Lâm Đồng: gắn chặt tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hòa giải ở cơ sở
Trong 10 năm qua, Hội Nông dân các cấp tỉnh Lâm Đồng đã trực tiếp hòa giải thành là 4.772/14.576 vụ việc; tham gia hòa giải thành 4.120/6.074 vụ việc; tổ chức 13.412 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với 715.568 lượt nông dân tham dự. Trong đó, có 9.388 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Là một tỉnh miền núi Nam Tây nguyên, Lâm Đồng có khoảng 1,2 triệu người với hơn 22% là đồng bào dân tộc thiểu số. Về đối tượng chính sách toàn tỉnh có trên 10 ngàn người; tỷ lệ hộ nghèo khoảng 9,1%, riêng đồng bào dân tộc còn dưới 25,64%, tập trung nhiều nhất ở các xã đặc biệt khó khăn và vùng sâu, vùng xa.
Theo số liệu tổng hợp của địa phương, bình quân hằng năm toàn tỉnh có trên 3.000 đơn phát sinh giải quyết, trong đó số lượng đơn khiếu nại liên quan đến nông dân là 95% chủ yếu lĩnh vực đất đai có 79,2% trong đó có từ 48-60% đơn khiếu nại có nội dung sai sự thật, không đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Sở dĩ có tình trạng như vậy, có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan nhưng phải kể đến đó là: công tác quản lý Nhà nước về đất đai ở một số địa phương còn buông lỏng, để xảy ra nhiều sai phạm. Khi thu hồi đất của dân để làm dự án nhiều nơi chưa làm đúng trình tự, thủ tục, thiếu công khai, minh bạch, dân chủ. Sở dĩ có tình trạng này là do trong một số trường hợp số tiền bồi thường, hỗ trợ chưa đủ để nông dân bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn ở nơi cũ, nhất là quỹ đất tái định canh cho đồng bào dân tộc sau khi thu hồi ở Lâm Đồng còn rất khó khăn. Việc tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo và công tác hòa giải ở cơ sở, nhất là công tác hòa giải ở thôn, khu phố chưa được quan tâm đúng mức.
Căn cứ vào trình độ nhận thức pháp luật và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nông dân, kết hợp với tình hình thực tế ở một số địa phương có nông dân khiếu kiện hoặc nơi dự báo có khả năng khiếu kiện đông người do việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng liên quan đến hỗ trợ, đền bù, tái định cư… Hội Nông dân tỉnh có kế hoạch chỉ đạo cho Hội Nông dân huyện, thành Hội xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác PBGDPL. Theo tinh thần đó, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, đồng thời báo cáo về Trung ương Hội Nông dân Việt Nam để triển khai thực hiện.
Để công tác PBGDPL có hiệu quả, ngoài hình thức tổ chức thông qua các hội nghị, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật theo kế hoạch hàng năm. Các cấp Hội đã áp dụng nhiều hình thức PBGDPL khác như thông qua sinh hoạt chi, tổ hội; sinh hoạt câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”; qua công tác hòa giải; qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật như: Hội thi kiến thức nhà nông và pháp luật có hơn 500 cuộc, hội thi bằng hình thức sân khấu hóa từ cấp chi hội trở lên với trên 100 ngàn lượt cán bộ, hội viên tham dự. Nội dung các cuộc thi do nông dân tự biên tự diễn trên cơ sở xuất phát từ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của mỗi địa phương.
Đồng thời, Hội Nông dân các cấp lấy công tác hòa giải tại cơ sở làm nhiệm vụ trọng tâm. Phát huy thế mạnh của tổ chức Hội, với ưu thế vừa gần gũi sâu sát, có uy tín với nông dân. Hội Nông dân cơ sở kịp thời phát hiện mâu thuẫn mới phát sinh, tâm lý từng đối tượng để có hình thức hòa giải phù hợp. Đồng thời kiên trì vận động, thuyết phục với nhiều hình thức hòa giải phù hợp như dựa trên tình làng nghĩa xóm, qua đối thoại trực tiếp, qua sinh hoạt chi, tổ hội, qua người có uy tín với đối tượng và phối hợp với chính quyền, các đoàn thể để tổ chức hòa giải. Trong đó, tập trung hòa giải tại chi, tổ hội, kịp thời giải quyết mâu thuẫn ngay tại thôn, buôn, khu phố. Trong 10 năm qua, Hội Nông dân các cấp đã trực tiếp hòa giải thành là 4.772/14.576 vụ việc; tham gia hòa giải thành 4.120/6.074 vụ việc. Hội Nông dân tham gia cùng các đoàn thể, ban ngành chức năng củng cố, kiện toàn hệ thống tổ Hòa giải và đội ngũ hòa giải viên đến nay toàn tỉnh có 244 ban hòa giải, 1.937 tổ hòa giải và 9.994 hòa giải viên cơ sở, tất cả đều có Hội Nông dân cơ sở tham gia.
Phối hợp phổ biến tuyên truyền pháp luật trong quá trình tham gia hòa giải hoặc giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân đã được các cấp Hội đặc biệt đẩy mạnh đó là các buổi tuyên truyền pháp luật, từ năm 2002-2011, các cấp Hội Nông dân tổ chức 13.412 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với 715.568 lượt nông dân tham dự. Trong đó, có 9.388 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc với 500.897 lượt cán bộ, hội viên nông dân tham dự, chiếm tỷ lệ 69,9%, các nội dung PBGDPL là những quan hệ pháp luật thiết thực liên quan đến nông dân.
Song song với công tác phổ biến giáo dục pháp luật, các cấp Hội Nông dân Lâm Đồng đã đẩy mạnh, từng bước xây dựng và hình thành hệ thống tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý từ tỉnh xuống cơ sở Hội. Theo đó, năm 2005 Hội Nông dân tỉnh thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật, làm nòng cốt trong công tác TGPL, nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về pháp luật trong hội viên, nông dân. Thời gian qua, ngoài việc tổ chức TGPL tại chỗ và lưu động hàng năm theo kế hoạch, Hội Nông dân tỉnh đã thường xuyên thực hiện chương trình TVPL qua hệ thống phát thanh của Đài PTTH tỉnh với định kỳ 1 lần/tuần. Căn cứ vào đơn yêu cầu của nông dân, thông qua bản tin công tác Hội, Hội Nông dân tỉnh đã mở chuyên mục “Nông dân hỏi - Bản tin trả lời” phát hành định kỳ 3 tháng/lần. Đối với Hội Nông dân các huyện, thành phố và cơ sở, công tác TGPL cho nông dân được thực hiện qua các hình thức như: TGPL trực tiếp khi nông dân có yêu cầu hoặc thông qua mạng lưới cộng tác viên, đặc biệt là chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân với phòng Tư pháp địa phương và các tổ TGPL thuộc Sở Tư pháp đóng chân trên các địa bàn.Vì vậy từng bước đã giúp hội viên, nông dân hiểu và thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần làm hạn chế vấn đề khiếu kiện sai và vượt cấp ở địa phương, giúp hội viên nông dân tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.
Kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý từ năm 2002- 2011 các cấp Hội đã tổ chức 501 cuộc tư vấn và trợ giúp pháp lý được 25.945 vụ việc cho 26.144 lượt người có nhu cầu. Các nội dung cần TGPL chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai chiếm 72%; chế độ chính sách 7%, tranh chấp hợp đồng 2%, hôn nhân gia đình 5%, còn lại là các lĩnh vực khác. Đối tượng được trợ giúp là cán bộ, hội viên, nông dân có 21.598 lượt (trong đó hội viên là đồng bào dân tộc là 10.929 người) chiếm tỷ lệ 82,6% so với số lượt người có nhu cầu TGPL.
Như vậy, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy, sự phối hợp của các ngành và sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền các cấp tại địa phương, Hội Nông dân Lâm Đồng đã chủ động, tích cực triển khai, thực hiện công tác hòa giải gắn liền với công tác tuyên truyền PBGDPL với nhiều hình thức đa dạng phong phú. Tích cực thực hiện công tác hòa giải trước, trong và sau khiếu kiện, những mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nông dân cố gắng giải quyết ngay từ cơ sở, chi tổ hội. Tăng cường công tác TGPL cho nông dân theo các hình thức trợ giúp lưu động của Trung tâm TVPL Hội Nông dân tỉnh, qua chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân với Sở Tư pháp. Đến nay, Hội Nông dân Lâm Đồng đã và đang là địa điểm tin cậy của cán bộ, hội viên, nông dân trong các quan hệ tranh chấp pháp lý, tìm hiểu pháp luật, góp phần tích cực cùng với chính quyền trong việc ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Phương Linh