Xã Phổng Lăng thực hiện tốt Chỉ thị 26/TTg
12:45 - 14/04/2009
Từ một xã tình trạng khiếu kiện phổ biến do cán bộ, hội viên, nông dân thiếu hiểu biết pháp luật, qua 1 năm triển khai xây dựng điểm thực hiện Chỉ thị 26/TTg tình hình của xã đã có chuyển biến tích cực: nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nông dân tại địa phương được nâng cao, các hành vi vi phạm pháp luật giảm, các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nông dân được giải quyết ngay tại cơ sở, không để phát sinh thành khiếu kiện.

           Xã Phổng Lăng là xã ở phía bắc huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, cách trung tâm huyện 4 km. Tổng diện tích tự nhiên là 1.617 ha, trong đó đất nông nghiệp là 144,4 ha; đất lâm nghiệp 1.177,8 ha. Toàn xã có 797 hộ dân tộc Thái với 4.424 nhân khẩu phân bổ ở 14 cụm bản dân cư. Xã có 14 tổ hòa giải ở 14 bản, có 14 chi Hội Nông dân với số hội viên nông dân là 696, trong đó số hội viên là đảng viên là 150.

          Trước khi được chọn xây dựng điểm thực hiện Chỉ thị 26/TTg, tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp ở xã Phổng Lăng còn diễn ra phổ biến do công tác tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý chưa được thực hiện thường xuyên, đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật vừa thiếu lại vừa hạn chế về năng lực, trình độ. Qua triển khai lấy ý kiến của đại biểu ở các bản, chi Hội và các đoàn thể, qua phát phiếu khảo sát trong nông dân thì tình trạng đói về kiến thức pháp luật ở cán bộ cơ sở và hội viên, nông dân còn chiếm tỷ lệ cao. Trước tình hình đó, năm 2008 Tỉnh Hội, huyện Hội đã quyết định chọn xã Phổng Lăng để xây dựng điểm. Tỉnh Hội, huyện Hội tổ chức họp cán bộ chủ chốt xã để quán triệt tinh thần nội dung Chỉ thị 26/TTg, Công văn 1502/TTg và hướng dẫn nội dung xây dựng điểm của TƯ Hội. Ủy ban nhân dân xã đã ra Quyết định thành lập Ban chỉ đạo 26 của xã, phân công từng thành viên trong Ban chỉ đạo phụ trách từng nội dung cụ thể. Kết quả khảo sát thực trạng và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nông dân tại xã đã giúp Ban chỉ đạo lựa chọn những nội dung thiết thực nhất gắn với đời sống nông dân như: luật khiếu nại tố cáo, luật đất đai, bộ luật dân sự, luật hôn nhân gia đình, luật bảo vệ và phát triển rừng… để đưa vào kế hoạch tuyên truyền sao cho đạt hiệu quả và sát với tình hình thực tế của địa phương.

          Qua 1 năm triển khai các nội dung xây dựng điểm, xã Phổng Lăng đã tổ chức được 6 lớp tập huấn kiến thức pháp luật cho 300 cán bộ, hội viên nông dân; trong đó có 1 lớp cho cán bộ chủ chốt của xã, 5 lớp cho hội viên nông dân ở 5 cụm bản. Câu lạc bộ nông dân với pháp luật được thành lập với 50 thành viên, cộng tác viên. Ban chủ nhiệm câu lạc bộ xây dựng quy chế và kế hoạch hoạt động cụ thể, đi vào hoạt động có nề nếp với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, bổ ích. Nội dung sinh hoạt của câu lạc bộ đa dạng, sát với tình hình thực tế địa phương. Các thành viên câu lạc bộ đã vận dụng những kiến thức được tiếp thu ở các buổi sinh hoạt để trao đổi, tuyên truyền cho những người xung quanh trong bản, từ đó hiệu quả tuyên truyền càng được nhân rộng. Ban chỉ đạo 26 của xã đã xây dựng quy chế phối hợp giữa Ủy ban nhân dân và Hội Nông dân xã trong việc thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở, tăng cường công tác tham gia giám sát phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ổn định trật tự xã hội nông thôn. Hội Nông dân xã đã phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xã tiếp dân, giải quyết dứt điểm các đơn thư kiến nghị, hòa giải thành 04 vụ mâu thuẫn trong nội bộ nông dân ngay tại cơ sở.

          Từ những hoạt động thiết thực trên đã giúp xã Phổng Lăng có những chuyển biến tích cực. Nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về tầm quan trọng của việc thực hiện Chỉ thị 26/TTg được nâng lên một bước rõ rệt. Công tác hòa giải, tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo, tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân được chú trọng đẩy mạnh. Từ đó, nhận thức pháp luật và ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật của cán bộ, hội viên, nông dân được nâng cao. Các hành vi vi phạm pháp luật và đơn thư khiếu kiện của nông dân tại địa phương đã giảm đáng kể. Các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nông dân được tháo gỡ, hòa giải ngay tại cơ sở bằng cách họ tự giải quyết với nhau qua việc tiếp thu kiến thu pháp luật hoặc họ tìm đến tổ chức Hội Nông dân và các đoàn thể khác để được tư vấn kịp thời, không để phát sinh thành khiếu kiện. Vai trò của Hội Nông dân cơ sở cũng được nâng cao. Công tác Hội và phong trào nông dân qua đó cũng được củng cố, tăng cường, có chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, tích cực hưởng ứng cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, gia đình nông dân văn hóa, bản làng văn hóa. Năm 2008 đã kết nạp thêm được 10 hội viên mới vào tổ chức Hội và bồi dưỡng kết nạp được 04 cán bộ, hội viên vào Đảng. Cán bộ, hội viên, nông dân tích cực học tập và tham gia thực hiện tốt các nội dung của Pháp lệnh dân chủ cơ sở. Trong năm, đã có 490 hộ gia đình nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu gia đình nông dân văn hóa và có 130 hộ đạt gia đình nông dân văn hóa; có 6 bản đạt bản văn hóa và xã được công nhận đạt danh hiệu đơn vị văn hóa năm 2008. Các hoat động của Hội và phong trào của Hội đã được phát huy vai trò, trách nhiệm trong xây dựng và phát triển kinh tế xã hội địa phương, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn, xứng đáng là trung tâm, nòng cốt trong các phong trào ở địa phương.

 

          Vân Anh

 

         

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp