Kon Tum: Phát huy vai trò của công tác hòa giải cơ sở
11:35 - 10/03/2009
Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 824 tổ hòa giải/823 thôn, làng, tổ dân phố với 5.696 tổ viên. Mỗi tổ hòa giải có từ năm đến tám tổ viên là những người có uy tín, kinh nghiệm và tương đối am hiểu pháp luật trong cộng đồng dân cư như: bí thư chi bộ, già làng, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, cán bộ đoàn thanh niên, hội phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc và đặc biệt là vai trò của Hội Nông dân.

      

       

Tỉnh Kon Tum hiện có 97 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó có một xã mới thành lập sau tháng 6-2008) với 823 thôn, làng, tổ dân phố. Dân số gần 385 nghìn người, hơn 50% là đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, số còn lại là dân từ các tỉnh khác thuộc nhiều dân tộc đến sinh sống tại địa phương.

 

Do khác nhau về phong tục, tập quán, phương cách làm ăn giữa cư dân từng thành phần dân tộc, lại bị tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường, nên các tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cá nhân, hộ gia đình trong cuộc sống cộng đồng vốn đã phức tạp lại càng phức tạp hơn.

 

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, những năm qua, nhất là từ khi Pháp lệnh về tổ chức và hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp Ủy ban MTTQ tỉnh, các ngành liên quan, các địa phương hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thành lập, củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải tại các xã, phường, thị trấn.

 

 

Qua mười năm thực hiện Pháp lệnh, các tổ hòa giải đã thụ lý 8.867 việc với: số vụ việc hòa giải thành 5.840 việc; số vụ việc hòa giải không thành 3.037 việc; số vụ việc chuyển cơ quan chức năng giải quyết 2.203 việc; số vụ việc đang hòa giải 834 việc.

 

Cùng với nhiệm vụ chính là hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp, các tổ viên tổ hòa giải còn tích cực lồng ghép hoạt động hòa giải với đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý, phổ biến, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao hiểu biết pháp luật, tạo thói quen xử sự theo pháp luật của người dân, qua đó chủ động phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật, mâu thuẫn xảy ra, thắt chặt quan hệ đoàn kết gắn bó, tương thân tương ái trong cộng đồng.

 

Quán triệt nội dung Pháp lệnh và hướng dẫn của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan tư pháp từ tỉnh đến cơ sở kiện toàn tổ chức và cán bộ thực hiện quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở.

 

Hiện tại, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và các ban tư pháp đều phân công cán bộ chuyên theo dõi, tham mưu triển khai các nội dung quản lý nhà nước về hòa giải. Những năm qua tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch triển khai công tác phổ biến pháp luật, một trong những nội dung quan trọng trong các văn bản này là chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở.

 

Từ nguồn kinh phí do ngân sách địa phương phân bổ, kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo, trợ giúp pháp lý và các nguồn khác, hằng năm Sở Tư pháp đã tổ chức tốt việc biên soạn, in ấn, phát hành các tài liệu phục vụ việc tìm hiểu, nghiên cứu pháp luật cho hòa giải viên; tổ chức hai hội thi Hòa giải viên giỏi cơ sở vào các năm 2000, 2005 thu hút hàng trăm tổ viên tổ hòa giải ở cơ sở tham gia; phối hợp Phòng Tư pháp các huyện, thị xã đã tổ chức các hội nghị tập huấn cho đội ngũ hòa giải viên...

 

Nhờ vậy, kiến thức, cách thức tiến hành hòa giải, kỹ năng hòa giải của hòa giải viên không ngừng được nâng cao, từng bước đáp ứng nhu cầu hòa giải của nhân dân.

 

Ðể động viên, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hòa giải ở cơ sở và công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 47/2006/QÐ-UBND ngày 29-9-2006 quy định mức chi cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có công tác hòa giải (với mức từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/vụ hòa giải).

 

Hoạt động phối hợp giữa cơ quan tư pháp với MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên của MTTQ trong công tác hòa giải ở cơ sở hướng vào các nội dung như hướng dẫn củng cố, kiện toàn tổ chức; tập huấn nâng cao kỹ năng hòa  giải; lồng ghép hoạt động hòa giải với công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật, triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động, nhất là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" do mặt trận (MT) phát động.

 

Nhờ làm tốt công tác phối hợp, hiện nay trong thành phần Ban Tư pháp cấp xã, thành viên tổ hòa giải đều có đại diện của MTTQ, Ðoàn thanh niên, Hội phụ nữ... tham gia. Hằng năm, MTTQ ở cơ sở và các tổ chức thành viên của MT đã phối hợp chặt chẽ UBND, Ban Tư pháp rà soát về tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải của địa phương mình.

 

Qua đó nắm được số lượng tổ viên tổ hòa giải, chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải, tổ viên tổ hòa giải, trên cơ sở đó đề xuất nhiều ý kiến củng cố, kiện toàn về tổ chức các tổ hòa giải như đề xuất thành lập thêm các tổ hòa giải, bổ sung tổ viên tổ hòa giải... Mặt khác, hoạt động hòa giải đã góp phần triển khai thực hiện tốt các phong trào, các cuộc vận động, xây dựng mối quan hệ đoàn kết trong cộng đồng dân cư tại mỗi địa phương, cơ sở.

 

Có thể nói, hoạt động hòa giải ở Kon Tum ngày càng được triển khai sâu rộng, đang dần trở thành nét đẹp trong đời sống cộng đồng, giải quyết ổn thỏa các mâu thuẫn, xích mích nhỏ trong nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng tinh thần tương thân, tương ái; hỗ trợ tích cực cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết pháp luật trong nhân dân, thực hiện khẩu hiệu "Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật". Quá trình thực hiện pháp lệnh đã tạo sự gắn kết, đồng thuận giữa chính quyền cơ sở và nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền; các tổ hòa giải từng bước được kiện toàn, hoạt động hiệu quả góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu những tranh chấp, khiếu kiện không đáng có trong nhân dân, giảm tải việc phải giải quyết các vụ việc này của các cơ quan Nhà nước.

 

Nhận thức của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị về tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng được nâng cao. Nhờ vậy đã thường xuyên quan tâm tạo điều kiện: giới thiệu nhân sự, kinh phí, cơ sở vật chất... để công tác hòa giải thu kết quả tốt. Cơ quan tư pháp, MT và các tổ chức đoàn thể thường xuyên phối hợp theo dõi tình hình, đôn đốc, tạo điều kiện nâng chất lượng của hoạt động hòa giải ở cơ sở.

 

Từ thực tế triển khai Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Kon Tum có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm bước đầu như sau:

 

Một là, sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của các cấp ủy, chính quyền là nhân tố quyết định. Thực tế cho thấy, địa phương nào cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm tạo điều kiện về tổ chức, kinh phí, cơ sở vật chất... thì ở đó hòa giải thu kết quả tốt. Hiệu quả công tác hòa giải sẽ tác động trực tiếp đến an ninh, an sinh xã hội, an dân, tăng cường mối quan hệ đoàn kết trong cộng đồng, thúc đẩy kinh tế, xã hội ở địa phương phát triển.

 

Hai là, quá trình triển khai thực hiện Pháp lệnh cần xác định rõ trách nhiệm, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của hoạt động hòa giải ở cơ sở, tạo sự thống nhất trong nhân dân; phối hợp chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp huy động sức mạnh dư luận trong nhân dân bảo đảm công tác hòa giải triển khai ngày càng sâu rộng, kết quả hòa giải được thực hiện nghiêm túc trong thực tế.

 

Ba là, để công tác hòa giải cơ sở đạt kết quả cao, các cơ quan chức năng, trước hết là cơ quan tư pháp cần thường xuyên quan tâm cung cấp các văn bản, tài liệu hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải cơ sở, kịp thời kiểm tra, đôn đốc, giúp đỡ các tổ hòa giải ở cơ sở giải quyết những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Pháp lệnh.

 

Tuy nhiên, để triển khai tốt công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng Pháp lệnh và các văn bản liên quan đến tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải ở cơ sở, nâng cao hiểu biết của các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác hòa giải. Kiện toàn tổ chức, bảo đảm 100% số thôn, làng, tổ dân phố, cụm dân cư có tổ hòa giải, có cơ cấu thành viên hợp lý, chú trọng thu hút đối tượng là già làng, trưởng thôn, những người có uy tín trong cộng đồng tham gia tổ hòa giải. Tiếp tục nghiên cứu đề ra các chính sách phù hợp điều kiện cụ thể của địa phương, khuyến khích lòng nhiệt tình, đề cao trách nhiệm của các tổ viên, bảo đảm các điều kiện để các tổ hòa giải hoạt động đạt kết quả tốt.

 

Hằng năm có kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các thành viên tổ hòa giải; tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ thông qua nhiều hình thức cho tổ viên tổ hòa giải, góp phần đẩy mạnh hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác hòa giải cũng như nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ tham mưu triển khai các nội dung về quản lý nhà nước đối với hoạt động hòa giải cơ sở; nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong công tác hòa giải ở cơ sở. Qua đó có biện pháp chấn chỉnh, tháo gỡ kịp thời những thiếu sót, vướng mắc trong công tác hòa giải.

 

         Phạm Văn Chung (Báo Nhân dân)

 

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp