Quảng Ngãi với công tác thực hiện Chỉ thị 26
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp chính quyền, sở, ban, ngành Quảng Ngãi đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân; củng cố thêm sức mạnh và niền tin, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, và hạn chế khiếu nại vượt cấp kéo dài, có thể coi đây là bước đột phá trong việc giảm khiếu nại, tố cáo ở nông thôn.
Trong 10 năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Sở Tư pháp, Thanh Tra tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức mở 30 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ pháp luật cho 4.000 cán bộ chủ chốt ở cơ sở (cán bộ chi, tổ Hội Nông dân, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ hòa giải ở khu dân cư). Hội Nông dân các huyện, thành phố phối hợp với phòng Tư pháp tập huấn cho 700 cán bộ Hội Nông dân cơ sở là Chủ tịch, Phó Chủ tịch, UVBCH và cán bộ chi, tổ Hội nghiệp vụ công tác hòa giải ở cơ sở và phối hợp với Thanh tra tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Các cấp Hội Nông dân đã chủ động phối hợp cùng các cấp chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục Pháp luật cho 70.000 lượt hội viên, nông dân góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật, về quyền và nghĩa vụ công dân (nội dung phổ biến gồm các luật liên quan đến nông dân như: Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Hôn nhân & gia đình, Quy định về thừa kế trong bộ luật Dân sự, Luật giao thông đường bộ…). Hội Nông dân các cấp trong tỉnh phối hợp với Tư pháp và các cơ quan liên quan tổ chức tư vấn pháp luật cho 3.600 hội viên, nông dân ở các xã thuộc diện di dời, giải tỏa để xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế; tổ chức truyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh. Công tác tuyên truyền giáo dục, tư vấn pháp luật mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân và qua đó nông dân đã phát huy quyền làm chủ, tích cực tham gia các buổi sinh hoạt xây dựng và thực hiện tốt quy ước, hương ước của thôn, khu dân cư. Các hương ước, quy ước đã được hội viên, nông dân tích cực thực hiện.
Hội Nông dân các cấp tham gia cùng chính quyền và các ngành vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt việc giao đất, di dời đến nơi ở mới, các khu tái định cư. Hội Nông dân huyện Bình Sơn tham gia tốt trong việc vận động giải quyết vấn đề tái định cư ổn định cho hàng ngàn hộ nông dân các xã nằm trong khu kinh tế Dung Quất phải di dời để Nhà nước xây dựng khu kinh tế Dung Quất. Trong năm 2007 Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên Môi trường tổ chức 5 lớp tập huấn nghiệp vụ pháp luật cho cán bộ Hội nông dân xã và tổ chức 20 đợt tuyên truyền, phổ biến Pháp luật cho 1.150 hội viên, nông dân ở 8 xã nằm trong khu kinh tế Dung Quất; Trợ giúp pháp lý và giải đáp các vướng mắc pháp luật cho hơn 640 người (điểm đông dân nhất là xã Bình Đông, Bình Trị, Bình Hải huyện Bình Sơn, xã Tịnh Phong huyện Sơn Tịnh có hơn 100 nông dân/thôn dự nghe. Ngoài công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên, nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã cung cấp 500 quyển sổ tay phổ biến Pháp luật cho nông dân, 1.000 tập tài liệu hỏi và đáp về Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật Hôn nhân- Gia đình; Luật Đất đai để làm tài liệu sinh hoạt và cấp phát rộng rãi tờ gấp pháp luật cho hội viên, nông dân ở các cơ sở Hội.
Đến năm 2010 Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức 30 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác hòa giải cho 1.500 cán bộ cơ sở Hội và tuyên truyền phổ biến nội dung một số Luật cho hơn 1.000 lượt hội viên nông dân trong toàn tỉnh
Từ khi Chỉ thị 26 được triển khai thực hiện đến nay Hội Nông dân cơ sở phối hợp với Tư pháp, Tài nguyên - Môi tường tổ chức hơn 1.200 buổi tuyên truyền, giáo dục Pháp luật cho hơn 300.000 lượt Hội viên, nông dân, qua đó góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật của nông dân, làm giảm khiếu kiện không đúng pháp luật.
