Kon Tum: Ghi nhận chuyển biến sau một năm xây dựng mô hình điểm
10:45 - 26/02/2013
Thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo 26 Trung ương Hội Nông dân VN, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Kon Tum quyết định chọn xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi là nơi xây dựng mô hình điểm về thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2012.

Là một xã nghèo nằm ở phía bắc của huyện Ngọc Hồi, đời sống của bà con nông dân còn nhiều khó khăn (261 hộ nghèo chiếm 22,3%), không ổn định, phương thức canh tác lạc hậu, mặt bằng dân trí thấp, các dịch vụ tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý còn rất hạn chế dẫn đến tình trạng thiếu kiến thức pháp luật, vi phạm pháp luật do không hiểu biết pháp luật còn xảy ra khá phổ biến trên địa bàn. Năm 2012, Hội Nông dân Tỉnh quyết định chọn xã Đăk Dục làm nơi triển khai xây dựng mô hình điểm thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở những nội dung được thống nhất triển khai ở Hội nghị ngày 10/4/2012 của Hội Nông dân tỉnh với các cấp Hội và Đảng ủy, chính quyền xã đã thành lập Ban Chỉ đạo 26 xã gồm 18 đồng chí do đồng chí Phó Chủ tịch UBND làm Trưởng ban, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã làm Phó ban, đại diện các ban chuyên môn như Tư pháp, địa chính, văn hóa thông tin và lãnh đạo các tổ chức đoàn thể của xã tham gia thành viên. Hội Nông dân xã đã tham mưu để UBND và Hội Nông dân xã ký kết Quy chế phối hợp hoạt động, Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Để bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở tại mô hình, Ban Chỉ đạo đã tiến hành tổ chức 02 lớp tập huấn về kiến thức pháp luật, nghiệp vụ kỹ năng hòa giải, điều hành hoạt động câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” cho 110 người tham dự là cán bộ xã, thôn, thành viên Câu lạc bộ, tuyên truyền viên, cộng tác viên pháp luật của các thôn. Ban Chỉ đạo đã phối hợp mở 06 lớp học tập pháp luật cho hội viên, nông dân tại 06 thôn với hơn 300 học viên tham gia.

Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo 26 đã tham mưu để Ủy ban xã ra Quyết định thành lập Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” với 52 thành viên do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm Chủ nhiệm. Câu lạc bộ đã xây dựng được Quy chế tổ chức, hoạt động, được trang bị tủ sách với hơn 100 đầu sách pháp luật. Câu lạc bộ đã tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng, nội dung xoay quanh việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước như Luật Đất đai, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Giao thông đường bộ, các Nghị định của Chính phủ về thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Quy chế phối hợp thực hiện Pháp lệnh để bà con nắm được và chấp hành nghiêm túc góp phần giữ gìn trật tự, an toàn trên địa bàn xã.

Bên cạnh các nội dung sinh hoạt về phổ biến pháp luật, Câu lạc bộ còn chủ động lồng ghép để hướng dẫn  cho hội viên, nông dân những kiến thức cơ bản về khoa học kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi, canh tác cây trồng theo hướng đầu tư hợp lý, bền vững nhằm tăng sản lượng, tăng năng suất giúp bà con có thu nhập ổn định hơn, hướng tới xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.

Công tác tổ chức các buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật đến từng thôn, làng cũng được Ban Chỉ đạo quan tâm, ít nhất mỗi tháng có một thôn được nghe cán bộ tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, pháp luật nhất là những văn bản mới liên quan thiết thực đến nông dân, năm 2012 đã tổ chức 11/11 thôn, làng của xã cho 2.670 lượt người tham dự. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo duy trì đều đặn việc cung cấp thông tin pháp luật đến bà con qua hệ thống loa truyền thanh, phối hợp với ngành tư pháp tổ chức các đoàn công tác trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật tới từng thôn, làng.

Kết hợp với hoạt động hòa giải của 11 tổ hòa giải, Ban Chỉ đạo và Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” đã tích cực tham gia cùng chính quyền tiếp và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân tại mô hình. Năm 2012, Ban Chỉ đạo đã tiếp nhận 15 đơn giải quyết khiếu nại, tố cáo trong đó hòa giải thành 13 vụ việc, 2 vụ đang xem xét giải quyết. Nội dung các đơn thư tập trung chủ yếu đến tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình và các chế độ chính sách khác. Ngoài ra còn hàng chục vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ được các tổ hòa giải hòa giải thành ngay tại cộng đồng. Từ đó giúp cho cán bộ, hội viên nông dân hiểu rõ hơn về trách nhiệm với cộng đồng, củng cố tình đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ hỗ trợ nhau trong lao động, sản xuất để cùng phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Qua một năm xây dựng mô hình điểm thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ tại xã Đăk Dục đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của bà con, nông dân tạo tiền đề phát huy quyền làm chủ, sáng tạo tích cực trong phát triển xây dựng kinh tế, góp phần để cán bộ và nhân dân xã Đăk Dục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IV và các mục tiêu kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của xã.

                                                                                      Minh Thư

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp