Ninh Bình tích cực tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân
14:24 - 25/02/2013
Trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã xác định việc tham gia tiếp dân, hoà giải và giải quyết KNTC của nông dân là góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn tạo môi trường lành mạnh để nông dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.

Để thực hiện tốt công tác tiếp dân, Hội Nông dân đã phối hợp với chính quyền các cấp trong việc tiếp và đối thoại với nông dân. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đã phân công 1 đồng chí uỷ viên Ban Thường vụ tham gia tiếp dân một buổi trong tuần tại trụ sở tiếp công dân của tỉnh. Cấp huyện và cơ sở căn cứ vào tình hình thực tế khi có các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp mời đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân cùng tham gia tiếp dân. Nhìn chung việc cán bộ Hội tham gia tiếp dân đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội trong việc tuyên truyền, giải thích cho nông dân nắm và hiểu đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời hướng dẫn nông dân thực hiện đúng pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Đối với những nội dung mà nông dân đề nghị đúng pháp luật thì Hội Nông dân có ý kiến tham mưu với cấp uỷ, chính quyền để có hướng giải quyết kịp thời.

Công tác hoà giải cũng được các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đặc biệt coi trọng, đặc biệt là hoà giải trước, trong và sau khiếu kiện. Trong quá trình thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, Hội Nông dân các cấp đã lấy công tác hoà giải tại cơ sở là nhiệm vụ quan trọng. Phát huy thế mạnh của tổ chức Hội, đó là vừa rộng khắp, vừa gần gũi sâu sát, có uy tín với nông dân, Hội Nông dân cơ sở đã kịp thời phát hiện mâu thuẫn mới phát sinh, tâm lý của từng đối tượng để có hình thức hoà giải cho phù hợp. 10 năm qua các cấp Hội đã tham gia hoà giải được 3.901 vụ việc mâu thuẫn, trong đó các cấp Hội trực tiếp hoà giải thành 1.303 vụ, phối hợp tham gia với các ngành, các cấp hoà giải thành 1.334 vụ, còn 1.264 vụ hoà giải không thành. Đối với những vụ việc hoà giải không thành, hoặc vụ việc khiếu kiện phức tạp, đông người, theo tinh thần Chỉ thị 26, các cấp Hội tiếp tục theo sát quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Từ đó kết hợp giữa công tác vận động thuyết phục của Hội với biện pháp hành chính của chính quyền, chú trọng hoà giải trong và sau khiếu kiện. Nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp Hội vừa tham gia cùng Chính quyền giải quyết, vừa kiên trì hoà giải đạt hiệu quả, điển hình như Hội Nông dân xã Quang Sơn (thị  xã Tam Điệp) đã hoà giải thành công 12 vụ tranh chấp đất đai trong nội bộ nông dân, Hội Nông dân xã Gia Thịnh (Gia Viễn) trực tiếp hoà giải thành công 17 vụ, phối hợp hoà giải 12 vụ tranh chấp đất đai, mất đoàn kết trong nội bộ nông dân.

Các cấp Hội tích cực tuyên truyền giáo dục PL cho cán bộ, hội viên, nông dân thông qua nhiều hình thức phổ biến giáo dục pháp luật như sinh hoạt chi tổ Hội, sinh hoạt câu lạc bộ nông dân với pháp luật, tủ sách pháp luật, phát hành tờ rơi, tờ gấp, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, phát hành bản tin công tác Hội. Nội dung pháp luật được các cấp Hội tập trung phổ biến có liên quan trực tiếp đến nội dung khiếu kiện và pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Công tác trợ giúp pháp lý cũng được quan tâm và đẩy mạnh, Hội Nông dân phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý của Sở Tư pháp tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã có nhiều khó khăn, vùng dân tộc. Các hội thi được tổ chức rộng khắp ở các cấp Hội với nội dung phong phú, đa dạng phù hợp với bản sắc văn hoá của địa phương, nội dung các cuộc thi phần lớn do hội viên, nông dân tự biên, tự diễn trên cơ sở tình hình vi phạm pháp luật tại địa phương, vừa phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả vừa tạo phong trào thi đua tìm hiểu pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của hội viên, nông dân. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng đã chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng những điển hình tốt trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật và vận động nông dân chấp hành pháp luật. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật từng bước giúp hội viên, nông dân hiểu và thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hạn chế khiếu kiện sai và vượt cấp ở địa phương. Ở một số địa phương do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên mặc dù phải thu hồi nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp nhưng không có tình trạng khiếu kiện vượt cấp, đông người tiêu biểu như tại xã Khánh Thành, Khánh Phú (Yên Khánh), xã Trường Yên, xã Ninh Hải (Hoa Lư), xã Quang Sơn (thị xã Tam Điệp), xã Mai Sơn (Huyện Yên Mô), phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình).

Thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, Hội Nông dân các cấp có trách nhiệm tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Bằng những việc làm cụ thể như tuyên truyền, vận động, tư vấn pháp luật, hoà giải, thời gian qua các cấp Hội trong toàn tỉnh đã tích cực tham gia cùng với chính quyền, các ngành giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo của nông dân. Điển hình như Hội Nông dân xã Khánh Phú (Yên Khánh) cả xã có 1.400 hộ với 362 ha đất nông nghiệp nhưng khi thực hiện dự án xây dựng khu công nghiệp đã thu hồi 310 ha, Hội đã cùng chính quyền thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức học nghề và xây dựng 4 HTX ngành nghề cho 500 lao động, đối với 06 hộ nông dân không nhận tiền đền bù Hội đã cùng chính quyền vận động thuyết phục, vì vậy 100% các hộ đều nhận tiền đền bù.

Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 26 tại Ninh Bình đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về pháp luật cho nông dân, hoà giải các mâu thuẫn trong nội bộ nông dân góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nông dân, hạn chế khiếu kiện sai, khiếu kiện vượt cấp, đông người. Từ đó vận động nông dân thực hiện tốt Pháp lệnh dân chủ cơ sở góp phần  giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn. Công tác Hội và phong trào nông dân phát triển, hoạt động của Hội ngày càng thiết thực hơn, uy tín của Hội ngày càng được khẳng định.

 

Phương Anh

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp