HỘI NÔNG DÂN THAM GIA GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA NÔNG DÂN
15:15 - 14/04/2009
Sau khi Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân được ban hành, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức học tập quán triệt nội dung tinh thần của Chị thị tới cán bộ, hội viên nông dân, đồng thời chủ động chọn một số xã của huyện Đức Trọng và Lâm Hà làm điểm thực hiện Chị thị 26 của Thủ tướng Chính phủ nên tình hình chính trị-xã hội, an ninh-quốc phòng khu vực nông thôn đã dần dần được ổn định.

Phú Hội là xã đầu tiên được tỉnh Hội chọn làm điểm thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Hội đã tiến hành điều tra, khảo sát về nhận thức pháp luật của ND và tổ chức tập huấn cho cán bộ chủ chốt xã các nội dung của Luật Đất đai sửa đổi, Luật khiếu nại, tố cáo, pháp lệnh hoà giải, vai trò của Hội trong công tác hoà giải ở cơ sở.. .và thành lập câu lạc bộ ''Nông dân với pháp luật'' gồm 36 hội viên, hàng năm câu lạc bộ đã chủ động phối hợp với chính quyền thôn hoà giải thành công hàng chục vụ mâu thuẫn tranh chấp trong nội bộ nông dân, nhờ đó, số lượng đơn thư của nông dân giảm hẳn, không còn tổn đọng tại xã. Điển hình như vụ ông KonsahaDZôn, dân tộc Cill ở thôn R'Chai 2, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, hơn 10 năm vác đơn khiếu kiện lên tỉnh, lên Trung ương vì 4.500m2 đất đã được cấp quyền sử dụng đất cho một số hộ dân theo đúng Luật đất đai. Tìm hiểu kỹ vụ việc trên, Ban chỉ đạo Chỉ thị 26 tại xã Phú Hội đã gặp gỡ, hoà giải giữa ông DZôn với các hộ dân trong diện tranh chấp; đồng thời chủ động gặp cấp uỷ, chính quyền xã, huyện đề xuất ý kiến, phương thức giải quyết. Sau khi thống nhất, Ban chỉ đạo đã vận động các hộ dân tự nguyện nhường một phần đất canh tác cho ông DZôn. Vụ của ông Dzôn chỉ là một trong số nhiều trường hợp phức tạp ở Phú Hội mà Hội tham gia giải quyết thành công. 

 

Tính từ đầu năm 2006 đến hết tháng 9/2007 toàn tỉnh Lâm Đồng có 88 đơn khiếu nại đông người ( có từ 5 người khiếu nại về cùng một nội dung). Trong đó, về nội dung Khiếu nại về việc đền bù, bố trí tái định cư, định canh khi nhà nước thu hồi đất: 33 đơn. Khiếu nại xuất phát từ việc Nhà nước giải quyết tranh chấp giữa tập thể, nhân dân địa phương với Công ty, Lâm trường : 07 đơn. Khiếu nại xuất phát từ tranh chấp tập thể đồng bào dân tộc ít người địa phương với tập thể các hộ người Kinh: 10 đơn. Khiếu nại về nhà nước không thu hồi đất nhanh ( quy hoạch treo) làm ảnh hưởng đến đời sống và khiếu nại về việc nhà nước không giao đất đối với các trường hợp đã có quyết định giao đất: 06 đơn. Khiếu nại của các tổ chức tôn giáo đòi lại cơ sở vật chất: 01 đơn. Khiếu nại tố cáo nội dung khác: 31 đơn. Trong số các đơn khiếu nại đông người có 57 đơn liên quan đến nông dân và 28 đơn của đồng bào dân tộc ít người tại địa phương. Qua thực tiễn giải quyết ở địa phương cho thấy các nguyên nhân làm phát sinh khiếu kiện đông người như sau : Nhận thức pháp luật của nhân dân nói chung, nông dân nói riêng còn hạn chế. Trong khi đó công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở các cấp cơ sở Hội chưa sâu. Việc giải thích, vận động ở cấp cơ sở chưa được tiến hành kỹ, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa Chính quyền và Đoàn thể, nhất là Hội Nông dân theo tinh thần Chỉ Thị 26 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến nông dân. Vì vậy, vai trò của Hội Nông dân trong việc tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo theo tinh thần Chỉ thị 26/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là rất quan trọng và cần thiết.

