Long An tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân
Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, chính quyền và các ngành chức năng luôn tạo điều kiện cho các cấp Hội tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Khi có các vụ việc khiếu nại liên quan đến nông dân thì chính quyền mời Hội Nông dân cùng tham gia giải quyết.
Hội Nông dân tỉnh Long An thực hiện tốt nhiệm vụ của mình khi được mời tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, luôn nghiên cứu kỹ hồ sơ, nắm vững tình hình phát sinh khiếu nại để làm cơ sở nói lên chính kiến của mình, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nông dân. Đồng thời, Hội cũng nắm bắt tình hình mâu thuẫn trong nội bộ nông dân để tiến hành hòa giải tại chi, tổ Hội hoặc báo cáo Tổ hòa giải tiến hành hòa giải không để phát sinh thành khiếu nại.
Kết quả từ năm 2002 đến nay, các vụ việc khiếu nại, tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh là 22.201 vụ, đã giải quyết 19.032 vụ. Qua thụ lý giải quyết khiếu nại, tranh chấp ở cấp tỉnh cho thấy kết quả giải quyết khiếu nại, tranh chấp ở cấp huyện từ năm 2002 cho đến năm 2011 thì tỷ lệ giải quyết đúng chiếm 86,35%; giải quyết sai chiếm 11,8%; giải quyết có đúng có sai chiếm 11,85%. Như vậy, từng bước địa phương áp dụng đúng quy định pháp luật về đất đai khi xem xét giải quyết khiếu nại tranh chấp của nhân dân, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Bên cạnh, Hội Nông dân các cấp trực tiếp tham gia hòa giải mâu thuẫn của 2.133 cán bộ, hội viên, nông dân; tham gia hòa giải thành 32.277/37.969 vụ mâu thuẫn tranh chấp trong nông dân; phối hợp giải quyết 13.588/16.581 trường hợp khiếu nại tranh chấp trong nông dân.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo cho Sở Tư pháp phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hướng dẫn cho Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn củng cố kiện toàn về tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở. Theo đó, mỗi Tổ hòa giải có ít nhất 01 thành viên là Hội Nông dân. Hội Nông dân khi có yêu cầu thì Hội xem xét giới thiệu những cán bộ, hội viên, nông dân tiêu biểu, có uy tín, nhiệt tình, tích cực và tâm huyết với tổ chức Hội và có kiến thức pháp luật để tham gia vào các Tổ hòa giải.
Hiện nay toàn tỉnh có 1.058 Tổ hòa giải với 6.879 hòa giải viên, trong đó có 1.083 thành viên Hội Nông dân. Hàng năm, Phòng Tư pháp huyện, thành phố thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng hòa giải cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên. Xây dựng, củng cố đội ngũ hòa giải viên đủ về số lượng và từng bước đáp ứng yêu cầu chất lượng khi tham gia hòa giải các mâu thuẫn phát sinh tại địa phương. Trong 10 năm qua, các Tổ hòa giải đã tổ chức hòa giải thành được 10.968/13.872 vụ thụ lý, đạt tỷ lệ 79,07%. Các cấp Hội phối hợp với các ngành ở địa phương tổ chức hòa giải thành 32.277/37.969 các vụ mâu thuẫn tranh chấp trong nông dân. Trong đó Hội trực tiếp nhận hòa giải thành 2.133 vụ mâu thuẫn nhỏ trong nội bộ nông dân.
Tuyên truyền, vận động hội viên nông dân giới thiệu những người có uy tín, nhiệt tình, tâm huyết với tổ chức Hội tham gia vào các Ban hòa giải ở xã, Tổ hòa giải ở ấp để cùng hòa giải các mâu thuẫn trong nông dân.
Khi phát sinh mâu thuẫn, cán bộ Hội Nông dân chủ động nắm tình hình kịp thời, nắm chắc được nguyên nhân, bản chất của vụ việc và tâm tư nguyện vọng của từng đối tượng, trên cơ sở các quy định pháp luật và đạo đức xã hội vừa có lý có tình để vận động HVND tự hòa giải tại chi, tổ Hội góp phần giữ tình đoàn kết xóm làng. Chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong việc hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ nông dân; những mâu thuẫn nhỏ phải được hòa giải tại cơ sở, không để khiếu kiện vượt cấp.
Hội Nông dân các cấp tham gia hòa giải trong các giai đoạn trước, trong và sau khiếu kiện. Khi phát sinh mâu thuẫn Hội tiến hành hòa giải, vận động các bên tự hòa giải. Sau khi có quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyền thì Hội vận động các bên thực hiện nghiêm chỉnh nội dung quyết định trên.
Ngoài ra, qua khảo sát thực trạng về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở của Ban Quản lý dự án phát triển tư pháp của Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada đã chọn địa bàn huyện Thủ Thừa làm điểm của dự án và đã tổ chức tập huấn được 03 đợt trong năm 2011.
Công tác tiếp dân đã được Ủy ban nhân dân cấp xã và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quan tâm. Chính quyền các cấp đã bố trí phòng tiếp dân tại trụ sở làm việc của Ủy ban nhân dân các cấp. Khi nông dân đến khiếu nại, tố cáo hoặc kiến nghị thì Ủy ban nhân dân tạo điều kiện cho Hội Nông dân cùng tham gia tiếp, giải thích, hướng dẫn nông dân góp phần tạo điều kiện cho nông dân tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Kết quả, Hội Nông dân đã tham gia với chính quyền và phối hợp cùng các ngành, chức năng tổ chức tiếp 16.581 lượt công dân, Hội Nông dân cơ sở tiếp 2.730 lượt cán bộ, hội viên, nông dân.
Qua triển khai thực hiện Chỉ thị 26, trình độ nhận thức của cán bộ Hội từng bước được nâng lên, phát huy được vai trò của tổ chức Hội trong việc chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên, nông dân. Cán bộ Hội từ tỉnh đến cơ sở tích cực tham gia vào công tác tiếp dân, hoà giải và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Chính quyền và các ngành chức năng luôn quan tâm tạo điều kiện cho Hội Nông dân tham gia giải quyết trên tinh thần khách quan, dân chủ, đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật góp phần giảm bớt tình trạng khiếu nại kéo dài, khiếu nại vượt cấp.
Phương Ngân