Thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân”, Hội Nông dân các cấp đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nông dân; tham gia giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách và triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Trong nhiệm kỳ đã tiếp nhận gần 670 đơn thư khiếu nại tố cáo, phối hợp giải quyết 220 đơn thuộc thẩm quyền và chuyển cơ quan chức năng giải quyết 380 đơn thư. Phối hợp với MTTQ, các đoàn thể nhân dân tiến hành hoà giải thành công 1.400 vụ mâu thuẫn, tranh chấp, góp phần giữ gìn trật tự xã hội, ổn định chính trị trên địa bàn nông thôn.
Công tác kiểm tra, giám sát luôn được Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tăng cường thực hiện, trong nhiệm kỳ, các cấp Hội đã tiến hành 2.226 cuộc kiểm tra, trong đó: cấp tỉnh 43 cuộc, cấp huyện 337 cuộc, cấp cơ sở 1.846 cuộc.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã đóng vai trò quan trọng trong việc làm cầu nối giữa nông dân với Đảng, chính quyền; các cấp Hội đã quan tâm tổ chức cho cán bộ, hội viên nông dân tham gia góp ý kiến vào Văn kiện Đại hội Đảng các cấp, các Nghị quyết của cấp ủy, chính quyền địa phương có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tham gia góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật Đất đai (sửa đổi); vận động hội viên, nông dân nêu cao tinh thần trách nhiệm của công dân, hăng hái tham gia đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Kịp thời phản ảnh những vấn đề bức xúc của nông dân và đề xuất, tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền đề ra các chính sách sát với nông dân, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, nhằm tạo điều kiện cho nông dân giảm bớt khó khăn trong sản xuất và đời sống. Duy trì tốt việc tiếp dân gắn với tuyên truyền pháp luật cho hội viên nông dân. Xây dựng các mô hình điểm như: Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, CLB “Phòng chống tội phạm và TNXH”, “Chi Hội Nông dân tự quản về ANTT”; 100% cơ sở Hội đã xây dựng Tủ sách pháp luật; các cấp Hội tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hoá, giáo dục, giúp đỡ hơn 55 nghìn người phạm tội, có quá khứ lầm lỗi tái hoà nhập cộng đồng.
Từ thực tiễn kinh nghiệm ở địa phương cho thấy, bài học thành công trước hết là bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, của Hội cấp trên và nhiệm vụ chính trị của địa phương để tổ chức, chỉ đạo các hoạt động của Hội phù hợp với tình hình thực tế, mang lại hiệu quả thiết thực cho phong trào. Chủ động phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong hoạt động công tác Hội. Tăng cường mối “liên kết 4 nhà” để xây dựng chương trình hành động phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Các cấp Hội cần phải nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đi sâu, đi sát cơ sở, kịp thời phát hiện và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tư tưởng của nông dân để tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền các giải pháp nhằm giải quyết kịp thời, hiệu quả và dứt điểm các vụ việc ngay từ cơ sở.
Đội ngũ cán bộ Hội cần đi sâu, đi sát cơ sở, kịp thời phát hiện và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tư tưởng của nông dân để tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp nhằm giải quyết kịp thời, hiệu quả và dứt điểm các vụ việc ngay từ cơ sở. Làm tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng với nông dân và giữa nông dân với Đảng.
Minh Tú