|
Trung ương Hội đã chỉ đạo Hội ND các cấp thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ Hội và hội viên, nông dân trên cả nước phù hợp với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Hội (Ảnh minh họa) |
Trung ương Hội cũng chủ động phối hợp với các Bộ, ngành chức năng như: Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân và cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí như tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên, nông dân, hộ nghèo, gia đình chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn.
Hình thức phối hợp thông qua ký kết các chương trình phối hợp, tham gia thực hiện các Chương trình, Đề án “Xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư”; Tiểu Đề án 3 “Huy động sự tham gia của nông dân trong công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động chấp hành pháp luật ở nông thôn”.
Hội ND các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp với các Sở, ngành, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước của tỉnh tổ chức các cuộc trợ giúp pháp lý, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân tại các địa phương.
Hàng năm, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật triển khai đến các cấp Hội.
Các cấp Hội chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị về giám sát và phản biện xã hội; hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam 9/11 với các hoạt động thiết thực, phong phú, phù hợp với đối tượng cán bộ, hội viên, nông dân từng địa phương; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia học tập, tìm hiểu pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật.
Thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Trung ương Hội đã chỉ đạo Hội ND các cấp thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ Hội và hội viên, nông dân trên cả nước, trong đó định hướng tuyên truyền pháp luật trong các đợt cao điểm và phù hợp với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Hội.
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được thực hiện với nhiều hình thức tùy theo địa bàn, trình độ nhận thức pháp luật, phong tục, tập quán sản xuất, văn hóa của các vùng miền, điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương, địa bàn cơ sở.
Các hình thức áp dụng đã đem lại hiệu quả trong công tác phổ biến, pháp luật cho hội viên, nông dân, đặc biệt là mô hình tuyên truyền pháp luật của Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” tại cơ sở, vận dụng phương pháp trao đổi, đối thoại, thảo luận, giải đáp những yêu cầu từ phía hội viên, thành viên dự sinh hoạt, dự các buổi tuyên truyền, qua đó nâng cao tính chủ động trong việc tiếp nhận kiến thức pháp luật của cán bộ, hội viên, nông dân.
Đặc biệt, các cấp Hội đã sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả như: Thi tìm hiểu pháp luật gồm thi viết, sân khấu hóa, thi qua mạng Internet; tổ chức các hoạt động giao lưu, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ có lồng ghép nội dung pháp luật.
Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin, đại chúng, Hội ND các cấp trong những năm qua đã chủ động đổi mới cách thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hệ thống báo chí của Hội (Báo Nông thôn ngày nay, Tạp chí Nông thôn mới...), tuyên truyền, tư vấn pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Hội với các bài viết chuyên đề về giới thiệu các văn bản pháp luật sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới; các phóng sự, gương người tốt, việc tốt trong công tác chấp hành và vận động cán bộ hội viên, nông dân chấp hành pháp luật.
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh, thành xây dựng các chuyên mục “Hỏi-đáp” pháp luật, tư vấn pháp luật theo đơn yêu cầu với hình thức thể hiện sinh động, hấp dẫn. Đồng thời, phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở ở các địa phương tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật của hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở.
Trung ương Hội phối hợp với Hội ND các tỉnh, thành phố xây dựng và duy trì mô hình điểm “Hội Nông dân tham gia tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội”; mô hình điểm về phát động “Nông dân tham gia tuyên truyền, phổ biến và vận động chấp hành pháp luật”.
Trong 15 năm qua, các cấp Hội đã tổ chức được trên 2,1 triệu cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho hơn 147 triệu lượt hội viên, nông dân; tổ chức được 12.670 lớp tập huấn kiến thức pháp luật cho 1,077 triệu lượt cán bộ, hội viên, nông dân; gần 2.000 cuộc thi viết và 4.500 cuộc thi sân khấu hoá tìm hiểu pháp luật với 3,209 triệu lượt hội viên, nông dân tham gia; cung cấp 2.738.000 cuốn sổ tay phổ biến pháp luật, bản tin pháp luật và hơn 38 triệu tờ rơi, tờ gấp phổ biến pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân; xây dựng 4.954 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” với 152.920 thành viên, trong đó Trung ương Hội phối hợp với Hội ND các tỉnh, thành xây dựng được 205 Câu lạc bộ.
Các cấp Hội phối hợp với các bộ, sở, ban, ngành chức năng tham gia công tác phổ biến giáo dục pháp luật theo quy định, tham gia Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện. Đồng thời xây dựng hệ thống các đơn vị chuyên môn thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật từ Trung ương đến tỉnh, thành và mạng lưới báo cáo viên cấp Trung ương, tỉnh, huyện, tuyên truyền viên nòng cốt ở cơ sở.
Trung ương Hội đã thành lập Trung tâm Tư vấn pháp luật nông dân năm 2009 trên cơ sở nhân sự, cơ cấu tổ chức của Trung tâm Trợ giúp pháp lý và Phổ biến pháp luật cho nông dân được thành lập từ năm 2000. Trung tâm là đơn vị tham mưu, thực hiện chủ yếu nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật và tư vấn pháp luật cho nông dân trên cả nước.
Tại cấp tỉnh, huyện, Hội ND các tỉnh, huyện đều bố trí cán bộ hướng dẫn, theo dõi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến các tổ chức Hội cấp dưới. Hội ND các tỉnh: Hưng Yên, Tiền Giang, An Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu, Lâm Đồng, Thanh Hóa thành lập được Trung tâm tư vấn pháp luật, đẩy mạnh hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật và tư vấn pháp luật cho hội viên, nông dân và các đối tượng chính sách trên địa bàn của tỉnh.
Cấp cơ sở đã xây dựng mạng lưới Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” Đây là mô hình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ngay tại thôn, ấp, bản hoạt động khá hiệu quả với đội ngũ tuyên truyền viên là cán bộ chi, tổ Hội, những người có uy tín trong cộng đồng, am hiểu pháp luật tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hòa giải ở cơ sở.
Nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hàng năm, Trung ương Hội đã tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các kiến thức pháp luật cơ bản như Luật Đất đai, Bộ Luật dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thực hiện…
Thời gian tới, Trung ương Hội tăng cường thực hiện hiệu quả các chương trình phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật đã được ký kết giữa các cấp Hội với các Bộ, ban, ngành, đoàn thể trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân trên cả nước; kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong đó chú trọng việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội và mạng lưới tuyên truyền viên ở cơ sở nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.