Đà Nẵng: Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 26
08:54 - 20/03/2012
Qua 10 năm, các cấp HND thành phố Đà Nẵng phối hợp với chính quyền và các ngành chức năng tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ đạt kết quả tốt, được đông đảo hội viên, nông dân đồng tình ủng hộ; cấp ủy Đảng, chính quyền đánh giá cao vai trò của Hội trong việc tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, góp phần tích cực vào việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng; củng cố mối đoàn kết toàn dân trên địa bàn thành phố.

         Quá trình 10 năm thực hiện Chỉ thị 26, UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo và chủ trì tổ chức các hội nghị triển khai, sơ kết thực hiện Chỉ thị 26 ở cấp thành phố, ban hành các văn bản chỉ đạo UBND các quận, huyện, sở, ngành liên quan về việc phối hợp, tạo điều kiện để các cấp Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo. UBND các quận, huyện thường xuyên có sự chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp với các cấp Hội Nông dân để thực hiện chỉ thị 26. UBND xã, phường xây dựng mô hình điểm thực hiện Chỉ thị 26 đã thực hiện tốt các nội dung theo hướng dẫn của Trung ương Hội NDVN như thành lập Ban Chỉ đạo 26 ở 42/42 xã, phường có tổ chức Hội Nông dân, với tổng số 347 thành viên; mỗi xã, phường xây dựng được 01 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”; tạo điều kiện cho cán bộ Hội tham gia tiếp dân, giải quyết các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân.

Thanh tra các cấp, các ngành phối hợp với Hội trong việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến nông dân. Ngành Tư pháp phối hợp với các cấp Hội xây dựng và triển khai các kế hoạch tuyên truyền phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân, hàng năm và 5 năm (2008 - 2012), phối hợp biên soạn, in ấn các tài liệu pháp luật liên quan, hướng dẫn sinh hoạt Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, tổ chức các lớp tập huấn pháp luật cho cán bộ, hội viên nông dân. Ngành Tài nguyên và Môi trường từ thành phố đến cơ sở có sự phối kết hợp với các cấp Hội Nông dân giải quyết nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo về giải toả, đền bù, thu hồi đất và cấp giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất; giải quyết ô nhiễm môi trường liên quan đến sản xuất, đời sống, bảo vệ quyền lợi của nông dân; giúp tập huấn, nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường cho cán bộ, hội viên nông dân.

          Trong 10 năm qua các cấp Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng đã phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền và các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền pháp luật bằng nhiều hình thức; gắn công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về khiếu nại, tố cáo, các quy định của thành phố với việc triển khai thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở. Kết quả trong 10 năm qua, các cấp Hội Nông dân thành phố đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức được 3.528 buổi tuyên truyền các nội dung về Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật đất đại, Bộ luật dân sự, hình sự, Luật bảo vệ môi trường, Luật phòng chống bạo lực gia đình, kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nông dân... thu hút 199.022 lượt cán bộ, hội viên nông dân tham dự. Hội đã phối hợp biên soạn, cung cấp cho cơ sở trên 66.000 tập tài liệu, sách pháp luật, gần 100.000 tờ rơi các loại, tổ chức được 392 lớp tập huấn thực hiện Chỉ thị 26 và các pháp luật liên quan khác cho 17.135 lượt cán bộ Hội. Xây dựng tủ sách pháp luật ở 100% cơ sở hội, thường xuyên phục vụ cho sinh hoạt và nghiên cứu của hội viên Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” ở cơ sở.

          Cùng với công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, các cấp Hội Nông dân và ngành Tư pháp luôn chú trọng làm tốt công tác trợ giúp pháp lý cho nông dân ở cơ sở; cử cán bộ tham gia Cộng tác viên của Trung tâm TGPL thành phố, các Chi nhánh TGPL quận, huyện và các Câu lạc bộ TGPL ở các xã, phường. Kết quả 10 năm qua đã phối hợp tổ chức được 1.365 cuộc TGPL cho 13.403 đối tượng có nhu cầu (hầu hết là hội viên, nông dân nghèo) tập trung ở các quận, huyện Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu, Hoà Vang, cung cấp miễn phí gần 3000 biểu mẫu hộ tịch, hơn 10 nghìn tờ gấp và sách pháp luật cho nông dân. Ngoài ra, được sự giúp đỡ và hướng dẫn nghiệp vụ của ngành Tư pháp, các cấp Hội Nông dân đã chủ động trợ giúp pháp lý bằng hình thức tư vấn pháp luật được 1.293 cuộc cho 8.148 lượt hội viên nông dân nghèo.

          Thực hiện nội dung Chỉ thị 26, “…mọi mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nông dân phải được hoà giải, hoặc giải quyết ngay tại cơ sở…” 10 năm qua, các cấp Hội Nông dân thường xuyên phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và ngành Tư pháp kiện toàn 1.247/2.277 tổ hoà giải ở cơ sở với 4.638/8.075 hoà giải viên; trong đó 807 hoà giải viên là cán bộ Hội Nông dân đã được tập huấn nghiệp vụ hoà giải, cộng với kinh nghiệm và uy tín của mình, đã tham gia thực hiện được 3.432 cuộc hoà giải; trong đó có 849 cuộc hoà giải do cán bộ Hội thực hiện, với 649 cuộc hoà giải thành; 2.583 cuộc hoà giải có cán bộ Hội tham gia, với 2.398 cuộc hoà giải thành, tỷ lệ hoà giải thành đạt 83%; nội dung chủ yếu là tranh chấp về đất đai, ô nhiễm môi trường. 

          Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân thành phố đã tiếp nhận 1.900 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cán bộ, hội viên, nông dân; hầu hết là đơn thư liên quan đến giải toả đền bù, thu hồi đất, ô nhiễm môi trường, tranh chấp đất đai và một số ít về tranh chấp dân sự trong nội bộ nông dân. Qua xem xét, kiểm tra, xác minh, các cấp Hội đã giải quyết được 1.809 trường hợp; Hội đã tham gia với các cấp chính quyền và ngành chức năng giải quyết 1.753 vụ việc liên quan đến nông dân; đồng thời tham gia với các cấp chính quyền và ngành chức năng tổ chức 1.319 buổi tiếp dân, tiếp 17.743 lượt công dân tại trụ sở tiếp dân và ở các khu dân cư có những vấn đề khúc mắc liên quan đến nông dân. Qua đó, giúp cho Hội nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng, những bức xúc của nông dân để phản ảnh và tham gia giải quyết kịp thời.

          Thực hiện chủ trương của Trung ương Hội về xây dựng mô hình điểm thực hiện Chỉ thị 26 ở cơ sở gắn với xây dựng mô hình Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” nhằm tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nông dân. Từ mô hình điểm của Trung ương Hội tại xã Hoà Châu, huyện Hoà Vang (năm 2004), sau đó tiếp tục chỉ đạo và hỗ trợ mở rộng mô hình điểm ra 10 xã phường (năm 2007),  Ban Thường vụ Thành Hội đã chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục phối hợp thành lập các Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” ở các cơ sở. Kết quả đến nay các cơ sở Hội đã phối hợp với UBND xã, phường và ngành Tư pháp thành lập được 42 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” tại 42 xã, phường có Hội Nông dân, với 1.354 hội viên CLB là cán bộ cơ sở thường xuyên tham gia sinh hoạt pháp luật; Câu lạc bộ NDVPL được tổ chức theo đúng quy định của pháp luật; 100% CLB xây dựng được quy chế và tổ chức hoạt động theo đúng quy chế.

          Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Hội Nông dân Đà Nẵng đã nâng cao một bước nhận thức về thực hiện Chỉ thị, coi Chỉ thị này là cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho Hội Nông dân thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình bênh vực và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân.

 

                                                                Hà Phương

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp