Ninh Thuận: Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với công tác Hội và phong trào nông dân
Năm 2013, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo, hướng dẫn đến các cấp Hội của tỉnh thực hiện quy chế dân chủ gắn với nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân đồng thời yêu cầu các cấp Hội chủ động tham mưu điều chỉnh nội dung hoạt động phù hợp tình hình của địa phương góp phần đưa quy chế dân chủ ở cơ sở đi vào thực tiễn đời sống của hội viên, nông dân.
Trên cơ sở Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở của Tỉnh ủy, Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo các cấp Hội chủ động tham mưu và tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền nhằm phổ biến quán triệt đến cán bộ, hội viên, nông dân các văn bản về quy chế dân chủ ở cơ sở đó là Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị (khoá VIII) về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, Kết luận số 65-KL/TW ngày 04/3/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08/9/1998 của Chính phủ về ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan và các văn bản của Ban chỉ đạo tỉnh về thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với nhiệm vụ công tác xây dựng Hội và phong trào nông dân, gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, cải cách hành chính và các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh và xây dựng nông thôn mới. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức về chính trị tư tưởng, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, hội viên, nông dân và tích cực thực hiện đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ gắn với việc thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân, thông qua các mô hình, chương trình, dự án phát triển sản xuất, thu hút tập hợp hội viên nông dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Trong năm, các cấp Hội đã tổ chức tuyên truyền và phối hợp lồng ghép tuyên truyền cho trên 36.384 lượt người tham dự, góp phần nâng cao nhận thức hội viên, nông dân thi đua thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác của Hội, tham gia phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, các cấp Hội thường xuyên đi cơ sở, bám địa bàn, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, báo cáo phản ánh, đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền và Hội cấp trên xem xét giải quyết kịp thời ngay tại cơ sở.
Gắn thực hiện quy chế dân chủ với phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, kết quả có 53.849 hộ đăng ký danh hiệu gia đình nông dân văn hóa, các cấp Hội đã tham gia xây dựng 19 mô hình xây dựng nông thôn mới, 46 thôn, khu phố văn hoá, xoá 793 nhà tạm cho hội viên, nông dân, trong đó Hội Nông dân huyện Ninh Hải đã xây dựng bàn giao 01 căn nhà tình thương cho nông dân nghèo tại xã Phương Hải, trực tiếp giúp đỡ 107 hộ nông dân và phối hợp các ban ngành, đoàn thể giúp đỡ gần 1.000 hộ phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh đó các cấp Hội đã vận động hội viên, nông dân tu sửa 25 km đường giao thông nông thôn, nạo vét trên 21 km kênh mương nội đồng, ra quân lao động vệ sinh môi trường, phát dọn 200m đường liên thôn và thu gom trên 585 m3 rác thải ở khu dân cư, với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng, trên 1.885 lượt người và nhiều phương tiện tham gia.
Gắn thực hiện quy chế dân chủ và thực hiện Chỉ thị 26/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân, Tỉnh Hội đã phối hợp mở 03 lớp tuyên truyền, phố biến giáo dục pháp luật cho 180 cán bộ, hội viên, nông dân và thành viên Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”. Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh mở 05 lớp/250 cán bộ, hội viên về công tác phòng, chống tội phạm ma tuý, mại dâm (Hòa Sơn, Phước Tiến, Thành Hải, Tân Hải, Phước Nam).
Công tác trợ giúp pháp lý được Hội thường xuyên quan tâm, trong năm Hội cơ sở đã trợ giúp pháp luật cho trên 1.950 lượt hội viên, nông dân; tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, phối hợp hoà giải 36 vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai, an ninh nông thôn. phối hợp kiểm điểm trước dân 89 đối tượng vi phạm pháp luật, cung cấp 24/39 nguồn tin giá trị, xây dựng tổ tự quản về an ninh trật tự trong cán bộ, hội viên, nông dân góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn.
Qua triển khai thực hiện quy chế
dân chủ ở cơ sở, nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân được nâng lên, tạo được sự đồng thuận cao, qua đó khích lệ tinh thần, đoàn kết thi đua phát triển kinh tế-xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh của địa phương, đời sống của hội viên, nông dân từng bước được cải thiện, đem lại những thay đổi trong diện mạo của công cuộc xây dựng nông thôn mới./.
Hoàng Lâm