Thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, Hội Nông dân tỉnh Hà Giang đã thành lập Ban chỉ đạo, ký kết các chương trình phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên & Môi trường, Thanh tra tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác hoà giải và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Sau 10 năm thực hiện chỉ thị, tỉnh Hội đã xây dựng được 5 xã làm điểm chỉ đạo, các huyện, thành Hội mỗi đơn vị xây dựng từ 1 đến 2 xã làm điểm chỉ đạo. Thông qua các mô hình điểm chỉ đạo để nhân rộng việc triển khai, thực hiện chỉ thị 26 đảm bảo đúng quy định, có nề nếp, đi vào chiều sâu, xây dựng và thành lập được các câu lạc bộ "Nông dân tìm hiểu pháp luật"… nhìn chung các điểm chỉ đạo duy trì tốt hoạt động, làm giảm đáng kể đơn thư, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm hơn, nên đã làm giảm tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp của hội viên nông dân; công tác hoà giải ở cơ sở được chú trọng, đã hoà giải thành trên 15.000 vụ việc trong các lĩnh vực thuộc tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình… góp phần ổn định tình hình an ninh - chính trị và an toàn xã hội trên địa bàn.
Trong những năm qua các cấp hội trong tỉnh, đặc biệt là cấp huyện và cơ sở đã chủ động phối hợp với chính quyền cơ sở và các ngành chức năng của huyện, như: Thanh tra; Tài nguyên & môi trường, Tư pháp… tập trung giải quyết tốt những vụ việc khiếu nại, tố cáo có liên quan đến hội viên, nông dân. Số vụ việc ghi nhận: 150 vụ; số người: 250. Lĩnh vực khiếu kiện được giải quyết chủ yếu là: tranh chấp đất đai, thu hồi đền bù đất đai, tranh chấp dân sự, ô nhiễm nguồn nước, hôn nhân gia đình... Nhìn chung các vụ việc được giải quyết theo quan điểm các đương sự được nghe đại diện các cơ quan chức năng giải thích, phân tích trên cơ sở pháp luật, từ đó làm rõ việc đúng, sai của mỗi bên, qua đó đương sự hiểu được việc làm của mình và chấp hành theo kết luận giải quyết.
Hội Nông dân các cấp đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: truyên truyền miệng được hơn 300 buổi với 10.600 lượt người tham gia học tập; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật được 20 cuộc, trong đó có cuộc thi: Nhà nông tìm hiểu pháp luật đất đai; tìm hiểu về kiến thức và pháp luật Tài nguyên, Môi trường… đã thu hút được nhiều cán bộ, hội viên, nông dân tham gia. Thành lập được 12 câu lạc bộ "Nông dân tìm hiểu pháp luật", tổ chức tuyên truyền được trên 100 buổi với hàng nghìn lượt người tham gia học tập. Qua phương tiện thông tin đại chúng phối hợp với Báo Hà Giang, Đài phát thanh truyền hình tỉnh xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền pháp luật cho nông dân như: chuyên mục hỏi đáp pháp luật trên sóng phát thanh truyền hình, Bạn của nhà nông... Ngoài ra Hội Nông dân tỉnh còn đưa các nội dung tuyên truyền pháp luật vào bản tin công tác Hội để làm tài liệu cho cơ sở tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật. Thực hiện tốt công tác hoà giải cơ sở, hoạt động của các tổ hoà giải và hoà giải viên ở cơ sở đã tham gia hoà giải thành trên 15.000 vụ việc, nhìn chung trong quá trình hoà giải các hoà giải viên đã kết hợp công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật của Nhà nước.
Trong 10 năm qua, các cấp Hội trong tỉnh luôn quan tâm xác định và chấp hành tốt việc quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện chỉ thị 26 gắn với việc triển khai thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, vì những nội dung này đều chi phối, điều chỉnh và liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ trực tiếp của hội viên nông dân. Các cấp Hội đã tổ chức quán triệt trong Ban chấp hành các cấp về học tập, nghiên cứu và tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, hội viên, nông dân về những nội dung trọng tâm của chỉ thị 26 cũng như của Quy chế dân chủ ở cơ sở, từ đó vận động hội viên, nông dân tự giác chấp hành nghiêm túc, đã làm tăng thêm hiệu quả thực hiện của các chương trình, mục tiêu, làm cho đời sống chính trị, văn hoá tinh thần của hội viên, nông dân được nâng lên, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, thôn bản được giữ vững, ổn định.
Qua 10 năm triển khai thực hiện chỉ thị 26, Hội Nông dân Hà Giang rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Một là: Các cấp uỷ Đảng, Chính quyền cần quan tâm lãnh, chỉ đạo xây dựng những cơ chế, quy chế cụ thể và phù hợp khung pháp lý để Hội Nông dân các cấp có cơ sở thực hiện trực tiếp và phối hợp thực hiện có hiệu quả vào việc tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến hội viên, nông dân.
Hai là: công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo là việc làm thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành. Để phối hợp, tạo điều kiện cho Hội Nông dân tham gia có hiệu quả chương trình, kế hoạch ký kết phải cụ thể, chi tiết, có mục tiêu, tiêu chí cụ thể, trong quá trình triển khai thực hiện các bên phải cùng nhau tiến hành kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết,… để chương trình đi vào đời sống, đem lại hiệu quả thiết thực cho Hội viên nông dân, giải quyết được các yêu cầu thực tế đòi hỏi cũng như nội dung mà chỉ thị 26 đề ra.
Ba là: Đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý phải được lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; làm tốt việc tập hợp, thu hút được đông đảo các công tác viên tham gia. Thường xuyên xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ cộng tác viên cơ sở thông qua các loại hình như: Câu lạc Bộ "nông dân tìm hiểu pháp luật", tuyên truyền viên pháp luật, trợ giúp pháp lý, tổ hoà giải…
Hà Phương