Hội ND tỉnh Lào Cai phối hợp với chính quyền và các ngành thực hiện có hiệu quả CT 26/TTg
Là một tỉnh vùng núi cao, biên giới, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh, trên 80 % dân số là nông dân. 10 năm trở lại đây, đã có hàng chục nghìn hộ nông dân mất đất sản xuất dẫn đến không có việc làm hoặc phải chuyển đổi nghề, đời sống khó khăn, từ đó tình hình khiếu kiện của nông dân ngày càng gia tăng. Nhưng do thực hiện tốt Chỉ thị 26/TTg nên tình hình khiếu kiện đã được kịp thời ổn định, không xuất hiện các điểm nóng kéo dài.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg ngày 09/10/2001 về “Tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo”; Quyết định số 197/QĐ-HND ngày 26/11/2001 của Trung ương Hội Nông dân việt Nam về việc “Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ”. Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 26 của tỉnh Lào Cai được thành lập, trong đó cấp tỉnh, Trưởng Ban là đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, thành viên gồm các ngành: Thanh tra, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Tài nguyên & Môi trường và Công an tỉnh. Hội Nông dân (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo) các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động tham mưu với UBND cùng cấp và phối hợp cùng các ngành chức năng giúp Ban chỉ đạo triển khai thực hiện. Thường trực Ban chỉ đạo tỉnh đã tổ chức lễ ký kết chương trình phối hợp giữa 6 ngành: Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên & môi trường, Sở Tài chính, Công an với Hội Nông dân tỉnh. Sau lễ ký kết các ngành đã có văn bản hướng dẫn ngành dọc thực hiện chương trình phối hợp. Ban chỉ đạo tỉnh đã chọn xã Bản Lầu, huyện Mường Khương làm điểm chỉ đạo của tỉnh.
Các cấp từ tỉnh đến cơ sở, mỗi khi có sự thay đổi nhân sự của chính quyền UBND và các ngành thành viên trong ban chỉ đạo thì các thành viên, Trưởng ban chỉ đạo đều được thay đổi bổ sung kịp thời, do vậy sự phối hợp trong Ban chỉ đạo vẫn duy trì hoạt động thường xuyên và có hiệu quả.
Từ sự phối hợp này, trong 10 năm qua các cấp Hội Nông dân Lào Cai đã tham gia tích cực vào việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nông dân góp phần tạo ra sự ổn định trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân; vị trí, vai trò của Hội Nông dân ngày càng được nâng lên. Có được những kết quả này, chính là có sự phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền và các ngành chức năng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp Hội Nông dân tham gia thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ. Sự phối hợp, tạo điều kiện cụ thể như sau:
* UBND các cấp: Thường trực Ban chỉ đạo phối hợp với các ngành thành viên tham mưu cho UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo tỉnh, hướng dẫn chỉ đạo các ngành, Ban chỉ đạo huyện, thành phố triển khai thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở. Tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, kế hoạch, dự án của tỉnh. Đồng thời các cấp chính quyền tập trung chỉ đạo củng cố các tổ hòa giải ở cơ sở, tăng cường số lượng hòa giải viên là các chi Hội trưởng chi Hội Nông dân và những hội viên có nhiều kinh nghiệm.
* Sở Tư pháp: Thường xuyên phối hợp với Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nông dân, tham gia đầy đủ các hoạt động theo kế hoạch hàng năm của Ban chỉ đạo. Căn cứ vào chương trình phối hợp, Sở Tư pháp đã thường xuyên tổ chức tập huấn cho các thành viên Ban chỉ đạo, Tổ thư ký cơ sở về các chính sách pháp luật liên quan trực tiếp đến nông dân, nông thôn như: Luật hình sự, Dân sự, Hôn nhân và gia đình, công tác hòa giải ở cơ sở, kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý. Rà soát và kiện toàn lại đội ngũ hòa giải viên cơ sở đảm bảo mỗi tổ hòa giải đều có sự tham gia của hội viên, nông dân cơ sở.
* Thanh tra tỉnh: Trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, Thanh tra tỉnh đã phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện để Thường trực Ban chỉ đạo 26 tham gia vào từng khâu của quá trình giải quyết. Đặc biệt là nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nông dân trong quá trình tiếp công dân cũng như giải quyết đơn thư có liên quan đến KNTC của nông dân; thường xuyên trao đổi trực tiếp với chính quyền và thường trực Ban chỉ đạo các cấp để kịp thời hướng dẫn biện pháp giải quyết, nhằm khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân. Nhiều vụ việc, đặc biệt là khiếu kiện đông người, phức tạp Thanh tra tỉnh tập trung giải quyết nhưng đồng thời chủ động phối hợp và tạo điều kiện để Thường trực Ban chỉ đạo hướng dẫn cách hòa giải, vận động thuyết phục đối tượng thực hiện đúng pháp luật hiện hành.
* Sở Tài nguyên & Môi trường: Đã phối hợp với Thường trực Ban chỉ đạo và các cấp chính quyền tham gia giải quyết KNTC của nông dân liên quan tới các lĩnh vực của ngành, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực đất đai, môi trường. Đây là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân; phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nông dân thông qua các lớp tập huấn, hàng năm Sở phối hợp với Hội Nông dân tổ chức các đợt tuyên truyền pháp luật với khoảng 500 lượt người tham dự. Tiếp nhận, xác minh, tổ chức đối thoại trực tiếp, giải quyết các ý kiến phản ánh của nông dân về chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, bồi thường các thiệt hại về cây cối, hoa màu do ảnh hưởng từ khí thải, nước thải…
* Sở Tài chính: Đã chủ động tham mưu giúp Ban chỉ đạo 26 tỉnh dự trù kinh phí hoạt động theo đúng chế độ tài chính hiện hành; phối hợp với Thường trực Ban chỉ đạo trong triển khai hướng dẫn Ban chỉ đạo 26 các cấp lập dự toán kinh phí hoạt động thực hiện Chỉ thị 26.
* Công an tỉnh: Đã chủ động tham mưu giúp Ban chỉ đạo tỉnh nắm tình hình khiếu kiện của nông dân, đặc biệt là những nơi có dấu hiệu khiếu kiện phức tạp, kịp thời ngăn chặn không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự đảm bảo ổn định chính trị, an toàn trong sản xuất và đời sống khu vực nông thôn, hạn chế thấp nhất những tình huống phức tạp, thường xuyên phối hợp với Hội Nông dân tỉnh cung cấp thông tin, phối hợp tuyên truyền vận động nông dân thực hiện đúng quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo. Trong 10 năm phối hợp tuyên truyền được 865 đợt với 1.224.725 lượt người tham gia, tiếp nhận và xử lý 6.648 đơn với 5.623 vụ việc, trong đó có 1.035 vụ khiếu nại, 745 vụ tố cáo, 3.843 đơn kiến nghị đề nghị, điển hình như các vụ tranh chấp đất đai có tính chất phức tạp, kịp thời chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ nắm bắt tình hình tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết ổn định tình hình. Ngoài ra với chức năng, nhiệm vụ của mình ngành Công an tích cực phối hợp vận động quần chúng tham gia giữ gìn an ninh trật tự nông thôn.
Từ sự phối hợp tạo điều kiện trên đây, Thường trực Ban chỉ đạo đã tiến hành xây dựng điểm chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 26 đầu tiên ở xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, sau đó xây dựng các điểm như xã Quang Kim (Bát Xát), phường Bình Minh (thành phố Lào Cai) và thị trấn Tằng Loỏng (huyện Bảo Thắng); các huyện, thành phố đã xây dựng được điểm chỉ đạo. Các điểm chỉ đạo đến nay đều là những điểm sáng về phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, trật tự an ninh xã hội được duy trì. Đến nay 9/9 huyện, thành phố xây dựng được 181 tủ sách pháp luật cho 164/164 xã và 17 chi Hội với số lượng 250 đầu sách/tủ, thành lập 133 câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”.
10 năm qua, toàn tỉnh tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật được 11.600 lớp. Trong đó: Cấp tỉnh: 1.968 lớp; cấp huyện 9.632; Tuyên truyền, phổ biến pháp luật 59.804 cuộc cho 1.953.913 hội viên, nông dân tham dự; Trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho 73.262 người; Phát 117.863 cuốn sổ tay PBPL, bản tin cho nông dân; Phát 22.650 tờ rơi, tờ gấp pháp luật đến hội viên, nông dân; Thi viết về tìm hiểu pháp luật được 47 cuộc; số người tham dự 102.816; Thi sân khấu hóa tìm hiểu pháp luật được 4 cuộc, số người tham dự thi 3.067. Năm 2009 Ban Chỉ đạo đã tổ chức cuộc thi “Nông dân Tìm hiểu Luật Khiếu nại, tố cáo và công tác hòa giải” trên sóng truyền hình Lào Cai, đã thu hút 164/164 xã, phường, thị trấn tham gia và trên 80% nông dân được học tập các nội dung của Luật Khiếu nại, tố cáo và pháp luật về công tác hoà giải; có 111 đội tuyển, với 698 thí sinh dự thi các cấp, phổ biến 102 nội dung của Luật Khiếu nại, tố cáo, 51 tình huống pháp luật liên quan tới Luật KNTC, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai... Các cuộc thi cấp huyện được ghi hình phát phát sóng trên sóng truyền hình hàng tuần, cuộc thi cấp tỉnh đựơc truyền hình trực tiếp và có sự tham gia trả lời chất vấn của các khán giả đối với đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đồng chí Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng đã thu hút hàng chục nghìn nông dân đến xem, cổ vũ; các cuộc thi cụm cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh đã được in sao ra 720 đĩa VCD gửi tới các Ban Chỉ đạo 26 cơ sở, huyện và các ngành thành viên BCĐ tỉnh để làm công tác tuyên truyền.
Do có sự phối hợp tạo điều kiện của các cấp chính quyền, các ngành liên quan, Chỉ thị 26 đã đi vào cuộc sống, góp phần tích cực vào việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nông dân; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn ổn định; vị trí, vai trò của Hội Nông dân ngày càng được củng cố, công tác Hội ngày càng phát triển.
Hà Minh