Tú Sơn (Hải Phòng): Xây dựng mô hình điểm giải quyết khiếu nại, tố cáo
14:47 - 22/09/2016
(KNTC)- Thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm 2016, Hội Nông dân thành phố Hải Phòng chọn xã Tú Sơn (huyện Kiến Thụy) xây dựng mô hình điểm “Hội Nông dân tham gia tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội”.

ảnh minh họa
Hội Nông dân thành phố đã chủ trì phối hợp với Hội Nông dân huyện Kiến Thụy và xã Tú Sơn tìm hiểu thông tin, trao đổi trực tiếp với đại diện cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể và đại diện hội viên, nông dân ở các cụm dân cư để nắm tình hình kinh tế- xã hội, mức độ nhận thức và tình hình chấp hành pháp luật thực tế tại địa phương,  nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nông dân, những mâu thuẫn, vướng mắc, nguyên nhân, giải pháp... Phối hợp với Hội Nông dân huyện và cấp uỷ, chính quyền địa phương xã Tú Sơn tổ chức hội nghị triển khai công bố kế hoạch xây dựng mô hình.

Hội Nông dân thành phố, huyện phối hợp với cấp uỷ, chính quyền xã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng mô hình gồm 7 đồng chí, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng Ban, Chủ tịch Hội Nông dân xã làm Phó Ban Thường trực và đại diện một số ban, ngành tham gia.

Hội Nông dân thành phố tổ chức 02 lớp tập huấn, chỉ đạo HND huyện và xã tổ chức 8 lớp tập huấn để phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền, hòa giải, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, giám sát và phản biện xã hội cho cán bộ chính quyền, Hội Nông dân xã và đội ngũ cộng tác viên, hội viên, nông dân. Qua tập huấn giúp nhận thức về kiến thức pháp luật của cán bộ, hội viên, nông dân nâng lên một bước, có thể vận dụng các kỹ năng được trang bị vào thực tiễn công tác tại cơ sở....

Ban chỉ đạo tham mưu cho UBND xã ra quyết định thành lập Câu lạc bộ nông dân với pháp luật; xây dựng Quy chế hoạt động; xây dựng đội ngũ cộng tác viên, nhóm nòng cốt; Câu lạc bộ mỗi tháng sinh hoạt ít nhất 01 lần, các nhóm cộng tác viên tích cực tham gia sinh hoạt, có biên bản và danh sách dự sinh hoạt. Cộng tác viên là những người nhiệt tình, có hiểu biết kiến thức pháp luật, có uy tín, có khả năng vận động quần chúng. Nội dung buổi sinh hoạt đều trao đổi thông tin, phản ánh tình hình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; các chương trình, dự án tại địa phương; thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở; thực hiện pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp có hiệu quả, vận động nông dân không sử dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp. Tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh của xã.

Hội Nông dân xã tham gia hoà giải, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nông dân; mời Trung tâm Trợ giúp pháp lý của thành phố tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động cho nông dân trong xã tư vấn pháp luật nhằm giảm bớt khiếu kiện của nông dân. Hội Nông dân thành phố phối hợp với chính quyền xã, trực tiếp tìm hiểu, kịp thời nắm bắt được các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nông dân, các mâu thuẫn được giải quyết tại các thôn, bản nên nội bộ nông dân đoàn kết, không có khiếu kiện vượt cấp.

Hội Nông dân các cấp đã tham gia tiếp và giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo, tổ chức đối thoại để giải quyết các phản ánh, khiếu nại, tố cáo của nông dân. Phối hợp với chính quyền công khai chủ trương, chính sách của địa phương, kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo cho nông dân biết. Có lịch tiếp dân và theo dõi việc giải quyết đơn thư.

Tham gia thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở; tham gia giám sát, phản biện xã hội góp phần xây dựng thôn, tổ dân phố, làng văn hoá, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh góp phần xây dựng nông thôn mới. Xây dựng quy chế phối hợp hoạt động hoàn thiện, quy định rõ chức năng, phạm vi hoạt động và phối hợp giữa các cơ quan tham gia. Hội viên, nông dân nắm được Pháp lệnh dân chủ cơ sở, nhất là những nội dung: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Thành lập được hệ thống các tổ, nhóm cộng tác viên của Câu lạc bộ tại các thôn, bản. Phối hợp với Ban văn hóa xã thông tin tuyên truyền kết quả việc thực hiện QCDC cơ sở trên hệ thống loa truyền thanh trong xã. Hội Nông dân đã chủ động đề xuất cử đại diện tham gia Ban quản lý các dự án phát triển KT-XH, các dự án đền bù, giải phóng mặt bằng tích cực trao đổi thông tin trong các buổi sinh hoạt kịp thời có chính kiến để bảo vệ quyền lợi của hội viên nông dân.

Qua xây dựng mô hình điểm, tại xã Tú Sơn người nông dân đã từng bước nâng cao nhận thức của mình về pháp luật, giảm khiếu kiện, góp phần ổn định tình hình xã hội ở nông thôn, nhiều vụ khiếu nại, nhiều vụ xích mích trong nông dân đã được đưa ra trao đổi tìm biện pháp giải quyết, chính quyền địa phương đánh giá cao. Công tác giáo dục, phổ biến pháp luật cho nông dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của nông dân, hạn chế khiếu kiện sai, khiếu kiện vượt cấp. Cán bộ Hội các cấp sâu sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân, chia sẻ và giúp họ giải quyết vướng mắc, bức xúc, tạo niềm tin của dân đối với cán bộ và tổ chức Hội.
Ngân Khánh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp