Trong những năm qua, tại Hải Dương do tác động của quá trình CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn đã nảy sinh nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó tình hình khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp mà số đông là nông dân đã trở thành vấn đề bức xúc, có nơi, có lúc trở thành điểm nóng, phức tạp gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn.
Trước tình hình đó, các cấp chính quyền, ngành chức năng và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ cùng giải quyết ổn định tình hình, trong đó có vai trò tích cực của các cấp Hội Nông dân. Từ khi có Chỉ thị 26/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hội Nông dân đã chủ động tham gia giải quyết KNTC với tư cách là tổ chức đại diện cho quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nông dân, là chỗ dựa vững chắc của chính quyền các cấp.
Trong quá trình thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Hội đặc biệt coi trọng công tác hoà giải mâu thuẫn trong nội bộ nông dân ở cơ sở với phương châm: các mâu thuẫn vướng mắc được giải quyết kịp thời ngay tại gia đình, tại cơ sở. Để công tác hoà giải ở cơ sở đạt hiệu quả, cán bộ Hội phải nghiên cứu, tìm hiểu cụ thể nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, sử dụng các phương pháp hoà giải linh hoạt, có sức thuyết phục cao, thông qua các hình thức: dựa trên tình làng nghĩa xóm, anh em thân tộc, qua sinh hoạt chi tổ Hội, qua người có uy tín với đối tượng và phối hợp với chính quyền, các đoàn thể để tổ chức hoà giải.
Hội Nông dân cùng với MTTQ, các đoàn thể thường xuyên sâu sát địa bàn khu dân cư, nắm bắt cụ thể những mâu thuẫn trong nội bộ nông dân, kịp thời vận động, giải thích, hoà giải những xích mích, tranh chấp không để xảy ra vụ việc phức tạp. 10 năm qua, 1348 tổ hoà giải ở các cơ sở đã hoà giải tổng số 12.323 vụ việc, trong đó HND trực tiếp hoà giải 1825 vụ việc và hoà giải thành 1151, phối hợp với MTTQ, các đoàn thể tham gia hoà giải 10.498 vụ việc, hoà giải thành 8083. Nội dung các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp ở cơ sở chủ yếu là các vấn đề liên quan đến mâu thuẫn gia đình, mốc cõi, đất đai… việc hoà giải diễn ra cả ở các cơ sở và chi, tổ Hội, điển hình như HND xã Gia Xuyên (Gia Lộc) phối hợp hoà giải được 14/17 vụ mâu thuẫn tại địa phương trong đó có 1 đơn kiến nghị của 12 hộ không đồng tình với việc phân chia đất của Ban chỉ đạo "dồn ô đổi thửa" của xã. Sau khi xem xét cụ thể, thấy việc phân chia như vậy là đúng, tổ hoà giải, Ban chấp hành Hội cơ sở đến từng nhà có tên ký trong đơn gặp gỡ, giải thích, thuyết phục, 12 hộ đã tự nguyện rút đơn, chấp hành Nghị quyết của xã và của Ban chỉ đạo. Từ những việc làm cụ thể thiết thực đã khẳng định hoạt động của các tổ hoà giải ở cơ sở góp phần tích cực vào việc ổn định tình hình nông thôn. Thông qua công tác hoà giải, cán bộ Hội cơ sở được trưởng thành hơn: nắm bắt và am hiểu về chính sách pháp luật, có kinh nghiệm trong công tác vận động nông dân và ở những cơ sở làm tốt công tác hòa giải vai trò và uy tín của cán bộ Hội được khẳng định, nâng cao.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội là bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của nông dân, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đã tích cực tham gia cùng chính quyền, các ngành chức năng trong việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân. Cán bộ chủ chốt của Hội từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên tham gia tiếp dân cùng các cấp chính quyền và các ngành chức năng. Cơ quan Hội Nông dân tỉnh có phòng tiếp dân, các cơ sở thường trực tiếp hội viên, nông dân tại trụ sở Hội 2 ngày trong tuần theo lịch cụ thể; 100% cơ quan Hội các cấp đều có sổ theo dõi tiếp dân. Mười năm qua, các cấp Hội đã trực tiếp và tham gia tiếp dân được 8776 buổi cho 16.518 lượt người, chủ động giải quyết những đơn thư thuộc thẩm quyền và chuyển đơn thư tới các cấp chính quyền, ngành chức năng theo đúng quy định pháp luật. Qua công tác tiếp dân giúp cán bộ Hội thường xuyên nắm bắt tình hình khiếu nại tố cáo và diễn biến tư tưởng của nông dân, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nông dân đồng thời tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
Song song với việc tiếp dân, các cấp Hội đã thực hiện tốt việc trực tiếp và tham gia giải quyết đơn thư KNTC. Tính đến nay, Hội Nông dân các cấp đã trực tiếp nhận và giải quyết 121 đơn của cán bộ, hội viên về những vấn đề liên quan đến quản lý tài chính của Hội, những quy định trong tổ chức và hoạt động của Hội. Phối hợp cùng chính quyền, các ngành chức năng tiếp nhận 861 đơn thư và đã giải quyết 588 đơn khiếu nại, tố cáo của hội viên, nông dân về các vấn đề liên quan đến việc tranh chấp đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng... số còn lại chuyển cơ quan đúng thẩm quyền giải quyết. Điển hình như việc Hội Nông dân thành phố Hải Dương sau khi nhận được ý kiến phản ánh của hội viên, nông dân ở các khu dân cư số 5, 15, 16 phường Thanh Bình phản đối việc thu hồi 10,6 ha đất nông nghiệp của 50 hộ dân, khi chưa giải quyết đền bù xong cho người dân nhưng Công ty Thương mại Nam Cường đã cho đơn vị thi công san lấp mặt bằng gây bất bình cho các hộ dân. Sau khi xuống xem xét cụ thể, Hội Nông dân thành phố đã cùng Hội Nông dân phường Thanh Bình kết hợp với các ban ngành, đoàn thể vận động hội viên, nông dân thực hiện đúng chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, chủ trương của tỉnh về việc thu hồi đất, đồng thời Hội Nông dân thành phố làm văn bản kiến nghị với các cơ quan chức năng của tỉnh, của thành phố chỉ đạo đơn vị thi công tạm dừng việc san lấp để hoàn thiện thủ tục, thực hiện đền bù cho nông dân theo đúng quy định của pháp luật. Việc làm kịp thời của Hội Nông dân thành phố Hải Dương đã góp phần giữ ổn định tình hình nông thôn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho hội viên, nông dân.
Trong quá trình thực hiện Chỉ thị 26, cùng với việc tham gia giải quyết KNTC của nông dân, các cấp HND trong tỉnh có nhiều biện pháp góp phần ổn định tình hình ở nhiều điểm phức tạp, như tạo điều kiện cho các hộ không có đất sản xuất vay vốn để phát triển chăn nuôi, học nghề… Trung tâm Dạy nghề & GTVL Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 16 lớp dạy nghề ngắn hạn về chăn nuôi thú y, may công nghiệp, tin học, thêu ren cho 545 hộ thuộc diện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cho các khu công nghiệp, tạo việc làm tại chỗ, chuyển sang các hoạt động ngành nghề góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình; các lớp dạy nghề phi nông nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm giúp cho 80% nông dân sau đào tạo có việc làm. Song song với việc dạy nghề cho nông dân, các cấp Hội tạo điều kiện về nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân với tổng dư nợ là 2,5 tỷ cho nông dân các cơ sở không còn đất sản xuất nông nghiệp như Liên Hồng, Lương Điền, Cao An, Kim Lương, Ứng Hoè, Nguyên Giáp, Lai Vu… Thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực đã giúp hội viên, nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm và hoà nhập cuộc sống khi không còn đất nông nghiệp để canh tác.
Từ thực tế 10 năm thực hiện Chỉ thị 26, các cấp HND tỉnh Hải Dương đã rút ra những bài học kinh nghiệm như sau:
Một là: Cán bộ Hội phải thường xuyên nắm bắt diễn biến tư tưởng của nông dân, kịp thời tuyên truyền, phân tích thấu tình đạt lý, hoà giải thành những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh ngay từ cơ sở; vận động, thuyết phục nông dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Hai là: Việc giải quyết khiếu nại tố cáo phải khách quan, kiên trì, mềm dẻo. Nghiên cứu xem xét từng vụ việc, từng đối tượng ở trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể, làm rõ đúng sai, có chính kiến rõ ràng, đề xuất kiến nghị với Đảng, Chính quyền giải quyết. Bên cạnh đó Hội phải làm tốt công tác vận động, thuyết phục nông dân thi hành các Quyết định, Kết luận sau thanh tra.
Ba là: Để giải quyết tốt tình trạng khiếu nại tố cáo của nông dân, ổn định trật tự xã hội nông thôn, các cấp chính quyền cần tạo điều kiện để HND tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân. Những việc diễn ra tại địa phương cơ sở (đền bù, giải toả...) liên quan đến quyền lợi của nông dân, cán bộ HND phải được biết, được tham gia ngay từ đầu, tránh tình trạng khi xảy ra tình hình phức tạp mới mời Hội vào tham gia giải quyết.
Bốn là: Cán bộ Hội phải tự học tập nâng cao trình độ, trau dồi kiến thức pháp luật, nâng cao nghiệp vụ hoà giải cùng với MTTQ và các đoàn thể tăng cường hoạt động của tổ hoà giải, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đơn thư khiếu nại tố cáo, khiếu kiện đông người vượt cấp.
Năm là: Phải thực hiện tốt Pháp lệnh dân chủ cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nông dân; thực hiện dân chủ công khai trong giải quyết khiếu nại tố cáo, thực hiện sự công bằng bình đẳng ở nông thôn. Tăng cường kỷ cương, có biện pháp xử lý thích đáng đối với những người lợi dụng dân chủ, tố cáo sai sự thật nhằm gây rối, bất ổn định ở nông thôn.
Sáu là: Xây dựng Hội vững mạnh, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có đủ phẩm chất, uy tín, trình độ và năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Hồng Ngọc