Hưng Yên với kinh nghiệm thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng CP
15:53 - 16/04/2013
Trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị 26/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cấp HND tỉnh Hưng Yên đã phát huy tốt vai trò của Hội trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý, hòa giải và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ nông dân.

Xác định công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý và hòa giải trong nội bộ nông dân là một nhiệm vụ quan trọng, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, hội viên nông dân, các cấp Hội tập trung chỉ đạo tổ chức các lớp tập huấn kiến thức pháp luật và bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là kỹ năng hoà giải cho cán bộ Hội Nông dân và các tuyên truyền viên, hoà giải viên của Hội Nông dân cơ sở. Trong những năm qua, các cấp Hội đã tổ chức 30.500 buổi cho 245.000 lượt người tham dự, nội dung tuyên truyền chủ yếu các chính sách pháp luật có liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chỉ tính riêng năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, Hội Nông dân tỉnh trực tiếp tổ chức 36 lớp, các huyện - thành Hội chủ động phối hợp với ngành Tư pháp tổ chức 90 lớp tuyên truyền PBGDPL cho 4.250 lượt cán bộ, hội viên tham dự. Nội dung tuyên truyền là những chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn và quyền, nghĩa vụ của công dân trong việc chấp hành các quy định pháp luật.

Nét mới trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật những năm qua là việc tổ chức hội thi “Nông dân tìm hiểu pháp luật” được tổ chức định kỳ hàng năm từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. Các cuộc thi được tổ chức với nội dung phong phú, đa dạng, phù hợp với bản sắc văn hoá của địa phương, nội dung các cuộc thi phần lớn do hội viên, nông dân tự biên, tự diễn trên cơ sở tình hình vi phạm pháp luật ở địa phương để tạo phong trào thi đua tìm hiểu pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của hội viên, nông dân, từ đó giúp cho cán bộ, hội viên, nông dân hiểu và tự giác tuân thủ pháp luật.

Công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý được Hội Nông dân các cấp phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý của Sở Tư pháp tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã đã giúp hội viên, nông dân hiểu và thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần làm hạn chế vấn đề khiếu kiện sai và vượt cấp ở địa phương. Trung tâm TVPL Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức trên 350 cuộc tư vấn, trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở, các cấp Hội trực tiếp tham gia giải quyết 15.730 đơn thư khiếu nại, tố cáo của hội viên nông dân, tham gia hòa giải thành ngay tại cơ sở hơn 8.300 đơn. Các cấp Hội đã tiếp hàng chục nghìn lượt hội viên nông dân, giải đáp các vướng mắc liên quan đến chế độ chính sách và pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đối với những vụ việc khiếu nại, tố cáo của nông dân, khi được UBND, các ngành chức năng mời tham gia, các cấp Hội đã đề xuất, kiến nghị với chính quyền và các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết đúng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân. Những vụ việc do nông dân chưa hiểu biết pháp luật dẫn đến khiếu kiện không đúng, các cấp Hội kiên trì vận động, giải thích cho hội viên, nông dân tự rút đơn, chấm dứt khiếu kiện. Trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cấp Hội đã coi trọng công tác hoà giải, coi trọng tình làng nghĩa xóm nên nhiều vụ việc được giải quyết có tình, có lý; chú trọng xây dựng điểm chỉ đạo tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến giải tỏa, đền bù, khiếu nại, tố cáo, hạn chế tối đa việc khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, qua đó tăng cường khối đoàn kết trong cộng đồng dân cư, nông dân. Toàn tỉnh có 845 Ban hòa giải tại các xã, thị trấn và 1.561 tổ hòa giải có Hội Nông dân là thành viên.

Hội Nông dân tỉnh trực tiếp xây dựng 37 xã điểm thực hiện Chỉ thị 26 và thành lập được 37 CLB Nông dân với pháp luật thu hút 2.853 thành viên và 111 tuyên truyền viên, cộng tác viên pháp luật tham gia. Hội Nông dân tỉnh trang bị 12 tủ sách pháp luật và các đầu sách pháp luật cho 37 câu lạc bộ pháp luật, các tủ sách được đặt tại nhà văn hoá thôn, xóm và do cán bộ chi Hội quản lý, đã phát huy tác dụng rất tốt trong công tác tuyên truyền pháp luật cho hội viên, nông dân. Hoạt động của các câu lạc bộ đi vào nề nếp, thực sự có hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, hội viên, nông dân tại cộng đồng dân cư nông thôn. Trong những năm qua, các câu lạc bộ tổ chức và phối hợp tổ chức được 4.670 buổi tuyên truyền cho 373.600 lượt người tham dự; tiếp nhận 325.000 vụ việc, đã hòa giải thành 1.300 vụ việc.

Có được những kết quả trên, các cấp HND tỉnh Hưng Yên đã được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ Đảng, các cấp chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, sự nỗ lực của các cấp Hội đã góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Qua đó, công tác Hội và phong trào nông dân càng được củng cố, tăng cường, hoạt động của Hội ngày càng thiết thực, đã nâng cao vai trò và uy tín của tổ chức Hội, hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý, hòa giải trong nội bộ nông dân được các cấp, các ngành đánh giá cao.

Trong quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg  của Thủ tướng Chính phủ, Hội Nông dân tỉnh rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, phải có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp và tạo điều kiện của chính quyền các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, các cấp Hội chủ động tham mưu thực hiện; đồng thời bố trí kinh phí hàng năm cho các cấp Hội Nông dân để thực hiện nhiệm vụ trên.

Hai là, có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, nắm bắt tình hình tâm tư, nguyện vọng của nông dân, tìm hiểu nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp từ đó tham mưu với chính quyền và phối hợp cùng các ngành chức năng giải quyết. Thực hiện tốt pháp lệnh dân chủ ở cơ sở trên phương châm “mọi mâu thuẫn phải được giải quyết từ cơ sở”. Công tác hòa giải, tuyên truyền giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý phải là giải pháp đầu tiên trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Hội cần phát huy đúng vị trí, vai trò của tổ chức Hội Nông dân là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo trong việc tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.

Ba là, quan tâm xây dựng tổ chức Hội thực sự vững mạnh, nhất là ở cơ sở. Đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có năng lực, tâm huyết với nông dân và phong trào Hội. Chú trọng xây dựng lực lượng nòng cốt sâu sát dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, các kiến nghị, đề xuất, mâu thuẫn trong nội bộ nông dân để phản ánh, đề xuất với Đảng, chính quyền giải quyết đúng pháp luật không để nông dân khiếu kiện sai, vượt cấp, đông người; chủ động tiếp nhận đơn hòa giải hoặc chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.

 

Minh Hà

 

                                                                          
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp