Thanh Hóa: Giám sát, xử lý các cơ sở vi phạm sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp
17:01 - 20/10/2016
(KNTC)- Thực hiện chương trình giám sát, phản biện năm 2016, Đoàn giám sát gồm: Hội ND, UBMT TƯ tỉnh, Sở NNPTNT, Sở Công Thương đã tiến hành giám sát việc thực hiện pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp tại 3 huyện: Hà Trung, Thiệu Hóa, Thọ Xuân.
Cần cung cấp nhiều thông tin để người dân phân biệt rõ chất lượng vật tư nông nghiệp (ảnh: Tuổi trẻ)


Qua giám sát các đơn vị trên, Đoàn đã rút ra mộ số nội dung như, trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các quy định đảm bảo chất lượng, sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn của UBND các huyện đã làm tương đối bài bản. Điển hình như huyện Thọ Xuân đã ban hành 18 loại văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm.


 
Ngoài ra chính quyền các cấp cũng đã tổ chức tập huấn, phát tờ rơi, ký cam kết, xây dựng chuyên mục trên phương tiện thông tin đại chúng.


 
UBND các xã đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân  như xây dựng mô hình điểm về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường sinh thái; tuyên truyền miệng thông qua sinh hoạt thôn, xóm, các tổ chức đoàn thể, câu lạc bộ…


 
UBND các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp.


 
Các tổ chức chính trị- xã hội như Hội Nông dân, UBMT TƯ đã tích cực tham gia tuyên truyền, giám sát việc cung ứng, tiêu thụ vật tư nông nghiệp trên địa bàn. UBND  cấp xã còn thành lập tổ kiểm tra liên ngành gồm đại diện UBND xã, MTTW, các đoàn thể.
 


Các đội quản lý thị trường thường xuyên theo dõi sự tăng, giảm của các cơ sở kinh doanh. Rà soát, phân loại, tổng hợp các danh sách cơ sở sản xuất, kinh doanh phân dúi, phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản trên địa bàn. Hàng tuần cập nhật thông tin, khảo sát 45 mặt hàng quan trọng thiết yếu, phục vụ tiêu dùng hàng ngày, trong đó có vật tư nông nghiệp.
 


Vào thời điểm mùa vụ, Đội quản lý thị trường còn tiến hành khảo sát giá cả, chất lượng phân bón, dự báo tình hình báo cáo về chi cục để xử lý những vấn đề  phát sinh.
 


UBND huyện đã ban hành các văn bản tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Phòng nông nghiệp, Công thương, Trạm bảo vệ thực vật, khuyến nông, UBND các xã, các lực lượng chức năng thường xuyên rà soát các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, quản lý chặt chẽ việc kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn.


 
Trên địa bàn các huyện còn thành lập đường dây nóng tại trụ sở các Đội quản lý thị trường, phân công cán bộ trực đường dây nóng để nắm thông tin phản ánh từ nhân dân về các đối tượng vi phạm pháp luật, tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật.
 


 
Nhìn chung, qua công tác giám sát tại 3 huyện Hà Trung, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Đoàn đã kiểm tra 63 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, xử phạt 40 triệu đồng do một số cơ sở vi phạm các quy định về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp.


 
Bên cạnh những mặt tích cực, một số nơi chính quyền địa phương, nhất là cấp xã còn buông lỏng quản lý, chưa sâu sát trong công tác quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp, không xử phạt hành chính với những cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động không đúng theo quy định của pháp luật.


 
 
Tình trạng sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp kém chất lượng vẫn còn, tạo tâm lý chưa yên tâm cho người sử dụng. Hiện tượng tùy tiện bón phân, kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng, chất bảo quản trong trồng trọt, nhất là chất cấm trong chăn nuôi, bảo vệ thực vật vẫn diễn ra, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Chưa có thông tin đầy đủ về các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư  nông nghiệp đảm bảo để người tiêu dung nhận biết và lựa chọn.


 
Nhìn chung ở 3 huyện được giám sát, do một số cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát, theo thời vụ nên chính quyền cấp xã, huyện chưa nắm bắt, phát hiện hết. Có những vi phạm chỉ xử lý qua công tác quản lý địa bàn, nắm thông tin phản ánh của quần chúng nhân dân, qua đường dây nóng của Đội quản lý thị trường.


 
Vì vậy, Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về việc thực hiện pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho Hội Nông dân phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng thường xuyên giám sát, phản biện xã hội các cấp chính quyền trong quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp và các đơn vị sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh…
 

Tiến Thành
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp