Đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt CLB Nông dân với PL.
16:09 - 02/07/2012
Hữu Định là một trong ba xã cửa ngõ của tỉnh Bến Tre, nằm cách Trung tâm hành chính của huyện Châu Thành khoảng 6km về phía Đông, thừa hưởng hơn 3km chiều dài thuộc quốc lộ 60 đường vào Trung tâm thành phố Bến Tre. Là xã thuần nông có diện tích tự nhiên 1.358,47ha, diện tích đất nông nghiệp 1.163,37ha. Trong đó đất trồng lúa 356ha, đất trồng màu 108,5ha, đất trồng dừa 627ha, đất trồng ca cao xen dừa 13ha, đất trồng các loại cây ăn trái 13,13ha. Toàn xã có 5 ấp, 92 tổ nhân dân tự quản có 2452 hộ với 8092 nhân khẩu. Đa số sống bằng nghề nông, lao động phổ thông, kinh doanh dịch vụ, TTCN và buôn bán nhỏ.

Sau khi tiếp thu tinh thần Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ do huyện tổ chức vào ngày 29/5/2002. UBND xã Hữu Định tổ chức triển khai kế hoạch quán triệt trong nội bộ và có kế hoạch phối hợp với Hội Nông dân xã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 26 đi vào hoạt động được một thời gian, sau đó do có sự thay đổi nhân sự của các ngành, đoàn thể, chính quyền và tổ chức Hội Nông dân nên công tác thực hiện Chỉ thị 26 của xã không còn hoạt động.

Năm 2010 trở về trước do tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh như giải phóng mặt bằng để xây dựng nhiều công trình trọng điểm của Tỉnh, mở rộng nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch đi qua địa bàn của xã, làm cho một bộ phận người dân bị mất đất sản xuất, di dời nhà ở, chính sách chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho người dân bị thu hồi đất thực hiện chưa rõ ràng, nhất là đối với những hộ bị giải tỏa trắng, giá cả đền bù chưa hợp lý, một số người dân thiếu hiểu biết về pháp luật, do quá bức xúc nên dẫn đến khiếu kiện tập trung đông người.

Trước tình hình đó, Đảng ủy và Chính quyền địa phương luôn quan tâm và tạo điều kiện cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật lồng ghép trong các cuộc họp của các ngành, đoàn thể, sinh hoạt ở các chi, tổ Hội, tổ NDTQ. Đồng thời tích cực tham gia hòa giải nhiều vụ tranh chấp khiếu kiện về đất đai, tranh chấp lối đi, thừa kế… nhưng trong quá trình thực hiện vẫn vòn nhiều lúng túng, thiếu giải pháp đồng bộ, nên vẫn còn bộc lộ những mặt hạn chế trong công tác phối hợp giữa chính quyền, các ngành chức năng và tổ chức Hội.

Năm 2011 xã Hữu Định được Hội Nông dân Trung ương và tỉnh chọn làm xã điểm xây dựng mô hình thực hiện Chỉ thị 26 và Công văn số 1502 của Thủ tướng chính phủ gắn với pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, ngày 26/4/2011 Thường trực tỉnh uỷ có công văn số 3631/TU đồng ý xây dựng mô hình điểm tại xã Hữu Định. Sau khi tiếp nhận tinh thần kế hoạch của BTV Hội Nông dân tỉnh, BTV Hội nông dân huyện, Hội nông dân xã tiến hành xây dựng kế hoạch tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã tổ chức Hội nghị triển khai vào ngày 16/3/2011, có 40 đại biểu cấp xã, BTV Hội ND huyện, Ban chỉ đạo Chỉ thị 26 Hội Nông dân tỉnh tham dự nhằm quán triệt nội dung, mục đích, yêu cầu của kế hoạch. UBND xã ban hành quyết định thành lập BCĐ thực hiện Chỉ thị 26 ở xã Hữu Định gồm có 13 đồng chí do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, Chủ tịch Hội Nông dân xã làm Phó ban thường trực, lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể, chi hội trưởng các ấp làm thành viên. Đồng thời tiến hành kiện toàn CLB nông dân, thành CLB Nông dân với pháp luật của xã Hữu Định với tổng số 58 thành viên. Sau đó tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng tổ chức điều hành CLB cho 420 cán bộ Hội, cộng tác viên, tuyên truyền viên pháp luật, ban, ngành, đoàn thể xã, ấp. Ban chủ nhiệm CLB đã chủ động mời Phòng tuyên truyền Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre, Trung tâm phòng chống AIDS, Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống ma túy Tỉnh trực tiếp làm thúc đẩy viên, tuyên truyền viên trong tổ chức sinh hoạt CLB.

Đa dạng các hình thức sinh hoạt CLB Nông dân với pháp luật, CLB tập trung vào việc phổ biến Luật Đất đai, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng chống ma túy, chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, chế độ chính sách với người có công, chính sách đối với hộ nghèo. Hoạt động của CLB theo hình thức sinh hoạt nhiều nội dung, hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ “Cây nhà lá vườn” do chính hội viên, nông dân tự biên, tự diễn, hái hoa dân chủ, diễn tiểu phẩm, xây dựng tủ sách pháp luật tạo không khí vui vẻ trong các buổi sinh hoạt, không bị khô cứng, dễ nhớ, dễ hiểu nên bà con rất hào hứng. Qua đó, đã tổ chức được 10 cuộc có 517 người tham dự đã được nâng cao nhận thức pháp luật, nhiều vướng mắc được trao đổi, giải quyết. Nhiều thành viên CLB cho biết tham gia CLB họ được nâng cao nhận thức pháp luật, để tuân thủ pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, biết cách ứng xử với các trường hợp vi phạm pháp luật.

Nếu như thời điểm từ năm 2001 đến đầu năm 2010 phát sinh 234 vụ tranh chấp khiếu kiện về đất đai có liên quan đến nông dân, trong đó Hội Nông dân tham gia hòa giải thành 197 vụ tranh chấp lối đi, 37 vụ về dân sự. Sau khi CLB đi vào hoạt động đến nay, số vụ việc liên quan đến tranh chấp khiếu kiện đã giảm từ 47 vụ của năm 2010 xuống còn 33 vụ, trong đó đất đai 11 vụ, ranh đất 7 vụ, hôn nhân gia đình 6 vụ, tranh chấp khác 10 vụ. Hàng tháng tổ chức đối thoại với nông dân 2 buổi, qua đó kịp thời nắm bắt tâm tự nguyện vọng chính đáng của hội viên, nông dân để kịp thời phản ánh, đề xuất với UBND tiếp dân và đề xuất các ý kiến đến nông dân thuộc thẩm quyền của UBND xã nhằm đảm bảo thực hiện tốt pháp lệnh dân chủ cơ sở.

Qua 01 năm xây dựng mô hình điểm thực hiện Chỉ thị 26 vị trí vai trò của Hội Nông dân trong việc tham gia, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân được nâng lên rõ rệt, nông dân luôn tin tưởng vào tổ chức Hội, các ngành, đoàn thể được củng cố, công tác phối hợp được chặt chẽ, đồng bộ hiệu quả hơn trong việc phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý hòa giải tranh chấp khiếu kiện của nông dân. Các cấp Hội luôn xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân là nhiệm vụ trọng tâm của Hội, nhằm nâng cao trình độ nhận thức pháp luật cho nông dân, hướng dẫn cho nông dân thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần hạn chế khiếu nại, tố cáo của nông dân do thiếu hiểu biết về pháp luật, nhẹ dạ cả tin, dễ bị kẻ xấu lợi dụng kích động, xúi giục dẫn đến khiếu kiện đông người. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật được gắn với các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, sinh hoạt CLB “Nông dân với pháp luật” và các hoạt động của Hội.

Qua thực hiện Chỉ thị 26 các cấp Hội đã được nâng một bước về nhận thức Chỉ thị, coi Chỉ thị 26 này là cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho Hội Nông dân thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình là bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho hội viên, nông dân. Qua kết quả xây dựng mô hình thực hiện Chỉ thị 26 và Công văn số 1502 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện để Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân ta thấy; Cần có sự quan tâm lãnh chỉ đạo của Đảng ủy, UBND và sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành và đoàn thể trong hệ thống chính trị, nhất là sự phối hợp giữa UBND và Hội Nông dân trong việc thực hiện mô hình CLB Nông dân với pháp luật được duy trì sinh hoạt và có hướng nhân rộng.

Qua tiếp thu Chỉ thị 26 đã giúp cho hội viên, nông dân nâng cao về nhận thức, hiểu rõ về chủ trương của Đảng, Nhà nước, quyền và trách nhiệm của người nông dân. Đối với cán bộ thì thể hiện qua sự tham gia phân tích đối với những vụ việc có liên quan trong nội bộ nông dân, hòa giải phân tích cho đối tượng thông hiểu và có sự nhận thức tốt, chủ trương, pháp luật góp phần làm hạn chế đơn thư, khiếu kiện không để xảy ra điểm nóng cũng như đơn thư vượt cấp. Đối với hội viên, nông dân sự nhận thức hiểu biết thêm về luật, có những vụ việc không đúng thì tự bàn bạc thương lượng với nhau, không tranh cãi, những việc có liên quan, khó khăn thì được cán bộ phân tích hướng dẫn và tự hàn gắn với nhau, hạn chế được những vấn đề đơn thư vượt tuyến trên.

 

Diễm Thùy

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp