Gia Lai: Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng chính phủ.
Trong những năm gần đây tình hình khiếu nại, tố cáo của nhân dân đến các cấp chính quyền diễn biến phức tạp, gay gắt. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo nội dung chủ yếu liên quan đến đất đai, tranh chấp đất đai, cấp giấy CNQSD đất, đòi lại đất của ông bà, thu hồi đất, đền bù thiệt hại, tái định cư..v.v.
Tranh chấp khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có xu hướng ngày một tăng như ở xã KrôngNăng (huyện KrôngPa) gần 200 hộ dân khiếu kiện suốt 2 năm về những búc xúc trong việc đền bù, tái định cư ở công trình thủy điện sông Ba Hạ; tranh chấp đất đai giữa người dân thôn 1, thôn 2, thôn 3 xã Hải Yang (huyện Đăk Đoa) với công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai; thủy điện An Khê (Ka Nak, huyện KBang); nhà máy mì Phú Túc (Krông Pa) thu mua mì của dân nợ tiền kéo dài..v.v. Tình hình trên nếu không được giải quyết công bằng, khách quan, đúng pháp luật sẽ có nguy cơ xảy ra điểm nóng.
Các cấp Hội xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên nông dân là nhiệm vụ quan trọng của Hội, nhằm nâng cao trình độ nhận thức pháp luật cho nông dân, hướng cho nông dân thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần hạn chế khiếu nại, tố cáo của nông dân do thiếu hiểu biết về pháp luật, nhẹ dạ cả tin, dễ bị kẻ xấu lợi dụng kích động, xúi dục dẫn đến khiếu kiện đông người. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật được gắn với các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, sinh hoạt CLB “Nông dân với pháp luật” và các hoạt động của Hội.
Hàng năm các cấp Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Trường Chính trị tỉnh, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Gia Lai, Hội Nông dân cấp huyện phối hợp với Trung tâm Chính trị các huyện, thị, thành phố, và các ngành Tư pháp, Tài Nguyên Môi Trường, Thanh tra tỉnh, báo, đài của địa phương… mở các lớp bồi dưỡng và tập huấn nghiệp vụ công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục và trợ giúp pháp lý cho cán bộ Hội với các nội dung như: Luật đất đai; Luật khiếu nại tố cáo; Bộ luật hình sự, Luật dân sự, Luật nghĩa vụ quân sự, Luật hôn nhân và gia đình; Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật bảo vệ rừng; Pháp lệnh về DS - KHHGĐ & TE, Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo; Pháp lệnh Dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Luật Bình đẳng giới; Luật phòng chống bạo lực trong gia đình; Luật giao thông đường bộ...
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị cho thấy: Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp coi đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng, thường xuyên liên tục. Vì vậy đã quan tâm chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nói chung. Đặc biệt chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung của Chỉ thị 26/2001/CT-TTg ngày 09/10/2001 và Công văn 1502-V.II ngày 15/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ nói riêng. Cũng trong 10 năm qua, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã triển khai đến Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đầy đủ các nội dung của Chỉ thị, mỗi năm có sơ kết, 5 năm có tổng kết; hàng năm Hội Nông dân tỉnh, huyện đều xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các cơ sở Hội (riêng Hội Nông dân tỉnh mỗi năm triển khai tập huấn pháp luật bình quân mỗi huyện 3 cơ sở Hội/ 3 lớp/210 người dự). Vì vậy, tình hình nhận thức pháp luật của người dân được nâng lên một bước đáng kể.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, hội viên nông dân là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nên được sự quan tâm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở; sự hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, hội viên, nông dân nên việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều thuận lợi, bà con người dân tộc thiểu số đi tiếp thu đông đảo, chú ý lắng nghe mà còn mạnh dạn hỏi, đề nghị giải thích một số vướng mắc ở trong làng và đạt kết quả cho thấy nhận thức pháp luật của người dân ngày càng nâng cao. Từ đó việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được tốt hơn, đơn thư khiếu nại, tố cáo ngày càng giảm, mâu thuẫn nội bộ được hòa giải kịp thời, góp phần bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, an ninh - chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Đức Duy