Từ năm 2007 đến nay, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch tổ chức 04 cuộc Hội thi “Nông dân tìm hiểu pháp luật” bằng hình thức sân khấu hóa, với nội dung phong phú, đa dạng phù hợp với từng địa phương, vừa phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả vừa nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho hội viên, nông dân.
Phát huy vai trò Hội Nông dân tham gia cùng các cấp chính quyền giải quyết ngay những vụ việc bức xúc, phức tạp đã và đang nảy sinh trong nông dân ở các xã thuộc khu kinh tế Dung Quất, các xã xây dựng khu công nghiệp, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo xây dựng được 32 xã điểm thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Trung ương Hội Nông dân chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí xây dựng 12 xã điểm, Tỉnh Hội đầu tư xây dựng 20 xã. Tại xã điểm Hội tập trung đẩy mạnh công tác phổ biến tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho nông dân, tổ chức 150 buổi học tập, tuyên truyền phổ biến với hơn 15.000 người tham dự; bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng về công tác hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho cán bộ cơ sở và chi, tổ Hội: 30 lớp với 1.500 cán bộ tham dự; xây dựng, củng cố 100 chi, tổ Hội Nông dân, tổ hoà giải các tổ tư vấn pháp luật. Xây dựng 25 tủ sách pháp luật cho Hội Nông dân cơ sở với nhiều đầu sách pháp luật, tài liệu hỏi - đáp pháp luật...; tủ sách pháp luật cho Hội Nông dân cơ sở và cung cấp tài liệu pháp luật cho cán bộ chi, tổ, tổ hòa giải làm tài liệu tuyên truyền và sinh hoạt hội viên, nông dân. Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng, củng cố gần 90 tổ hòa giải ở thôn, khu dân cư tại 30 xã điểm. Qua đó đã kịp thời hòa giải thành công nhiều vụ việc mâu thuẩn trong nội bộ nông dân và giải quyết có hiệu quả các đơn thư khiếu nại tố cáo của nông dân ngay tại cơ sở, từng bước xây dựng nâng cao đời sống pháp luật của nông dân.
Thực hiện Quy chế phối hợp, Hội Nông dân các cấp thường xuyên tham gia tiếp dân định kỳ hàng tháng tại trụ sở tiếp dân của UBND cùng cấp; Hội Nông dân tiếp hội viên, nông dân tại cơ quan làm việc của Hội và hướng dẫn hội viên, nông dân thực hiện đúng trình tự khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật. Đồng thời tham gia cùng các ngành hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, vận động, thuyết phục, giải thích những vướng mắc của nông dân nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho hội viên, nông dân.
Trong 10 năm qua các cấp Hội đã tiếp 2.156 lượt hội viên, nông dân; nhận 637 đơn thư khiếu nại, tố cáo nội dung chủ yếu tập trung vào vấn đề tranh chấp, khiếu nại về đất đai, bồi thường thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất, chính sách hỗ trợ sau khi nhà nước thu hồi đất, tranh chấp về quyền thừa kế tài sản và việc làm thiếu trách nhiệm của một số cán bộ địa phương… Hội đã giải quyết thành 108 đơn và chuyển cho các ngành chức năng giải quyết 529 đơn. Hội Nông dân tham gia cùng các ngành chức năng giải quyết thành 2.767 đơn. Có rất nhiều vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nông dân được các tổ hòa giải kịp thời giải quyết thành công tại khu dân cư, trong 10 năm qua hòa giải thành 5.738 vụ.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 26, bên cạnh việc giải quyết khiếu nại tố cáo, tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên, nông dân, các cấp Hội Nông dân Quảng Ngãi đã xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, nhất là ở cơ sở; đặc biệt chú trọng xây dựng lực lượng cốt cán sâu sát với dân, nắm bắt dư luận xã hội ở nông thôn, những tâm tư, nguyện vọng, mâu thuẫn trong nông dân để phản ánh, đề xuất với Đảng, Chính quyền giải quyết đúng pháp luật, không để nông dân khiếu kiện phúc tạp. Gắn việc thực hiện Chỉ thị 26 với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và thực hiện cuộc vận động ”Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã phát huy tốt vai trò của tổ chức Hội Nông dân và giai cấp nông dân trong việc cùng tham gia quản lý xã hội, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng đời sống văn hoá, tăng cường quốc phòng, an ninh ở địa phương.
Yến Oanh