 

Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh đã đề xuất để Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành công văn số 1277/UB ngày 6/9/2002 về việc triển khai thực kiện Chỉ thị 26/2000/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ''về việc tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân''. Trong đó giao trách nhiệm cho các cấp Chính quyền: các Ngành Thanh tra, Địa chính (nay là Tài nguyên - môi trường), Tư pháp và Tài chính quan tâm phối hợp tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp thực hiện có hiệu quả. Hội nông dân tỉnh cũng đã thành lập Ban chỉ đạo: xây dựng kế hoạch phối hợp với các Ngành để triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó các huyện, thành, thị Hội đã chủ động thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch phối hợp cụ thể với từng địa phương. Trong quá trình tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ của các cấp Hội trong tỉnh, đến nay đã thực hiện được một số kết quả như sau:

 

Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các Ngành Thanh tra, Địa chính (tài nguyên- môi trường), Tư pháp mở 4 lớp tập huấn từ cơ sở Hội trở lên với số lượng cán bộ tham dự là 480 người. Theo đó các huyện, thành, thị Hội đã phối hợp với các Ngành Thanh tra, Tư pháp, Địa chính ở từng địa phương mở 11 lớp tập huấn cho các đối tượng từ cán bộ chi Hội trở lên với số lượng là 938 người. Nội dung tập huấn tập trung vào các Bộ luật và các chính sách liên quan đến nông dân như Luật đất đai, Luật khiếu nại tố cáo, Luật dân sự, pháp lệnh hoà giải ngoài ra còn có các nội dung như hướng dẫn trình tự, thủ tục giải quyết đơn khiếu nại do Ngành Thanh tra biên soạn; nghiệp vụ, kỹ năng về công tác hoà giải và tuyên truyền phổ biến tư vấn pháp luật do Ngành Tư pháp biên soạn... thông qua nội dung công tác tập huấn, cán bộ Hội các cấp trong thời gian qua đã triển khai, thực hiện có hiệu quả trong việc tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo, đặc biệt là công tác hoà giải ở các địa phương cơ sở.

 

Ngoài ra, thông qua sinh hoạt chi, tổ Hội, công tác hoà giải, sinh hoạt CLB và nhiều hình thức lồng ghép khác, các cấp Hội trong tỉnh đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nông dân, giúp nông dân hiểu biết pháp luật để tự điều chỉnh hành vi, vi phạm pháp luật do không hiểu biết pháp luật và tự bảo vệ những quyền lợi ích của bản thân, gia đình và cộng đồng mình mà quyền và lợi ích đó đã được pháp luật thừa nhận; trực tiếp tư vấn cho 1.410 đối tượng; phối hợp với ngành Tư pháp tư vấn 5.655 vụ việc cho 8.282 đối tượng. Tại các buổi tư vấn những thắc mắc của nông dân đã được trả lời thoả đáng "thấu tình đạt lý ", giúp hội viên nông dân nhất là nông dân người đồng bào dân tộc thiểu số hiểu thêm về pháp luật chấp hành và thực hiện tốt pháp luật. Từ năm 2002 đến nay, tổng số vụ mâu thuẫn trong nông dân, nông thôn cần phải tiến hành, tổ chức và hoà giải tại cơ sở là 11487 vụ. Về kết quả công tác hoà giải: Số vụ Hội Nông dân cơ sở, chi, tổ Hội tham gia hoà giải là 6846 vụ. Trong đớ tham gia hoà giải thành là 5368 vụ đạt tỷ lệ 78,4%. Tổng số vụ Hội Nông dân cơ sở, chi, tổ Hội chủ động hòa giải là 4641 vụ. Trong đó chủ động hoà giải thành là 3958 vụ, đạt tỷ lệ 85,2l%.

 

Kể từ khi có Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, vai trò của Hội Nông dân các cấp trong việc tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân đã có nhiều chuyển biến, góp phần hạn chế đơn thư khiếu kiện, mâu thuẫn, bất hoà trong nội bộ nông dân. Tuy nhiên trong công tác hoạt động phối hợp vẫn còn nhiều mặt hạn chế, chưa đầy đủ theo nghĩa "tạo điều kiện'' như tinh thần, nội dung Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, các cấp Hội tiếp tục chủ động phối hợp cùng chính quyền, ngành Thanh tra, Tư pháp, Tài nguyên-môi trường...phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nông dân, hạn chế đến mức thấp nhất để xảy ra "điểm nóng ", góp phần tích cực vào việc ổn định chính trị-xã hội, an ninh- quốc phòng ở địa phương.

 

Nguyễn Thanh Trúc (PCT HND tỉnh Lâm Đồng)

 

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp