tình hình khiếu kiện liên quan đến đất đai và còn nhiều điểm nóng bức xúc trong lòng dân. Trước tình hình đó, các cấp uỷ Đảng, Chính quyền và các Đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung thời gian, công sức, kinh phí để giải quyết ổn định tình hình, trong đó có sự tham gia đóng góp tích cực của Hội Nông dân nhất là từ khi có Chỉ thị 26 CT/TTg ngày 9/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ, Hội Nông dân đã chủ động tham gia với tư cách là tổ chức đại diện cho quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nông dân, là chỗ dựa vững chắc của chính quyền các cấp.

Công tác hòa giải được các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đẩy mạnh

Cùng với tuyên truyền giáo dục pháp luật, các cấp Hội quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện các nội dung Quy chế dân chủ trước đây và Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở hiện nay tới đông đảo HVND, kiến nghị với chính quyền công khai cho dân biết những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ như: quy hoạch sử dụng đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, huy động đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, quản lý thu chi các nguồn quỹ, các chương trình, dự án kinh tế xã hội…. Việc thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở gắn với thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 26 đã phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, củng cố niềm tin của người dân với Đảng, Chính quyền, hạn chế được các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nông dân. Hội đã thực sự coi trọng công tác hoà giải mâu thuẫn trong nội bộ nông dân với phương châm: các mâu thuẫn vướng mắc được giải quyết kịp thời ngay tại gia đình, tại cơ sở. Công tác hoà giải thể hiện dưới nhiều hình thức: dựa trên tình làng nghĩa xóm, anh em thân tộc, qua sinh hoạt chi tổ Hội, qua người có uy tín với đối tượng và phối hợp với chính quyền, các đoàn thể để tổ chức hoà giải.

Hội Nông dân cùng với MTTQ, các Đoàn thể thường xuyên sâu sát địa bàn khu dân cư, nắm bắt cụ thể những mâu thuẫn trong nội bộ nông dân, kịp thời vận động, giải thích, hoà giải những xích mích, tranh chấp không để xảy ra thành việc phức tạp. Mười năm  qua, 1348 tổ hoà giải ở các cơ sở đã hoà giải tổng số 12.323 vụ việc, trong đó HND trực tiếp hoà giải 1825 vụ việc và đã hoà giải thành 1351, phối hợp tham gia hoà giải 10.498 vụ việc, hoà giải thành 8083. Nội dung các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp ở cơ sở chủ yếu là các vấn đề liên quan đến: ly hôn, mâu thuẫn gia đình, mốc cõi, đất đai…việc hoà giải diễn ra cả ở các cơ sở và chi, tổ Hội điển hình như HND xã Gia Xuyên (Gia Lộc) phối hợp với Chính quyền, MTTQ, các Đoàn thể hoà giải được 14/17 vụ mâu thuẫn tại địa phương trong đó có 1 đơn kiến nghị của 12 hộ không đồng tình với việc phân chia đất của Ban chỉ đạo "Dồn ô đổi thửa" của xã. Sau khi xem xét cụ thể, thấy việc phân chia như vậy là đúng, tổ hoà giải, Ban chấp hành Hội cơ sở đến từng nhà có tên ký trong đơn gặp gỡ, giải thích, thuyết phục, 12 hộ đã tự nguyện rút đơn, chấp hành Nghị quyết của xã và của Ban chỉ đạo. Tổ hoà giải chi Hội 5 thôn Cập Thượng xã Tiền Tiến (Thanh Hà) đã kiên trì vận động, giải thích hoà giải mâu thuẫn tranh chấp lối đi giữa 2 gia đình đã xảy ra trong thời gian dài, có đơn kiến nghị chính quyền xã giải quyết, bằng tinh thần trách nhiệm, sự tận tuỵ, hướng giải quyết có lý có tình, khơi dậy tình đoàn kết làng xóm, giữa 2 gia đình đã vui vẻ đồng ý rút đơn.

Từ những việc làm cụ thể thiết thực đã khẳng định hoạt động của các tổ hoà giải  ở cơ sở góp phần tích cực vào việc ổn định tình hình nông thôn. Thông qua công tác hoà giải cán bộ Hội cơ sở được trưởng thành hơn: nắm bắt và am hiểu về chính sách pháp luật, có kinh nghiệm trong công tác vận động nông dân và ở những cơ sở làm tốt công tác hòa giải vai trò và uy tín của cán bộ Hội được khẳng định, nâng cao.

Qua thực tiễn công tác hòa giải ở tỉnh Hải Dương, đối với những việc hòa giải không thành hoặc vụ việc khiếu kiện phức tạp, đông người, các cấp hội phải tiếp tục theo sát quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. từ đó kết hợp giữa công tác vận động thuyết phục hội viên, nông dân với biện pháp hành chính của chính quyền, chú trọng thực hiện hòa giải trong và sau khiếu kiện, chấp hành tốt các quyết định có hiệu lực của chính quyền.

          Công tác phối hợp, tham gia với các cấp chính quyền, các ngành chức năng trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân được tăng cường mạnh mẽ

Bên cạnh việc làm tốt công tác hoà giải tại cơ sở, cán bộ chủ chốt của Hội từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên tham gia tiếp dân cùng các cấp chính quyền và các ngành chức năng. Ngoài việc cùng với UBND các cấp tiếp dân đến nay đã có 76 cơ sở thường trực tiếp hội viên nông dân tại trụ sở Hội 2 ngày trong tuần. Mười năm qua, các cấp Hội đã trực tiếp và phối hợp tiếp dân được 22.689 buổi cho 9018 lượt người. Song song với việc tiếp dân, các cấp Hội đã thực hiện tốt việc trực tiếp và tham gia giải quyết đơn thư KNTC. Tính đến nay, Hội Nông dân các cấp đã trực tiếp nhận và giải quyết 41 đơn của cán bộ, hội viên về những vấn đề liên quan đến quản lý tài chính của Hội, những quy định trong tổ chức và hoạt động của Hội. Phối hợp cùng chính quyền, các ngành chức năng tiếp nhận 861 đơn thư và đã giải quyết 588 đơn khiếu nại, tố cáo của hội viên, nông dân về các vấn đề liên quan đến việc tranh chấp đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng... số còn lại chuyển cơ quan đúng thẩm quyền giải quyết. Các tổ chức Hội đã làm tốt việc giải quyết đơn thư KNTC. điển hình như việc Hội Nông dân thành phố Hải Dương sau khi nhận được ý kiến phản ánh của hội viên nông dân ở các khu dân cư số 5, 15, 16 phường Thanh Bình phản đối việc thu hồi đất nông nghiệp của 50 hộ dân với diện tích 10,6 ha, khi chưa giải quyết đền bù xong cho người dân nhưng Công ty Thương mại - Du lịch Nam Cường đã cho đơn vị thi công san lấp mặt bằng gây bất bình cho các hộ dân. Sau khi xuống xem xét cụ thể, Hội Nông dân thành phố đã cùng Hội Nông dân phường Thanh Bình kết hợp với các ban ngành, đoàn thể vận động hội viên, nông dân thực hiện đúng chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, chủ trương của tỉnh về việc thu hồi đất, đồng thời Hội Nông dân thành phố làm văn bản kiến nghị với các cơ quan chức năng của tỉnh, của thành phố chỉ đạo đơn vị thi công tạm dừng việc san lấp để hoàn thiện thủ tục, thực hiện đền bù cho nông dân theo đúng quy định của pháp luật. Việc làm kịp thời của Hội Nông dân thành phố Hải Dương đã góp phần giữ ổn định tình hình nông thôn và bảo vệ được quyền lợi hợp pháp chính đáng cho hội viên nông dân.

Hội Nông dân xã Tân Trường, Ngọc Liên (huyện Cẩm Giàng) sau khi nhận được ý kiến của người dân ở các thôn Ngọc Trụ, Cẩm Trụ (xã Ngọc Liên), thôn Phú Quý (xã Tân Trường) phản ánh về tình hình khói lò gạch làm chết lúa, Hội Nông dân 2 xã đã cùng với chính quyền đến làm việc và kiến nghị với các chủ lò gạch yêu cầu xem xét bồi thường thiệt hại cho gần 30 hộ dân trên diện tích là 3,4 mẫu. Với cách làm kịp thời như vậy Hội Nông dân đã thể hiện được vai trò của mình là tổ chức đại diện cho quyền lợi của hội viên nông dân, giữ ổn định tình hình ở nông thôn.

Hội Nông dân huyện Cẩm Giàng đã tích cực tham gia cùng cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể vận động nông dân Đội 8, thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền, chống đối không nhận tiền đền bù giải toả mặt bằng giao đất cho doanh nghiệp theo Quyết định của UBND tỉnh. Do nhận thức không đầy đủ ý nghĩa tầm quan trọng của việc xây dựng các khu công nghiệp, do bị kích động lôi kéo, 49 hộ dân của Đội 8 đã kéo lên trụ sở xã, huyện đưa đơn kiến nghị và có những hành vi chống đối cản trở doanh nghiệp. Thực hiện sự chỉ đạo của Huyện uỷ, Ban Thường vụ HND huyện đã họp phân công cán bộ trực tiếp xuống cơ sở nắm tình hình, cùng cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể và HND cơ sở tổ chức 3 cuộc họp với nông dân Đội 8. Họp riêng với hội viên chi Hội thôn Hoàng Xá, nghe ý kiến thắc mắc và nguyện vọng của HVND. Sau khi nắm chắc tình hình, cán bộ HVND huyện và Ban Chấp hành cơ sở cùng Ban Chỉ đạo của xã tập trung tuyên truyền đến từng hộ gia đình là thân nhân họ hàng với cán bộ Hội, với đảng viên, vận động giải thích để nhân dân thấy được chủ trương của Đảng và Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn, có lợi cho dân, việc cố tình không chấp hành là vi phạm pháp luật. Sau nhiều lần kiên trì thuyết phục phân tích rõ phải trái cùng với những việc làm tích cực của các cơ quan chức năng, 46/49 hộ dân của thôn Hoàng Xá đã đồng ý nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp.

Trung tâm Dạy nghề & GTVL Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho hàng ngàn hộ nông dân, trong đó phải kể tới các lớp dạy nghề tại nơi thu hồi đất nông nghiệp xây dựng các khu công nghiệp, cụ thể như việc Trung tâm đã tổ chức các lớp dạy nghề Chăn nuôi - Thú y cho bà con nông dân xã Lai Vu (huyện Kim Thành), giúp cho các hộ nông dân áp dụng các kiến thức được học vào phát triển chăn nuôi quy mô hộ gia đình góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Các cấp Hội Nông dân tích cực tham gia cùng Chính quyền, các Ngành chức năng, các Đoàn thể ổn định tình hình ở một số điểm phức tạp như: Liên Hồng (Gia Lộc), Lai Vu (Kim Thành), Hải Tân (TP. Hải Dương), Long Xuyên (Bình Giang)… Bằng các hình thức đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, trợ giúp pháp lý, củng cố cơ sở Hội, mở các lớp tập huấn chuyển giao TBKT, hỗ trợ người dân vay vốn sản xuất từ nguồn vốn quỹ HTND của tỉnh, huyện, Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm…. giúp các cơ sở ổn định tình hình, người dân yên tâm sản xuất ổn định cuộc sống. Cùng với các hoạt động tích cực trên, cán bộ Hội thường xuyên bám địa bàn sâu sát từng nhà hội viên nắm bắt kịp thời tình hình, diễn biến tư tưởng đề xuất các biện pháp với cấp uỷ và chính quyền cùng tháo gỡ.

Để làm tốt việc tham gia với các cấp chính quyền, các ngành chức năng trong công tác giải quyết KNTC của nông dân thì các cấp Hội phải chủ động trong công tác phối hợp với Thanh tra Nhà nước, phải cùng đoàn thanh tra xác minh vụ việc cụ thể, làm rõ đúng sai và có chính kiến đề xuất với đoàn thanh tra. Nhiều vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, các cơ quan thanh tra vừa giải quyết, các cấp Hội vừa tiến hành hòa giải, vận động thuyết phục đối tượng chấp hành đúng Luật khiếu nại tố cáo.

 

Diệu Hân

 

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp