Hội Nông dân Việt Nam với việc thực hiện Chỉ thị 26
15:23 - 19/12/2013
Năm 2013 việc thực hiện Chỉ thị 26 và Công văn số 1502 của Thủ tướng Chính phủ tại các địa phương vẫn được duy trì và đẩy mạnh. Hội Nông dân các tỉnh, thành phát huy vai trò đại diện, phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động và tham gia hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên, nông dân.

Trong năm qua các cấp Hội trong cả nước đã áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên, nông dân như: sinh hoạt chi tổ hội, sinh hoạt Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật, phát hành tờ rơi, tờ gấp, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tờ tin công tác Hội, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề... để tuyên truyền phổ biến pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân. Nội dung tuyên truyền tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của nông dân như Luật Đất đai, Luật Dân sự, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo... được biên soạn dưới dạng hỏi đáp qua đó giúp hội viên, nông dân dễ đọc, dễ hiểu và dễ vận dụng. Các cấp Hội trong cả nước đã tổ chức được 192.339 cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho 5.770.170 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham dự. Tổ chức các hình thức tuyên truyền cổ động và sinh hoạt Câu lạc bộ Nông dân nhằm hưởng ứng “Ngày Pháp luật” năm 2013 trên địa bàn theo chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Hội Nông dân xác định vấn đề khiếu nại, tố cáo của nông dân có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng là do trình độ nhận thức và chấp hành pháp luật của nông dân còn hạn chế, chất lượng thông tin chưa đầy đủ, chưa hiểu rõ chính sách pháp luật của Nhà nước. Từ đó ngộ nhận, cả tin dễ bị lợi dụng dẫn đến khiếu kiện phức tạp, kéo dài vì vậy các cấp Hội đều coi trọng việc phổ biến, học tập chính sách pháp luật gắn với việc hướng dẫn, giải thích, trợ giúp pháp lý cho nông dân, giúp nông dân tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tự bảo vệ quyền lợi chính đáng hợp pháp của mình. Do đó việc trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng truyền đạt cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp trong tỉnh là điều cần thiết để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền vận động, thuyết phục cho hội viên, nông dân. Trong năm qua các cấp Hội Nông dân đã phối hợp với các ngành Thanh tra, Tư pháp, tài nguyên và Môi trường, Công an và Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị, thành tổ chức được 1.071 lớp tập huấn kiến thức pháp luật cho 85.680 lượt cán bộ Hội các cấp và Cộng tác viên, tuyên truyền viên pháp luật của các địa phương.

Công tác trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật được quan tâm qua đó, từng bước giúp hội viên, nông dân hiểu và thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hạn chế khiếu kiện sai và vượt cấp ở địa phương. Một số Hội Nông dân tỉnh, thành thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật Nông dân đã tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân ở các xã thuộc vùng sâu, vùng xa của địa phương mình với hơn 2.500 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham dự. Ngoài ra công tác tư vấn pháp luật còn được gắn với hoạt động của các nhóm Cộng tác viên của Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật ở các địa phương, đây là lực lượng nồng cốt trong công tác tuyên truyền pháp luật và tư vấn, hướng dẫn chấp hành pháp luật tại công đồng, đồng thời là cộng tác viên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân góp phần giữ gìn an ninh chình trị, trật tự xã hội ở nông thôn. Làm tốt công tác này là các tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, Lào Cai, Nghệ An, Hà Nội, Lâm Đồng, Bình Dương, Long An và An Giang.

Công tác hoà giải được các cấp Hội đặc biệt chú trọng ngay từ cơ sở nhằm giữ gìn mối đoàn kết thôn xóm, làm giảm những mâu thuẫn trong nông dân, góp phần hạn chế những vụ việc khiếu nại phức tạp, vượt cấp, đông người... Các cấp Hội đã cử cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, nhiệt tình tích cực tham gia cùng với Tổ, Ban hoà giải ở thôn, bản, tổ dân phố. Năm 2013 các cấp Hội đã trực tiếp chỉ đạo hòa giải thành 5128 vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nông dân; chủ động tham gia với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hoà giải thành 12 789 vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, nguồn nước, môi trường nông thôn, tranh chấp dân sự, mâu thuẫn gia đình... Các đơn vị làm tốt công tác này là: Hà Nội, Bắc Giang,  Hưng Yên, Lâm Đồng, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương, Bình Thuận, An Giang, Sóc Trăng, Tp Hồ Chí Minh...

Năm 2013, Hội Nông dân các tỉnh, thành tiếp tục chủ động phối hợp với các ngành chức năng địa phương và Hội Nông dân các huyện, thành, thị đã xây dựng được 389 xã điểm về thực hiện Chỉ thị 26 gắn với việc thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn ở những nơi có tình hình nổi cộm về khiếu nại, tố cáo của nông dân do tác động của các dự án phát triển kinh tế xã hội, các dự án thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, xâm phạm đất lúa hoặc có vấn đề nảy sinh khi triển khai xây dựng nông thôn mới.

Việc xây dựng mô hình điểm thực hiện Chỉ thị 26 của các địa phương đã ghi nhận rất nhiều nỗ lực của các cấp Hội trong việc chủ động phối hợp với chính quyền và các ngành chức năng, thể hiện vai trò, chức năng của Hội Nông dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, nông dân và giảm thiểu khiếu nại, tố cáo, khiếu nại vượt cấp ở địa phương.

 

                                                               Thu Hà

 

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp