Trước khi có Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ tình hình khiếu nại, tố cáo của nông dân Nghệ An có xu hướng ngày càng tăng, nhiều vụ việc kéo dài vượt cấp mà chủ yếu là khiếu nại về đất đai; nhiều vụ việc giải quyết không dứt điểm nên dẫn đến mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự nông thôn.
Thực hiện Chỉ thị 26, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp chặt chẽ với ngành Thanh tra trong việc hướng dẫn tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ Hội Nông dân, Thanh tra nhân dân các cấp. Hội Nông dân được tham gia phối hợp tiếp công dân từ tỉnh xuống cơ sở; các báo cáo về tình hình tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân định kỳ được gửi tới Hội Nông dân; các đoàn thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến nông dân đều có thành viên Hội Nông dân tham gia, Hội còn được tham gia ý kiến, nguyện vọng và tham gia giải quyết, các khiếu nại, tố cáo của nông dân. Nhờ vậy nhiều vụ việc phức tạp đã trở nên đơn giản hơn, tình hình nông dân, nông thôn yên hơn, hạn chế đơn thư vượt cấp và khiếu kiện đông người.
Hội Nông dân thường xuyên phối hợp với ngành Tư pháp tổ chức tập huấn cho cán bộ Hội từ tỉnh đến cơ sở về các chính sách liên quan trực tiếp đến nông dân, nông thôn như: Pháp luật về khiếu nại tố cáo, đất đai, dân sự, hôn nhân gia đình, công tác hòa giải cơ sở, kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý. Phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật cấp huyện, rà soát và kiện toàn lại đội ngũ hòa giải hòa giải viên cơ sở đảm bảo mỗi tổ hòa giải đều có sự tham gia của hội viên nông dân cơ sở, chỉ đạo trung tâm trợ giúp pháp lý cho đối tượng là nông dân, trong những năm qua trung tâm đã trợ giúp trên 33.948 vụ việc cho gần 505.392 đối tượng là nông dân trên địa bàn tỉnh.
Những năm gần đây, Nghệ An ưu tiên tập trung đầu tư khá nhiều các công trình, dự án phải lấy mặt bằng từ nguồn quỹ đất nông nghiệp nên đã dẫn đến tình trạng tranh chấp khiếu kiện của nông dân. Vì vậy, công tác tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý cho hội viên, nông dân được xem là nội dung trọng tâm của Hội. Hội đã cử cán bộ tham gia đoàn tuyên truyền pháp luật đến tận bản, làng để tuyên truyền cho người dân thông hiểu những quy định của pháp luật, tuyên truyền vận động hội viên nông dân tin tưởng và làm theo chủ trương của Đảng và nhà nước, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật.
Song song đó, Hội còn triển khai thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở tới đông đảo hội viên, nông dân; kiến nghị với chính quyền công khai cho dân biết những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nông dân như: quy hoạch sử dụng đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, quản lý thu chi các nguồn quỹ, phương án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp… Đối với các dự án thu hồi nhiều diện tích đất nông nghiệp, UBND các cấp luôn mời đại diện Hội Nông dân cùng cấp tham gia ý kiến ngay từ đầu và giám sát quá trình thực hiện dự án, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nông dân, hạn chế đến mức thấp nhất việc phát sinh khiếu nại, tố cáo ở địa phương. Thực tế quá trình tham gia ý kiến vào các dự án thu hồi nhiều diện tích đất nông nghiệp, Hội Nông dân luôn là cầu nối giữa hội viên, nông dân với chính quyền, chủ dự án đầu tư và các cơ quan chức năng, cụ thể Hội Nông dân thực hiện một số công việc như: cử cán bộ Hội có phẩm chất đạo đức, tư cách tốt, nắm vững chính sách pháp luật và có kinh nghiệm để tham gia, đóng góp từ khâu khảo sát dự án, về cách thức và chính sách hỗ trợ, đền bù, tái định cư, giải quyết việc làm; lắng nghe, tiếp thu ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân có diện tích đất bị thu hồi để phản ánh với chính quyền và các ban, ngành có liên quan; cùng chính quyền và các cơ quan chức năng tổ chức đối thoại với hội viên, nông dân một cách dân chủ công khai, làm rõ những nội dung còn vướng mắc.
Hầu hết các cơ sở hội đều chủ động cử cán bộ Hội có kinh nghiệm, uy tín, có trình độ lý luận và hiểu biết pháp luật tham gia vào các tổ, hội đồng hòa giải, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong nội bộ nông dân, quyết không để xảy ra mâu thuẫn gay gắt làm ảnh hưởng đến đời sống, an ninh trật tự ở địa phương. Trên cơ sở xây dựng mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, bảo đảm công tác hòa giải thấu tình đạt lý, 10 năm qua, Hội đã chủ động tổ chức hòa giải 13.773 vụ, trong đó hòa giải thành 11.939 vụ; tham gia hòa giải cùng các ban ngành, đoàn thể 19.863 vụ, hòa giải thành 17.880 vụ; giải quyết 1.226 vụ tranh chấp, khiếu kiện trong nông dân. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, bảo đảm đúng luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Việc thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở gắn với thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 26 của Hội Nông dân Nghệ An đã phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, củng cố niềm tin của người dân với Đảng, chính quyền, hạn chế các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nông dân, khẳng định hiệu quả công tác hòa giải “Giải quyết mâu thuẫn ngay tại gia đình, cơ sở” khách quan, dân chủ, đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật góp phần giảm bớt tình trạng khiếu nại kéo dài, khiếu nại vượt cấp.
Quang Huy