Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 26, chính quyền và Hội Nông dân các cấp chú trọng công tác hòa giải tại cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm. Toàn tỉnh đã thành lập 996 tổ hòa giải, với 5.016 hòa giải viên trong 10 năm đã hòa giải thành 6.938 vụ việc, góp phần bảo đảm trật tự xã hội ở nông thôn, hạn chế tối đa việc khiếu kiện vượt cấp.
Hội Nông dân các cấp đã phối hợp ngành Tư pháp áp dụng nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên, nông dân như sinh hoạt chi tổ Hội, sinh hoạt Câu lạc bộ nông dân với pháp luật, phát hành tờ rơi, tờ gấp, công tác hòa giải, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, bản tin công tác Hội. 10 năm qua đã tổ chức được 34.647 cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với 879.362 lượt hội viên, nông dân. Nội dung pháp luật được các cấp Hội tập trung phổ biến có liên quan trực tiếp đến nội dung khiếu kiện và pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Các quy định pháp luật được biên soạn dưới dạng hỏi đáp, tình huống, qua đó đã giúp cán bộ, hội viên, nông dân dễ đọc, dễ hiểu và dễ vận dụng; đã phát hành hàng ngàn tài liệu tuyên truyền pháp luật, xây dựng tủ sách pháp luật với trên 50.000 đầu sách.
Năm 2011, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp ngành Tư pháp, Thanh tra tỉnh chỉ đạo tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức sân khấu hóa với chủ đề “Cán bộ Hội cơ sở với pháp luật khiếu nại, tố cáo”. Hội thi đã được tổ chức từ cấp huyện đến cấp tỉnh; Hội thi cấp Huyện với gần 150 câu hỏi trắc nghiệm, gần 100 lượt câu hỏi về tình huống, trên 100 bài thuyết trình với nội dung về Luật khiếu nại, tố cáo, Pháp lệnh hòa giải, Pháp lệnh dân chủ xã, phường, thị trấn, Chỉ thị 26 và Công văn 1502 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn 7383 và Quyết định 2982 của UBND tỉnh, nhằm mục đích làm cho cán bộ Hội cơ sở nâng cao nhận thức về pháp luật khiếu nại, tố cáo và nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân có kết quả. Có hàng ngàn cổ động viên là cán bộ, hội viên, nông dân vừa đến cổ động cho Hội thi, vừa đến nghe tuyên truyền về pháp luật khiếu nại, tố cáo. Hội thi cấp tỉnh được tổ chức thực sự là ngày hội tuyên truyền pháp luật khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, hội viên, nông dân.
Công tác tư vấn pháp luật được đẩy mạnh, từng bước xây dựng và hình thành hệ thống tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý theo Nghị định 65/NĐ-CP của Chính phủ. Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với ngành Tư pháp trợ giúp pháp lý và phổ biến pháp luật cho nông dân qua Trung tâm trợ giúp pháp lý với 123 cộng tác viên, 18 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đã thu hút trên 5.400 lượt người sinh hoạt. Trong 10 năm, Trung tâm trợ giúp pháp lý của Sở Tư pháp đã phối hợp Hội Nông dân trợ giúp 13.000 vụ việc với trên 15.000 hội viên, nông dân được trợ giúp; tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã có nhiều khó khăn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc được 350 đợt với 8.618 lượt hội viên, nông dân. Từng bước giúp hội viên, nông dân hiểu và thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hạn chế khiếu kiện không đúng quy định của pháp luật và vượt cấp ở địa phương.
Hội Nông dân xã thành lập các Câu lạc bộ nông dân với pháp luật. Đến nay, hệ thống này đã đi vào hoạt động bước đầu có hiệu quả, đã thành lập trên 43 CLB nông dân với pháp luật. Xây dựng mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên tại thôn, bản. Mời cộng tác viên, tuyên truyền viên tham gia thành viên Câu lạc bộ nông dân với pháp luật, là lực lượng cốt cán góp phần giữ gìn an ninh chính trị ở nông thôn. Đây là một kênh thông tin giúp Hội nhận và phản ánh kịp thời với Đảng và Nhà nước về tình hình nông dân, nông nghiệp, nông thôn.
Phối hợp với Thanh tra tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết Liên tịch số 813/2008/NQLT-TTCP-BTTTƯMTTQVN-TƯHNDVN giữa Thanh tra Chính phủ - UBMT TQ Việt Nam - Hội Nông dân Việt Nam trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật khiếu nại, tố cáo cho nông dân ở cơ sở, đã hướng dẫn các xã, phường, thị trấn tổ chức trên 600 buổi tuyên truyền, phát hành 24.800 tờ rơi và phát thanh trên hệ thống truyền thanh cơ sở trên 3.500 lần về Luật khiếu nại, tố cáo.
Thực hiện Chỉ thị 26, UBND các cấp đã ra quy chế phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp tiếp nông dân đến khiếu nại, tố cáo theo định kỳ. Có nơi như xã Cam Hòa (Cam Lâm), UBND phối hợp với Hội tổ chức đối thoại, giải đáp những vướng mắc, khiếu nại của nông dân, hình thức giải quyết công khai này được nông dân đồng tình, ủng hộ. Một số địa phương như Cam Ranh, Nha Trang, Vạn Ninh khiếu kiện đông người tập trung tại trụ sở tiếp dân và các cơ quan Đảng và Nhà nước ở địa phương và tỉnh, UBND các huyện phối hợp cùng với Hội Nông dân vận động thuyết phục nông dân trở về địa phương để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, nhiều nơi, UBND tham khảo ý kiến của Hội Nông dân trước khi ra quyết định giải quyết và giao cho cơ quan chức năng phối hợp cùng Hội vận động, thuyết phục nông dân có khiếu kiện thực hiện các quyết định đúng của cấp có thẩm quyền.
Ngành Thanh tra đã phối hợp với Hội Nông dân trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Hội được tham gia Đoàn thanh tra xác minh vụ việc cụ thể, làm rõ đúng sai và có chính kiến đề xuất giải quyết các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, các cơ quan thanh tra vừa giải quyết, các cấp Hội vận động thuyết phục đối tượng chấp hành đúng luật khiếu nại, tố cáo. Theo báo cáo của ngành Thanh tra, trong 10 năm qua có 13.968 vụ việc khiếu nại, tố cáo của nông dân; các cơ quan Nhà nước đã giải quyết xong 13.915 vụ.
Với vai trò trách nhiệm, Hội Nông dân các cấp của tỉnh Khánh Hòa tiếp tục nâng cao nhận thức, thực hiện Chỉ thị 26 và Công văn 1502 của Thủ tướng Chính phủ; là cơ sở pháp lý để Hội Nông dân thực hiện chức năng là tổ chức đại diện nông dân, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân; vừa là nội dung hoạt động thiết thực của Hội gắn bó với nông dân, để nông dân tự nguyện gia nhập Hội và đóng góp xây dựng Hội vững mạnh.
Quốc Công