Bằng nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp, các cấp Hội đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vào Bản tin ND Hậu Giang hàng tháng với số lượng 51.200 bản; tổ chức 28.168 cuộc sinh hoạt, buổi nói chuyện tuyên truyền, phổ biến, quán triệt văn bản pháp luật đến với 821.450 lượt người dự; phối hợp và tổ chức 16 cuộc thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hoá; phối hợp cấp phát 10.000 quyển sổ tay và 68.200 tờ gấp pháp luật. Nội dung chủ yếu là tuyên truyền, quán triệt Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg và phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân, đời sống sinh hoạt của nông dân trên địa bàn, đặc biệt là các Luật, Nghị định, Thông tư; các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành như: Hiến pháp, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Bảo hiểm xã hội, Pháp lệnh thực hiện dân chủ xã, phường, thị trấn, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Xử lý vi phạm hành chính…
Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với ngành Tư pháp, các trung tâm trợ giúp pháp lý tại địa phương tổ chức tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho 297.408 lượt hội viên, nông dân, nhất là những nơi có dự án thu hồi nhiều đất nông nghiệp, giúp nông dân giải toả bức xúc, mâu thuẫn trong tranh chấp dân sự, nhất là lĩnh vực đất đai, thu hồi, bồi thường về đất.
Hội ND tỉnh chọn xã Thuận Hưng (huyện Long Mỹ) và xã Hoả Lựu (thành phố Vị Thanh) xây dựng mô hình “Hội ND tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội”. Tại mô hình, Hội thành lập Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” gồm 43 thành viên tham gia; thành lập các nhóm cộng tác viên ở các ấp Thạnh Trung, Thạnh Phú, Thạnh Lợi, Thạnh Đông, Thạnh Bình, Mỹ I với 32 cộng tác viên. Các nhóm cộng tác viên trực tiếp tìm hiểu, nắm bắt các mâu thuẫn, vướng mắc pháp luật và tham gia cùng các tổ hòa giải của địa phương tuyên truyền, vận động, tư vấn kiến thức pháp luật cho các đối tượng, giúp hòa giải thành 11 vụ mâu thuẫn trong nông dân tại các chi, tổ Hội. Mô hình nhận được sự quan tâm, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội ND.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Hội ND các cấp tham gia 230 cuộc tiếp 452 lượt công dân; tham gia tiếp công dân tại các cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; tích cực tham gia với các cơ quan chức năng trong Đoàn công tác liên ngành để giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Thông qua các buổi tiếp dân, giải quyết các khiếu nại, tố cáo của nông dân, các ngành liên quan tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hướng dẫn, giải thích cho nông dân hiểu các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo của nông dân để vận động, hòa giải các tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh, góp phần hạn chế các khiếu kiện, khiếu nại.
10 năm qua, cán bộ Hội ND cơ sở tham gia các tổ hòa giải, tiến hành hòa giải thành 6.212 vụ tranh chấp, khiếu kiện của nông dân. Hoạt động hòa giải nhằm duy trì, củng cố sự đoàn kết trong nội bộ nông dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong cộng đồng dân cư.
Ngoài ra, Hội ND phối hợp với Phòng Tư pháp cấp huyện tham mưu cho UBND cùng cấp hướng dẫn, chỉ đạo UBND cấp xã xây dựng tủ sách pháp luật ở cơ sở, đến nay toàn tỉnh có 720 tủ sách pháp luật, số lượng đầu sách mỗi tủ từ 30 - 100 cuốn, được bổ sung hàng năm. Nhiều phường, xã, thị trấn kết nối mạng internet để truy cập và cung cấp văn bản quy phạm pháp luật, góp phần tạo điều kiện cho nông dân đến khai thác, tìm hiểu pháp luật.