HND xã Hải Đông xây dựng mô hình điểm thực hiện Chỉ thị 26
15:41 - 05/07/2012
Hải Đông là một xã ven biển nằm ở phía Đông nam của huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Hội Nông dân xã Hải Đông có 1.939 hội viên chiếm 92,7% so với số hộ nông thôn, với 9 chi hội và 4 câu lạc bộ, có quỹ hỗ trợ nông dân là 101,4 triệu đồng (100% tiền ủng hộ).

Năm 2010, xã Hải Đông được Hội Nông dân tỉnh Nam Định chọn làm điểm xây dựng mô hình thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ. Được sự chỉ đạo và hướng dẫn của Hội Nông dân tỉnh, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã triển khai các bước xây dựng mô hình như: báo cáo và xin ý kiến của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Sau khi được cấp uỷ đồng ý, chính quyền địa phương tạo điều kiện, Hội Nông dân xã tiến hành tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch xây dựng xã điểm; tổ chức hội nghị quán triệt nội dung xây dựng điểm tới Ban thường vụ, Ban chấp hành và cán bộ chi hội; tham mưu với cấp uỷ, UBND xã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 26 gồm 7 thành viên do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban. Phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các điều tra viên, tổ chức khảo sát, điều tra về tình hình kinh tế xã hội và mức độ nhận thức pháp luật, nhu cầu tìm hiểu pháp luật của 120 gia đình hội viên tại các chi hội. Đồng thời tập hợp những hội viên có nhu cầu tham gia làm thành viên Câu lạc bộ nông dân với pháp luật. Đã có 52 cán bộ, hội viên và cán bộ, chiến sỹ Biên phòng tham gia, đồng chí Chủ tịch Hội trực tiếp làm chủ nhiệm Câu lạc bộ. Để thực hiện tốt kế hoạch xây dựng mô hình điểm, Hội Nông dân và UBND xã xây dựng quy chế phối hợp để thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã phường, thị trấn. Quy chế đã được thảo luận và thông qua, ký kết tại hội nghị tập thể UBND và Ban Thường vụ Hội Nông dân xã.

Căn cứ kết quả tổng hợp khảo sát nhận thức và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của hội viên nông dân, công tác tuyên truyền pháp luật trên địa bàn xã tập trung vào một số lĩnh vực như: Luật Đất đai, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Khiếu nại, tố cáo, Bộ luật Dân sự, an ninh biên giới tuyến biển v.v... Được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh Hội, CLB nông dân với pháp luật được trang bị một tủ sách với trên 100 đầu sách pháp luật để cho nông dân mượn, nghiên cứu và tìm hiểu về pháp luật. Hội Nông dân xã tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức phát tờ rơi; sinh hoạt chi tổ Hội và câu lạc bộ, các cộng tác viên và giảng viên của Phòng Tư pháp và Sở Tư pháp về truyền đạt. CLB duy trì sinh hoạt 2 tháng 1 lần và 3 lần/năm đối với chi hội. Hiệu quả nhất là tổ chức tuyên truyền phổ biến tại chi, tổ hội và câu lạc bộ bằng hình thức truyền đạt, trao đổi, hỏi, đáp dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu.

Hội Nông dân xã còn phối hợp với chính quyền và các ban ngành đoàn thể ở địa phương tham gia công tác hoà giải ở cơ sở. Ở mỗi chi hội, mỗi xóm đồng chí chi hội trưởng, chi hội phó và một hội viên gương mẫu tham gia tổ hoà giải và là thanh tra viên ở xóm tuỳ theo nội dung, tính chất từng vụ việc, kịp thời nắm bắt những thông tin để có hình thức hoà giải phù hợp với từng đối tượng. Toàn xã có 9 tổ hoà giải, từ năm 2010- 2011 và đầu năm 2012, Hội trực tiếp hoà giải thành 19/36 vụ và tham gia cùng các ban ngành đoàn thể hoà giải thành 27 vụ. Nội dung hoà giải là mâu thuẫn, xích mích trong nội bộ nông dân như tranh chấp đất đai, quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình. Do làm tốt công tác hoà giải nhiều vụ việc đã được giải quyết, giữ gìn được sự đoàn kết trong nông dân, tăng cường sự gắn bó tình làng, nghĩa xóm.

Hội Nông dân xã đã tích cực tham gia cùng chính quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân là nội dung quan trọng trong thực hiện Chỉ thị 26. Đồng chí Chủ tịch Hội tham gia cùng với UBND xã tiếp công dân vào ngày 05 hàng tháng tại UBND xã. Hội không tổ chức tiếp hội viên riêng, khi cán bộ, hội viên nông dân đến nơi làm việc của Hội thì tiếp đón. Ghi những ý kiến phản ảnh, tâm tư nguyện vọng của họ, xem xét những vụ việc thuộc thẩm quyền Hội thì Hội trực tiếp giải quyết, những vụ việc không đúng thẩm quyền của Hội thì hướng dẫn cho họ gửi đơn về UBND xã, những đơn thư khiếu nại không đúng quy định, không có căn cứ pháp luật thì giải thích, động viên họ thôi khiếu nại, tố cáo. Những vụ việc phức tạp kéo dài, cán bộ Hội đến nơi xảy ra vụ việc xem xét, tiếp thu, có chính kiến đề xuất với UBND xã hướng giải quyết và thường xuyên theo dõi đôn đốc việc thực hiện. Một số vụ việc có Hội tham gia đã được giải quyết kịp thời và thoả đáng.

Qua sơ kết đánh giá kết quả triển khai, xây dựng mô hình điểm ở xã, có thể nhận thấy rằng: Việc thực hiện Chỉ thị 26 và công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn nông thôn là thực sự cần thiết, đúng đắn và có hiệu quả cao, qua đó sự phối hợp giữa Hội và chính quyền, các ban ngành đoàn thể ngày một chặt chẽ góp phần đưa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Nhận thức pháp luật của nông dân được nâng lên, việc chấp hành pháp luật ngày một tốt hơn, các mâu thuân, khiếu kiện được giải quyết từ cơ sở. Đồng thời Hội làm tốt hơn chức năng đại diện và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên nông dân và khẳng định rõ vai trò, vị trí trong hệ thống chính trị góp phần ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn.

 

                                                                  Thu Hà

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp