Những năm qua tình hình khiếu nại, tố cáo của nông dân tại tỉnh Nam Định có diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc khiếu nại mang tính tổ chức, đông người, vượt cấp trở thành "điểm nóng”. Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, tham gia hoà giải và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân luôn được các cấp Hội trong tỉnh xác định là một nhiệm vụ quan trọng, cần phải được thực hiện tích cực, thường xuyên.
Sau khi có Chỉ thị 26/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; tỉnh Hội đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 26 gồm 7 đồng chí do đồng chí Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh làm trưởng ban. Hội Nông dân tỉnh đã ký chương trình phối hợp số 01/CTPH -HND-TTr-TP-TNMT với các ngành: Thanh tra, Tư pháp và Tài nguyên môi trường. Chương trình phối hợp xác định rõ nội dung phối hợp và phân công trách nhiệm của từng ngành, từ đó chỉ đạo các huyện, thành Hội ký kết chương trình phối hợp, đồng thời tổ chức hội nghị quán triệt Chỉ thị 26 trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ để thống nhất về nhận thức và hành động ở các cấp Hội là tham gia phối hợp chứ không phải làm thay công việc của chính quyền và các cơ quan chức năng trong việc giải quyết khiếu kiện của nông dân. Năm 2002, Trung ương Hội chỉ đạo Hội Nông dân tỉnh xây dựng mô hình điểm thực hiện Chỉ thị 26 đầu tiên tại xã Xuân Đài (huyện Xuân Trường). Trên cơ sở kết quả, hiệu quả mô hình, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tổ chức xây dựng và nhân rộng được 35 mô hình điểm thực hiện Chỉ thị 26 gắn với tham gia thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 26 của tỉnh Hội phối hợp chặt chẽ với Sở tư pháp, thanh tra tỉnh, Tài nguyên môi trường, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật cho hội viên, nông dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú với nội dung về những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến người nông dân. 10 năm qua các cấp Hội trong tỉnh tổ chức và tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được 30.502 buổi cho 2.743.880 lượt người. Phối hợp với các đơn vị: Trung tâm tư vấn pháp luật nông dân TW Hội, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Nam Định trợ giúp pháp lý được 67 đợt cho 2.787 lượt cán bộ, hội viên, nông dân. Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nông dân, hàng năm Ban chỉ đạo tỉnh Hội đã tổ chức 2- 3 lớp tập huấn nghiệp vụ về cách tuyên truyền miệng, công tác hoà giải, công tác kiểm tra của Hội cho trên 300 đồng chí là tuyên truyền viên, cộng tác viên pháp luật ở cơ sở.
Hội Nông dân tỉnh xác định công tác phối hợp với UBND các cấp là một nội dung quan trọng trong thực hiện Chỉ thị 26. UBND các cấp tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia tiếp dân hàng tháng. Các cấp Hội phân công các đồng chí là uỷ viên Ban Thường vụ, cán bộ Ban Kiểm tra tham gia tiếp dân. Tỉnh Hội mỗi tháng một lần tham gia tiếp dân tại trụ sở tiếp dân của UBND tỉnh, huyện Hội tham gia tiếp dân tại UBND huyện mỗi tháng 2 lần, cơ sở Hội tham gia tiếp dân tuỳ theo tính chất vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân, thông thường mỗi tháng từ 1 đến 2 lần. Đến nay Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã cùng với chính quyền tiếp 12.725 buổi.
Các cấp Hội trong tỉnh tích cực tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân là một nội dung quan trọng trong việc thực hiện Chỉ thị 26, tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên nông dân. Hội đã cử cán bộ Hội là những người có năng lực, uy tín, phẩm chất đạo đức, có am hiểu về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và những quy định của địa phương tham gia cùng với chính quyền tiếp công dân hàng tháng tại trụ sở tiếp dân. Đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền của Hội thì Hội xem xét giải quyết. Những vụ việc không thuộc thẩm quyền của Hội thì chuyển đơn thư đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết. Đối với những vụ việc phức tạp, kéo dài, cử cán bộ Hội có trách nhiệm trực tiếp đến tận nơi xảy ra vụ việc xem xét một cách khách quan và có chính kiến đề xuất với các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết và thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết. Đối với những điểm nóng, một số vụ việc tỉnh Hội đã thành lập tổ công tác riêng lẻ hoặc phối hợp liên ngành xuống chi, tổ Hội nắm sát địa bàn cơ sở, tìm hiểu nguyên nhân khiếu kiện và tuyên truyền, vận động, thuyết phục hội viên nông dân khiếu kiện phải tuân thủ những quy định của pháp luật. Đối với những vụ việc đã được giải quyết đúng pháp luật, thì thuyết phục họ chấp hành. Như khiếu kiện tại 14 xã của huyện Giao Thuỷ năm 1999; khiếu kiện của nông dân thuộc khu Công nghiệp Bảo Minh tại 3 xã: Liên Bảo, Liên Minh, Kim Thái của huyện Vụ Bản, nhiều hộ không đồng tình với chủ trương đền bù của tỉnh đã phát sinh khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài.
Kết quả trong 10 năm qua, số đơn thư Hội trực tiếp tiếp nhận là 780 đơn, số đơn thư Hội đã giải quyết là 497 đơn, còn lại chuyển các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết. Trong đó, Hội Nông dân tỉnh giải quyết 210 đơn, Hội Nông dân huyện đã giải quyết 256 đơn, Hội Nông dân xã giải quyết 314 đơn. Số buổi Hội Nông dân tham gia tiếp dân là 7.560 buổi; Số vụ Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân 2.690 vụ. Trong đó: Hội Nông dân tỉnh tham gia 140 vụ; Hội Nông dân huyện tham gia 320 vụ; Hội Nông dân xã tham gia 2.130 vụ. Hội Nông dân các cấp đã tham gia giải quyết khiếu nại vượt cấp, đông người 792 vụ.
Để hạn chế khiếu kiện, các cấp Hội thường xuyên phối hợp với chính quyền và ngành tư pháp thực hiện hoà giải tại cơ sở. Những năm qua hoạt động hoà giải ở cơ sở đã được cấp uỷ đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo góp phần giảm bớt những mâu thuẫn, khiếu nại trong nội bộ nhân dân giảm bớt các vụ khiếu kiện, hàn gắn tình làng nghĩa xóm, đoàn kết trong nội bộ. Vì vậy, các cấp Hội lấy công tác hoà giải là chủ yếu để tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Mỗi chi Hội cử 01 đến 02 đồng chí tham gia tổ hoà giải ở địa phương. Đến nay trong toàn tỉnh có 3.573 tổ hoà giải với 20.676 hoà giải viên, trong đó cán bộ Hội tham gia trong các tổ hoà giải có 1.956 đồng chí. Khi có mâu thuẫn, vướng mắc trong nội bộ nhân dân, chính quyền các cấp đã tạo điều kiện để Hội phối hợp với các ngành chức năng trong tổ hoà giải trực tiếp hoà giải ngay tại thôn, xóm. 10 năm qua toàn tỉnh có hơn 40 nghìn vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp quyền lợi được tổ hoà giải tiến hành hoà giải có kết quả ngay tại cơ sở mà không phải chuyển lên cơ quan cấp trên. Trong đó, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã trực tiếp hoà giải 3.756 vụ, Hội Nông dân tham gia hoà giải 40.126 vụ, số vụ trực tiếp hoà giải thành 2.890 vụ, số vụ tham gia hoà giải thành 35.120 vụ. Nội dung hoà giải là những mâu thuẫn, xích mích trong nội bộ nông dân như: tranh chấp đất đai, quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình… Do làm tốt công tác hoà giải, nhiều vụ việc hội viên, nông dân tự rút đơn, góp phần giảm bớt các vụ khiếu kiện, giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nông dân.
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 26, sự phối hợp giữa Hội Nông dân với các cấp chính quyền và các ngành chức năng ngày một chặt chẽ và có hiệu quả góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Với chức năng, nhiệm vụ của Hội là tham gia phối hợp cùng với chính quyền và các ngành chức năng tiếp dân, hoà giải, giải quyết khiếu nại tố cáo đã góp phần tích cực vào việc giảm bớt các vụ khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài. Do đó, quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân nhất thiết phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò của Hội Nông dân các cấp cần phải được coi trọng. Thông qua việc thực hiện Chỉ thị 26, tổ chức Hội Nông dân các cấp trong tỉnh dần từng bước làm tốt chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân và ngày càng khẳng định rõ vai trò, vị trí của tổ chức Hội, góp phần ổn định an ninh chính trị - xã hội trên địa bàn nông thôn, tham gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay.
Phương Anh