Thanh Miếu: Xây dựng xã điểm thực hiện Chỉ thị 26
14:56 - 21/02/2014
Ban thường vụ Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ đã xây dựng mô hình điểm chỉ đạo “Hội Nông dân tham gia thực hiện Chỉ thị số 26 của Thủ tướng Chính phủ gắn với tham gia thực hiện pháp lệnh dân chủ ở cơ sở” tại phường Thanh Miếu, thành phố Việt Trì.

 UBND phường ra Quyết định thành lập Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, số lượng thành viên 50 người. Mỗi khu, đội (Chi, Tổ Hội) thành lập nhóm Cộng tác viên (CTV) từ 3 - 5 người để tham gia CLB; Quyết định thành lập Ban chỉ đạo mô hình gồm 7 người, trong đó đồng chí Phó chủ tịch UBND phường làm Trưởng ban, Chủ tịch Hội Nông dân phường làm phó ban.

Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức được 01 lớp tập huấn về kỹ năng công tác hòa giải, tư vấn, tuyên truyền pháp luật, kỹ năng tổ chức, điều hành và tham gia CLB cho 60 cán bộ, hội viên; Tổ chức 01 lớp tập huấn kiến thức về Luật khiếu nại, Luật tố cáo cho 60 cán bộ chính quyền và Hội Nông dân phường; Hội Nông dân phường phối hợp với phòng Tư pháp thành phố tổ chức được 06 lớp tập huấn kiến thức pháp luật như Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật hôn nhân gia đình, dự thảo Luật đất đai sửa đổi... cho 300 cán bộ, hội viên. Thông qua các lớp tập huấn Ban chỉ đạo mô hình, Ban chủ nhiệm CLB đã nâng cao được kiến thức kỹ năng tuyên truyền về pháp luật, nhất là các kỹ năng điều hành sinh hoạt câu lạc bộ hiệu quả, hấp dẫn người nghe; cán bộ, hội viên nâng cao hiểu biết được kiến thức về pháp luật, ý thức tôn trọng và thực hiện đúng pháp luật.

Xây dựng Quy chế hoạt động của CLB, định kỳ tổ chức sinh hoạt hàng tháng được duy trì nề nếp, hiệu quả. Hình thức sinh hoạt được Ban chủ nhiệm thường xuyên thay đổi phù hợp, tạo được sự hấp dẫn cho hội viên. Nội dung các buổi sinh hoạt gồm: Trao đổi thông tin tình hình thực hiện pháp luật ở các khu; tình hình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; các chương trình, dự án tại địa phương; thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở; tuyên truyền tìm hiểu về các bộ Luật; văn bản chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đã tổ chức được 10 buổi sinh hoạt.

Hội chủ động phối hợp với phòng Tư pháp thành phố trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho nông dân. Các nhóm Cộng tác viên trực tiếp tìm hiểu nắm bắt các mâu thuẫn, vướng mắc pháp luật và tham gia cùng các tổ hòa giải, tuyên truyền, vận động, tư vấn kiến thức pháp luật cho các đối tượng giúp hòa giải các mâu thuẫn trong nông dân ngay tại các chi, tổ Hội. Tổng số đã hòa giải được 10 vụ chủ yếu về tranh chấp đất đai, giá đền bù thu hồi đất, môi trường... thông qua đó góp phần giảm thiểu việc khiếu kiện vượt cấp của nông dân.

Hội Nông dân phường phối hợp với chính quyền tham gia tiếp dân để nắm tình hình nông dân và tổ chức các buổi đối thoại với nông dân, nhất là các vụ việc khiếu kiện của nông dân trong phường. Phối hợp với chính quyền công khai chủ trương, chính sách của địa phương. Tổng số buổi tư vấn, giải thích cho hội viên, nông dân được 10 buổi.

Tham gia thực hiện pháp lệnh dân chủ cơ sở, tham gia giám sát xây dựng khu dân cư văn hóa, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, góp phần xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân phường Thanh Miếu đã tổ chức được 01 hội nghị góp ý và ký kết Quy chế phối hợp giữa Ủy ban nhân dân và Hội Nông dân phường trong thực hiện pháp lệnh dân chủ cơ sở. Hội thành lập được hệ thống các tổ, nhóm cộng tác viên (của CLB) tại các thôn, bản tham gia tích cực vào công tác giám sát, sâu sát hội viên nông dân thu thập thông tin phản ánh, kiến nghị của quần chúng để kịp thời báo cáo Hội Nông dân xã và cấp ủy, chính quyền. Đồng thời trao đổi thông tin về thực hiện pháp luật trong các buổi sinh hoạt. Phối hợp với Ban văn hoá xã thông tin tuyên truyền kết quả việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trên hệ thống loa truyền thanh trong phường.

Thông qua các nội dung hoạt động của mô hình thực hiện Chỉ thị 26 tại Phường Thanh Miếu đã mang lại hiệu quả hết sức thiết thực, có ý nghĩa quan trọng:

Một là, giúp Hội Nông dân cơ sở thực hiện nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật và vận động hội viên, nông dân chấp hành pháp luật; giúp hội viên, nông dân nâng cao hiểu biết kiến thức pháp luật, từ đó hình thành lòng tin, ý thức tôn trọng, tự giác chấp hành pháp luật.

Hai là, giúp Hội Nông dân tham gia thực hiện, giám sát thực hiện dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh các phong trào thi đua; tích cực tham gia xây dựng Đảng, Chính quyền trong sạch, vững mạnh, bảo vệ chế độ; tiếp thu lắng nghe ý kiến của nhân dân đảm bảo việc thực hiện dân chủ phải đi đôi với kỷ cương, kỷ luật, thực hiện đúng pháp luật.

Ba là, giúp Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo, qua quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, đánh giá được tình hình thực hiện các chính sách kinh tế, xã hội, những yếu kém trong thực thi quyền lực Nhà nước; kịp thời sửa đổi những văn bản lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn. Thông qua đó nắm được tình hình đời sống của nhân dân, tâm tư, nguyện vọng của họ, từ đó đề ra các chủ trương chính sách hợp lý, vừa hạn chế được tiêu cực, vừa phát huy được các nhân tố tích cực tạo điều kiện phát triển mọi mặt của đời sống xã hội trên địa bàn phường.

                                                                              Thu Hà

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp