Ngày 01 tháng 7 năm 2013 Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực thi hành
14:33 - 26/09/2013
Luật Hợp tác xã năm 2012 đã được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2012 tại kỳ họp thứ 4 Khóa XIII và chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2013 thay thế cho Luật Hợp tác xã năm 2003.

Luật Hợp tác xã năm 2003 đã thể chế hóa một bước quan điểm mới của Nghị quyết số 13/NQ-TW Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương (Khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Qua quá trình thực hiện, nhìn chung Luật Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã năm 2003 đã đạt được một số kết quả, tạo thuận lợi hơn cho các tổ chức kinh tế tập thể phát triển so với khung pháp luật thời kỳ trước đó, có đóng góp đáng kể trong việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần vào việc hoàn thiện quan hệ sản xuất, và vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, Luật Hợp tác xã năm 2003 đến nay đã thể hiện một số bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung nhằm thúc đẩy phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phù hợp với công cuộc đổi mới, cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bảo đảm môi trường phát triển bền vững.

Luật Hợp tác xã  năm 2012 đã được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2012 tại kỳ họp thứ 4 Khóa XIII và đã được Chủ tịch nước ký Lệnh về việc công bố Luật Hợp tác xã ngày 03 tháng 12 năm 2012.

Luật Hợp tác xã năm 2012 nhằm mục tiêu khuyến khích và phát triển mạnh mẽ mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã  kiểu mới, đồng thời định hướng phát triển các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hiện có hoạt động theo đúng bản chất hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đưa thành phần kinh tế tập thể nói chung trở thành lực lượng to lớn, phát triển rộng khắp và có vị trí quan trọng trong nền kinh tế nước ta; bảo đảm quyền và lợi ích của hàng chục triệu hộ nông dân, hàng chục triệu người tiêu dùng, hộ kinh doanh cá thể.

Luật Hợp tác xã năm 2012 gồm 9 chương, 64 Điều; giảm 01 chương so với Luật Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã năm 2003 (bỏ Chương về khen thưởng và xử lý vi phạm, tăng thêm 13 điều so với Luật Hợp tác xã năm 2003) chủ yếu làm rõ hơn bản chất, tổ chức quản lý của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; quyền, nghĩa vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; tiếp thu những quy định pháp luật mang tính cơ bản, ổn định lâu dài được quy định tại Nghị định 177/2004/NĐ-CP ngày 12/10/2004 và Nghị định 87/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 nhằm bảo đảm tính toàn diện của Luật, đồng thời nhằm hạn chế tối đa việc ban hành văn bản dưới Luật; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động,  Cụ thể là:

Chương I: những quy định chung

Chương I gồm 12 Điều, quy định về: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; khái niệm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; bảo đảm của Nhà nước đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; nguyên tắc tổ chức hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; quyền và nghĩa vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chế độ lưu giữ tài liệu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; các hành vi bị nghiêm cấm; và giải thích một số từ ngữ quy định trong Luật.

Nội dung quy định của Chương I chủ yếu làm rõ sự khác biệt cơ bản giữa hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã so với doanh nghiệp. Bên cạnh đó là các quy định về nguyên tắc hoạt động; Quyền và nghĩa vụ của hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã;  được hưởng chính sách hỗ trợ ưu đãi đặc biệt riêng của Nhà nước.

Chương II: thành viên, hợp tác xã thành viên

Chương II gồm 6 Điều, quy định về điều kiện trở thành thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành viên; quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành viên; chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành viên; góp vốn điều lệ và giấy chứng nhận vốn góp; trả lại vốn góp cho thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành viên và thừa kế vốn góp.

Mục đích tham gia thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành viên là được hưởng lợi ích trên cơ sở hợp tác với các thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành viên khác của hợp tác xã thông qua việc tham gia dịch vụ gắn với quyền và nghĩa vụ cụ thể của thành viên trong việc tham gia dịch vụ đó. Chương II đã quy định các điều kiện để trở thành thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các điều kiện chấm dứt tư cách thành viên thuộc về vi phạm của thành viên hoặc của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Về mức vốn đóng góp của thành viên Luật đã hạ mức vốn góp tối đa của thành viên trong vốn điều lệ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã xuống mức không quá 20% vốn điều lệ để đảm bảo tính dân chủ trong hoạt động quản lý hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chương III: thành lập và đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

Chương III gồm 10 Điều, quy định về: sáng lập viên; hội nghị thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; nội dung điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; tên và biểu tượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; sổ đăng ký thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành viên; trụ sở chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; văn phòng đại diện, chi nhánh và địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; thay đổi nội dung đăng ký của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Đặc biệt Luật đã quy định cụ thể về nội dung điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải thể hiện rõ mục tiêu hoạt động, mức độ thường xuyên sử dụng sản phẩm, dịch vụ, giá trị tối thiểu của sản phẩm, dịch vụ mà thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành viên phải sử dụng, thời gian liên tục mà thành viên không sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhưng không quá 03 năm; thời gian liên tục mà thành viên không làm việc cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cũng như quy định không tạo việc làm cho thành viên của Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là không quá 2 năm, tỷ lệ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm mà hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cam kết cung ứng, tiêu thụ cho thành viên ra thị trường nhằm làm căn cứ xác định và định hướng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động đúng bản chất.

Chương IV: tổ chức quản lý hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

Chương IV gồm 13 Điều, quy định về: cơ cấu tổ chức của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; đại hội thành viên; triệu tập đại hội thành viên; quyền hạn và nhiệm vụ của đại hội thành viên; chuẩn bị đại hội thành viên; biểu quyết trong đại hội thành viên; hội đồng quản trị hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; quyền hạn và nhiệm vụ của hội đồng quản trị; quyền hạn và nhiệm vụ của chủ tịch hội đồng quản trị; giám đốc (tổng giám đốc) hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã,; ban kiểm soát, kiểm soát viên; điều kiện trở thành thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, giám đốc (tổng giám đốc) hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức, chấm dứt hợp đồng các chức danh quản lý hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Chương này tập trung quy định cơ cấu tổ chức hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bảo đảm  tổ chức chặt chẽ với tư cách là một tổ chức kinh tế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; bảo đảm hoạt động hiệu quả trên thị trường với việc phân rõ hơn quyền hạn, nhiệm vụ của từng bộ phận, cá nhân  trong cơ cấu tổ chức của mình, đặc biệt tách bạch rõ chức năng quản lý với chức năng điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; bảo đảm quyền làm chủ của thành viên đối với mọi vấn đề của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với quyền biểu quyết như nhau không phụ thuộc mức vốn góp.

Chương V: tài sản, tài chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

 Chương V gồm 10 Điều, quy định về: xác định giá trị vốn góp; tăng, giảm vốn điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; huy động vốn và các khoản trợ cấp, hỗ trợ; vốn hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; phân phối thu nhập; quản lý, sử dụng các quỹ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; tài sản, xử lý tài sản và vốn của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi giải thể; xử lý các khoản lỗ, khoản nợ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; trình tự trả lại vốn góp.

Chương V quy định các nội dung liên quan đến vốn của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, thu nhập và phân phối thu nhập, xử lý vốn và tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi giải thể, bị lỗ và việc trả lại vốn góp của thành viên. Trong đó đặc biệt khuyến khích huy động vốn hoạt động cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trước hết từ thành viên theo đúng tinh thần hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau, mang lại lợi ích trước hết cho thành viên, hợp tác xã thành viên; phân phối thu nhập sau thuế cho thành viên, hợp tác xã thành viên theo mức độ sử dụng dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc công sức lao động đóng góp của thành viên vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, phần còn lại chia theo vốn góp.

Chương VI: chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

Chương VI gồm 5 Điều, quy định về: chia, tách hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; hợp nhất, sáp nhập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Như vậy, chương này quy định chủ yếu về trình tự, thủ tục chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể (tự nguyện hoặc bắt buộc), phá sản và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Chương VII: tổ chức đại diện của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

Chương VII gồm 2 Điều, quy định về: tổ chức đại diện của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và về tổ chức liên minh hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã như là tổ chức đại diện đặc thù của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Chương này bổ sung một Điều 57 quy định về tổ đại diện của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã “tổ chức đại diện của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã do các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã  tự nguyện thành lập nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Tổ chức đại diện của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có thể được tổ chức theo ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ; được tổ chức, hoạt động theo quy định của pháp luật về hội và pháp luật có liên quan”. Đồng thời khẳng định Liên minh hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là tổ chức đại diện của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Chương VIII: quản lý nhà nước đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

Chương VIII gồm 3 Điều, quy định về: nội dung quản lý nhà nước đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp Chính phủ quản lý nhà nước về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Đồng thời bổ sung một điều (Điều 61) quy định về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhằm tăng cường việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, góp phần thúc đẩy khu vực hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phát triển.

Chương IX: điều khoản thi hành

Chương IX gồm 3 Điều, quy định về: điều khoản chuyển tiếp; hiệu lực thi hành; quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật.

Trong đó có quy định về thời hạn 36 tháng kể từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực thi hành thì các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động mới phải thực hiện theo quy định của Luật nhằm giúp các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập trước khi Luật này có hiệu lực thi hành củng cố, tổ chức lại để phù hợp với quy định của Luật./.

                                                                Phú Sơn

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp