Để Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ đạt kết quả cao, Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình đã làm tốt công tác phối hợp với các ngành liên quan, đẩy mạnh tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến với hội viên, nông dân. Qua đó thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng làng, bản, tiểu khu văn hóa, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Với ngành Thanh tra
Thông qua chương trình phối hợp giữa Thanh tra và Hội Nông dân tỉnh, trong 10 năm qua đã tổ chức 1.363 hội nghị tập huấn thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tuyên truyền phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo với hơn 11 vạn lượt người tham dự.
Ở huyện, thành phố và cơ sở đã tổ chức 1.353 hội nghị về bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, hướng dẫn quy trình, nghiệp vụ tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo cho cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Biên soạn, cung cấp 4.543 bộ tài liệu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho các sở, ban, ngành, huyện, thành phố và cơ sở theo Đề án 3-212/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; phát hành hơn 66 ngàn tờ gấp và đăng tải các tài liệu pháp luật về khiếu nại, tố cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân nói chung, nông dân nói riêng.
Chủ trì tham gia giải quyết nhiều vụ việc khiếu nại tố cáo của công dân, nhất là các vụ việc hòa giải không thành và các vụ việc đã được giải quyết ở cơ sở mà người khiếu nại tố cáo chưa đồng thuận; các vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp, kéo dài và thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, cấp tỉnh...Các vụ khiếu nại của nông dân có nội dung liên quan đến đất đai, bình quân hàng năm chiếm 41,6% tổng số lượt đơn khiếu nại. Các vụ khiếu nại, tố cáo của nông dân đều được chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra liên ngành do Thanh tra làm trưởng đoàn, các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ nên hàng năm đã giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đạt trên 90% vụ việc trở lên, góp phần tích cực vào sự ổn định tình hình trong nội bộ nhân dân nói chung, nông dân nói riêng, làm hạn chế việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp.
Nhìn chung, các vụ khiếu nại, tố cáo của nông dân đã được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra liên ngành, trong đó có Hội Nông dân tham gia nên việc giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài đã có kết quả tốt.
Với ngành Tài nguyên và Môi trường
Tổ chức nhiều đợt tập huấn về pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, khoáng sản cho hơn 2.332 lượt người tham gia, gồm cán bộ địa chính xã, tổ hòa giải ở cơ sở.
Tập huấn Luật Đất đai năm 2003, mở 200 lớp với hơn 12 ngàn lượt cán bộ, hội viên nông dân tham gia. Biên soạn và phát hành tờ rơi, tờ gấp về những quy định mới liên quan đến quyền của người sử dụng đất, về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; quy định về giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai, gồm 14 đợt với số lượng trên 35 ngàn tờ.
Năm 2006, cùng với Hội Nông dân tỉnh, Sở Tư pháp tổ chức Cuộc thi tìm hiểu Luật Đất đai năm 2003, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005. Cuộc thi đã thu hút hàng chục ngàn cán bộ, hội viên nông dân tham gia. Qua cuộc thi đã góp phần giúp cho nông dân hiểu biết rộng rãi về Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường.
Phối hợp với Hội Nông dân tỉnh xây dựng các văn bản tham mưu cho Ủy ban nhân tỉnh về lĩnh vực: dồn điền, đổi thửa, về giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp, triển khai dự án về môi trường.
Công tác hòa giải trong nội bộ nông dân liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, chủ yếu trong lĩnh vực tranh chấp đất đai, môi trường, khoáng sản luôn được quan tâm. Sở đã cử cán bộ có trình độ, năng lực phối hợp với cán bộ Hội Nông dân các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, thuyết phục và vận động quần chúng tự giác chấp hành. Qua 10 năm đã tham gia hòa giải trên 200 vụ về lĩnh vực môi trường, gần 200 vụ về tranh chấp đất đai; việc tổ chức hòa giải được thực hiện có lý, có tình nên nhiều công dân, trong đó đại bộ phận là nông dân đã hiểu rõ quyền và nghĩa vụ hợp pháp của công dân, đã tự nguyện rút đơn, góp phần hạn chế việc khiếu nại, tố cáo.
Với ngành Tư pháp
Sở Tư pháp với vai trò cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh và cơ quan thường trực của Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, đã tích cực tham mưu cho Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác PBGDPL từng giai đoạn. Ngoài ra, Sở Tư pháp đã cùng với Hội Nông dân tỉnh ký kết chương trình phối hợp số 476/KHPH-TP-ND ngày 03/7/2002 về thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý theo tinh thần Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ.
Công tác tuyên truyền: Trong 10 năm qua, Sở đã biên soạn và in ấn 3.000 quyển sách Hỏi đáp pháp luật; 1.200 quyển Hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; trên 20.000 Bản tin pháp luật; 9.000 cuốn Bản tin Tư pháp số chuyên đề “về xử lý vi phạm hành chính và phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí”; biên soạn, in ấn và chuyển phát trên 200.000 tờ gấp, gần 10.000 đĩa CD tuyên truyền và các loại tạp chí khác để trang bị không thu tiền cho các đối tượng, trong đó chủ yếu cung cấp cho tủ sách pháp luật cấp xã; mở 50 hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tập huấn nghiệp vụ PBGDPL (trong đó có 5 hội nghị được tổ chức tại Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”) cho hơn 5000 lượt lượt báo cáo viên, hòa giải viên các cấp, trong đó chủ yếu là cơ sở.
Công tác trợ giúp pháp lý: Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động trợ giúp pháp lý, trong đó đối tượng chủ yếu là cán bộ, hội viên nông dân. Cụ thể, đã tiếp nhận và trợ giúp pháp lý tại văn phòng được 21.549 vụ việc, trợ giúp pháp lý lưu động được 3.726 vụ việc (chủ yếu liên quan đến đất đai, chế độ chính sách) cho hàng chục ngàn lượt người. Phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện tốt việc xây dựng, tổ chức thực hiện cũng như sửa đổi hương ước, quy ước ở các thôn, bản, tiểu khu. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.197 hương ước, quy ước và thực hiện sửa đổi 524 hương ước, quy ước.
Qua gần 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành luôn tạo điều kiện thuận lợi để các cấp Hội Nông dân đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, phát huy hơn nữa việc thực hiện chức năng của các cấp Hội Nông dân là đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của hội viên, nông dân; tham gia giải quyết khiếu kiện của nông dân đảm bảo đúng pháp luật, góp phần ổn định trật tự xã hội ở địa bàn nông thôn.
Thu Hà