Đồng Tháp tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 26
09:14 - 26/03/2012
Thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Hội Nông dân Đồng Tháp đã phối hợp với chính quyền các cấp, Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường đổi mới nội dung, biện pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ hội viên, nông dân với nhiều hình thức đa dạng phong phú.

Các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được Hội Nông dân Đồng Tháp tổ chức là sinh hoạt chi, tổ Hội gắn với sinh hoạt Câu lạc bộ nông dân với pháp luật, phát hành tờ rơi, tờ bướm, qua hội nghị, qua loa đài truyền thanh... Nội dung tập trung phổ biến Nghị quyết của Đảng và Nhà nước có liên quan đến nông dân, các chính sách pháp luật như: Luật khiếu nại, tố cáo, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật giao thông đường bộ, đường thủy, Luật Hôn nhân gia đình, vệ sinh an toàn thực phẩm… Kết quả đã tổ chức được 94.187 buổi tuyên truyền với 2.837.574 lượt người tham gia, giúp cán bộ, hội viên, nông dân nâng cao nhận thức hiểu biết pháp luật, nhằm hạn chế mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nông dân. Bên cạnh đó, các cấp Hội đã thường xuyên phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý tổ chức trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật cho 558 điểm với 17.964 vụ/94.559 người, trợ giúp pháp lý lưu động cho 11.910 lượt nông dân nghèo, gia đình chính sách. Hội tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo 18.509 đơn, giải quyết 16.317 đơn, chuyển các ngành 2.192 đơn do không đúng thẩm quyền.

Phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, các ngành liên quan trong việc xây dựng, củng cố các tổ hòa giải trong cộng đồng dân cư và các tổ chức hòa giải khác theo quy định của pháp luật, nhằm góp phần giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phát huy tình cảm, đạo lý uống nước nhớ nguồn, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư, ngoài ra góp phần tích cực trong việc hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo tràn lan, vượt cấp, kéo dài; Hội trực tiếp hòa giải 9.925 vụ và Hội tham gia cùng các ngành hòa giải 21.767 vụ.

Nhằm đáp ứng nhu cầu hiểu biết về pháp luật, tạo ra môi trường sinh hoạt lành mạnh, bổ ích cho hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh, đến nay Hội Nông dân tỉnh đã thành lập được 107 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, với 4.015 thành viên (trong đó có 2 Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật do Trung ương Hội hỗ trợ kinh phí xây dựng làm điểm), thu hút được nhiều người tham gia sinh hoạt… Ngoài ra, CLB còn sắp xếp, tổ chức cho hội viên sinh hoạt theo chủ đề và lấy ý kiến đóng góp cho buổi sinh hoạt thêm phong phú, mang tính dân chủ; gắn nội dung sinh hoạt với những vấn đề tình hình an ninh trật tự khóm, ấp. Mặt khác, để tạo điều kiện cho hội viên, nông dân tiếp thu các văn bản, Nghị định, pháp luật thì câu lạc bộ còn xây dựng 787 tủ sách pháp luật với các đầu sách liên quan đến khiếu nại, tố cáo của nông dân, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn và hoạt động của chính quyền địa phương.

Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh xây dựng Quy chế phối hợp cùng các ngành liên quan thực hiện Chỉ thị 26/2001/CP-TTg; Tổ chức trợ giúp pháp lý; Hòa giải, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của hội viên nông dân; Tham gia chỉ đạo, giám sát thực hiện các chương trình dự án có thu hồi đất nông nghiệp tại địa phương; xây dựng tủ sách pháp luật…, song song từng bước giúp cho các cấp Hội làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để hội viên, nông dân tự giác chấp hành pháp luật, thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo theo pháp luật quy định, tránh tình trạng khiếu kiện nhiều nơi, vượt cấp; Thông qua nhiều hình thức, các cấp Hội nắm được tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân, qua đó phản ánh, thuyết phục có hiệu quả trong công tác hòa giải gắn kết với việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; Thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Vận động hội viên nông dân thực hiện tốt Nghị quyết 09 và chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm, nhằm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn, góp phần thiết thực xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong tình hình mới.

Kết quả trên mà các cấp Hội Nông dân Đồng Tháp đạt được là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, UBND các cấp là nhân tố quyết định trong quá trình tổ chức thực hiện. Thực tế cho thấy nơi nào được cấp ủy, UBND quan tâm, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan thực hiện tốt thì công tác tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt chất lượng, hiệu quả cao. Tăng cường công tác hòa giải, củng cố các tổ hòa giải cơ sở nhằm giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ tranh chấp, mâu thuẩn trong hội viên, nông dân góp phần giảm lượng đơn phát sinh. Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tập thể, thực tế rất phức tạp, hệ thống Dân vận, Mặt trận và các đoàn thể, nhất là các cấp Hội phải đi trước một bước bằng phương pháp vận động thuyết phục quần chúng, đồng thời phải kết hợp với biện pháp hành chính (áp dụng pháp luật) để giải quyết dứt điểm từng vụ việc.

                                                         Huy Khánh

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp