Long An: UBND tỉnh tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 26
09:43 - 25/04/2012
Mức độ công nghiệp hóa và đô thị hóa phát triển của tỉnh Long An ngày càng nhanh đã làm cho giá trị đất đai tăng lên. Các mâu thuẫn tranh chấp đất đai ngày càng nhiều, nhất là các vụ khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về thu hồi, điều chỉnh Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tranh chấp đất đai trong thân tộc, tranh chấp bờ ranh, bờ thửa; khiếu nại về bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân các cấp xây dựng chương trình phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật; cử cán bộ tham gia tiếp công dân và Hội trực tiếp tiếp HVND, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của nông dân; lựa chọn những cán bộ, HVND có kiến thức pháp luật, uy tín, nhiệt tình và tâm huyết với Hội tham gia hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ nông dân. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho cán bộ, HVND; chỉ đạo các ngành phối hợp với Hội Nông dân trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tổ chức nhiều đoàn phúc tra, thanh tra để thẩm tra, xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo của nông dân, nhất là các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp… Thành lập đoàn xem xét giải quyết khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, trong đó cán bộ Hội Nông dân tham gia với tư cách là thành viên đoàn.

Thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/-UBTVQH.11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 11, Ủy ban nhân dân cùng Hội Nông dân các cấp ký kết quy chế phối hợp, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân và của Hội Nông dân các cấp. Qua đó, Ủy ban nhân dân các cấp đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh đến quần chúng nhân dân. Từ đó, nhân dân thực hiện theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Từ năm 2003 đến nay, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh đã hỗ trợ tạo điều kiện cho Hội Nông dân tỉnh xây dựng 5 mô hình điểm thực hiện Chỉ thị 26 ở 5 xã (thị trấn Hiệp Hòa- huyện Đức Hòa, xã Tân Kim- huyện Cần Giuộc, xã Long Trạch- huyện Cần Đước, xã Nhị Thành- huyện Thủ Thừa, xã Thuận Nghĩa Hòa- huyện Thạnh Hóa). Khi xây dựng mô hình điểm, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Huyện ủy, Ủy ban nhân dân và Hội Nông dân cấp huyện chọn các xã có những bức xúc về khiếu nại của nông dân để làm điểm, chỉ đạo thực hiện đúng các bước theo sự hướng dẫn của Trung ương Hội.

Hội Nông dân và Ban Chỉ đạo 26 của các xã điểm đã thành lập được 05 Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật có 187 thành viên là cán bộ Hội Nông dân, một số Ban, ngành ở xã và nhóm cộng tác viên ở chi, tổ Hội tham gia. Ủy ban nhân dân xã đã ra quyết định thành lập Ban chủ nhiệm các Câu lạc bộ, có từ 7 đến 9 thành viên do Chủ tịch Hội Nông dân làm Chủ nhiệm. Ban chủ nhiệm có xây dựng quy chế và hoạt động đúng theo quy chế. Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật tổ chức mở các lớp tập huấn kỹ năng quản lý, điều hành hoạt động Câu lạc bộ cho các thành viên. Câu lạc bộ pháp luật của 05 xã điểm đều tổ chức sinh hoạt theo quy chế mỗi tháng sinh hoạt 01 lần, mỗi lần sinh hoạt Câu lạc bộ, Ban chủ nhiệm đều có kế hoạch, mời người hướng dẫn sinh hoạt, các thành viên tham gia tương đối đầy đủ. Nội dung sinh hoạt đa dạng, phong phú đã thu hút đông đảo HVND tham gia.

Hội Nông dân các huyện, thành phố cũng xây dựng 25 mô hình điểm phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật như: xã Long Khê, Long Hòa, Tân Trạch và Mỹ Lệ (huyện Cần Đước); xã An Thạnh (huyện Bến Lức); xã Bình Lãng (huyện Tân Trụ ); xã Lộc Giang (huyện Đức Hòa); xã Long Thuận (huyện Thủ Thừa), xã Mỹ Thạnh Tây (huyện Đức Huệ)… Đồng thời cũng xây dựng được 186 Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật, mỗi câu lạc bộ có từ 30 đến 45 thành viên, trang bị gần 200 tủ sách, kệ sách pháp luật đặt tại các Chi hội để thuận tiện cho nông dân tìm hiểu, học tập.

Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành Thanh tra, Tư pháp chủ động phối hợp với Hội Nông dân các cấp tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng công tác hoà giải cho đội ngũ cán bộ ban chấp hành, cộng tác viên, tuyên truyền viên 186 cơ sở với hơn 400 cán bộ tiếp dân của các huyện, thành phố, Sở ngành và Chủ tịch Hội Nông dân các cấp. Hội Nông dân cấp huyện phối hợp với ngành Thanh tra, Tư pháp cấp huyện tổ chức 345 lớp tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, công tác hòa giải cho cán bộ HVND có 13.569 lượt người dự. Trang bị 190/190 tủ sách pháp luật ở xã phường, thị trấn phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân.

10 năm qua, các cấp Hội trong toàn tỉnh đã phối hợp với ngành Thanh tra, Tư pháp tổ chức được 109.908 cuộc tuyên truyền phổ biến pháp luật có 3.405.695 lượt hội viên, nông dân dự. Hội trực tiếp tuyên truyền qua các lần sinh hoạt chi, tổ Hội được 10.249 cuộc với hơn 1.000.000 lượt HVND dự. Trang bị gần 200 tủ sách, túi sách pháp luật tại các chi, tổ hội; cung cấp sổ tay truyên truyền phổ biến pháp luật, Bản tin nội bộ nông dân và trên 200.000 tờ rơi để cán bộ, HVND nghiên cứu tìm hiểu pháp luật.

Công tác phối hợp, tuyên  truyền  pháp luật  thông qua  hình thức trợ giúp

pháp lý được chú trọng. Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thuộc Sở Tư pháp đã tiến hành 260 cuộc trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã, thị trấn trong tỉnh; trực tiếp tư vấn, giải đáp vướng mắc về pháp luật cho 6.376 lượt Hội viên của các tổ chức đoàn thể, đối tượng chính sách người nghèo, người có công với cách mạng, trong đó có nhiều đối tượng là HVND. Nội dung trợ giúp, giải đáp chủ yếu là những vướng mắc pháp luật của nhân dân về đất đai, hộ tịch, hộ khẩu, hôn nhân gia đình, chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, chính sách xã hội đối với người có công… Hội Nông dân cấp huyện và cơ sở đã phối hợp trợ giúp pháp lý được 157 cuộc có 26.482 lượt người tham gia. Đã thành lập được 32 Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý gồm 228 thành viên, trong đó có 32 cán bộ, HVND tại các xã, phường, thị trấn.

Các huyện, thành phố cũng phối hợp với Phòng Tư pháp, Thanh tra huyện mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền phổ biến pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho cán bộ chủ chốt của Hội Nông dân cơ sở được 108 lớp với 7.313 lượt người dự, phát hành 255.474 tài liệu phổ biến pháp luật cho cán bộ, HVND.

Trong giải quyết tranh chấp đất đai, Ủy ban nhân dân các cấp cũng xác định công tác đối thoại, hòa giải các vụ tranh chấp đất đai trước khi chính quyền quyết định là rất quan trọng góp phần rất lớn trong việc chấm dứt khiếu nại tại cơ sở, các khiếu nại tranh chấp đất đai trong nội bộ nông dân, không khiếu kiện vượt cấp, đông người gây mất an ninh trật tự ở địa phương. Vì vậy, các cơ quan chức năng đã phối hợp với Hội Nông dân cấp huyện, xã khi tổ chức xác minh các khiếu nại tranh chấp đất đai có liên quan đến quyền lợi của nông dân trước khi tham mưu Ủy ban nhân dân các cấp để giải quyết tranh chấp đất đai có liên quan đến nông dân.

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 26, trình độ nhận thức của cán bộ Hội Nông dân tỉnh Long An từng bước được nâng lên, phát huy được vai trò của tổ chức Hội trong việc chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của cán bộ HVND. Cán bộ Hội từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Các vấn đề tranh chấp khiếu nại, tố cáo liên quan đến nông dân, chính quyền và các ngành chức năng đã quan tâm tạo điều kiện cho Hội Nông dân tham gia giải quyết trên tinh thần dân chủ, khách quan, bảo đảm đúng theo các quy định của pháp luật góp phần giảm bớt tình hình tranh chấp khiếu nại kéo dài, khiếu nại vượt cấp.

                                                                Xuân Quang

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp