Lai Châu: Phổ biến, giáo dục pháp luật cho hơn 126.500 lượt hội viên, nông dân
16:48 - 18/09/2019
(KNTC)- Hằng năm, Hội ND tỉnh bám sát kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của Hội đồng phối hợp PBGDPL của tỉnh, hướng dẫn của Sở Tư pháp tiến hành xây dựng kế hoạch công tác tuyên truyền trong các cấp Hội gắn với nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân; Hội ND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền tại địa phương, đơn vị.

ảnh minh họa
Các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau như: Tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt chi Hội; treo băng zôn, khẩu hiệu, thông qua tổ chức “Ngày pháp luật Việt Nam”… để giới thiệu những văn bản pháp luật, các quy định của pháp luật liên quan đến quyền cơ bản của công dân và quyền giám sát của nhân dân như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Đất đai, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Hôn nhân và gia đình…

Bên cạnh đó, Hội còn tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa thông qua việc tổ chức các hội thi được các cấp Hội triển khai đa dạng, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia như Hội thi Nông dân với an toàn giao thông năm 2009, Nhà nông đua tài lần I năm 2012, lần II năm 2017. Sau 15 năm, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức 2.450 buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho trên 126.500 lượt hội viên, nông dân; trợ giúp pháp lý cho 3.430 lượt người; tổ chức 9 hội nghị tư vấn pháp luật cho 540 người.

Thực hiện Đề án “Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số”, Hội ND tỉnh đã tổ chức 17 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại 17 xã trên địa bàn tỉnh cho 1.270 lượt cán bộ, hội viên, nông dân.

Đồng thời, các cấp Hội còn phối hợp chặt chẽ với các ngành Tư pháp, Công an, Tài nguyên môi trường, Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho cán bộ, hội viên, nông dân. Ở những nơi giải tỏa đền bù đất để xây dựng các công trình công cộng, xây dựng thủy điện; những nơi xảy ra tranh chấp, khiếu kiện và nơi vùng sâu, vùng xa trình độ dân trí thấp.

Hội ND tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 81 và xây dựng Kế hoạch thực hiện hàng năm; chỉ đạo các cấp Hội tổ chức quán triệt triển khai thực hiện Quyết định, tham gia tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; triển khai xây dựng 04 mô hình điểm “Hội ND tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện QCDC ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội”; phối hợp thành lập 04 CLB “Nông dân với pháp luật” và tuyên truyền về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tổ chức 44 hội nghị phổ biến pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, hòa giải ở cơ sở và giám sát, phản biện xã hội cho trên 2.500 cán bộ, hội viên, nông dân. Các cấp Hội phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thành lập, củng cố 343 tổ hòa giải ở cơ sở với 1.720 hòa giải viên hoạt động tích cực, có hiệu quả góp phần giải quyết các mâu thuẫn tại cơ sở…    

Việc triển khai thực hiện Luật PBGDPL đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, hội viên nông dân, đồng thời tạo sự thống nhất  về tư tưởng, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở các cấp Hội, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
 
Thu Hà
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp