Được sự quan tâm ủng hộ của cấp uy, chính quyền và các ngành chức năng, Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình đã thực hiện tốt Chỉ thị 26/2001/CT-TTg và Công văn số 1502/CV-V.II của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.
Những năm qua thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, bộ mặt nông thôn Hoà Bình có nhiều thay đổi, đời sống vật chất tinh thần của nông dân được cải thiện. Tuy nhiên, quá trình thực hiện CNH-HĐH đã nảy sinh nhiều vấn đề, nhất là trong lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng...Một số dự án có biểu hiện sai phạm khi thực hiện thu hồi đất của nông dân chưa đúng quy trình, thiếu công khai, dân chủ, minh bạch, công tác tuyên truyền chưa sâu rộng đến người dân dẫn đến tình hình khiếu nại, tố cáo kéo dài một số nơi, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh.
Công tác tiếp dân được quan tâm, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh tham gia đầy đủ tiếp dân định kỳ cùng với Chủ tịch UBND, đại diện Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng HĐND, Đoàn Đại biểu Quốc hội và lãnh đạo các Sở, ban ngành tại trụ sở tiếp công dân của UBND tỉnh. Trong 5 năm phối hợp với chính quyền đã tổ chức tiếp 11.863 lượt công dân qua đó nắm bắt tình hình khiếu kiện, thông tin kịp thời để phối hợp với chính quyền có hướng xử lý phù hợp, ổn định.
Trong công tác tiếp nhận và xử lý đơn thư: 5 năm qua các cấp Hội đã tiếp nhận và xử lý, giải quyết được 826 đơn thư của cán bộ, hội viên, nông dân bao gồm 702 đơn liên quan đến đất đai, 124 đơn về chế độ chính sách và các tranh chấp khác. Tham gia cùng chính quyền và các ngành chức năng đã tiếp nhận 9.468 đơn thư các loại (khiếu nại là 6.794 đơn, tố cáo 1.772 đơn, kiến nghị phản ảnh 902 đơn) trong đó đơn thư của nông dân chiếm khoản 80%. Khiếu nại của nông dân tập trung chủ yếu vào việc đề nghị nâng giá đất đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư; tố cáo cán bộ chính quyền cơ sở tham nhũng, lợi dụng chức quyền trục lợi trong việc quản lý, bồi thường đất đai. Tổng số vụ việc thuộc thẩm quyền cơ quan hành chính giải quyết là 1.144 vụ (khiếu nại: 827; tố cáo: 317). Các cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết 1.031 vụ (khiếu nại: 740; tố cáo: 291), trong đó có trên 700 vụ việc khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 113 cán bộ có sai phạm; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước, trả lại cho tập thể và cá nhân: 5.052,72 triệu đồng; kiến nghị thu hồi 26 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 11 văn bằng chứng chỉ, 06 quyết định hành chính; kiến nghị thu hồi 358,5ha đất và nhiều tài sản có giá trị khác.
Quá trình giải quyết KNTC của chính quyền và các Ban, ngành chức năng, Hội Nông dân tỉnh đã cử cán bộ có năng lực, kinh nghiệm phối hợp giải quyết nhiều vụ việc khiếu nại phức tạp, đông người liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Đồng thời Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của pháp luật KNTC. Qua đó nhiều vụ việc nông dân đã tự rút đơn hoặc được giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở.
Thực hiện Chỉ thị 26 gắn liền với thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn phát huy quyền làm chủ của hội viên, nông dân. Đẩy mạnh công tác hòa giải cơ sở, xây dựng mỗi cơ sở đều có tổ hòa giải với sự tham gia của các đoàn thể trong đó có Hội nông dân, tính đến nay đã có 1.957 tổ hòa giải, 7.828 hòa giải viên. Trong 5 năm, tổng số vụ việc được hòa giải thành là 2.454 vụ, Hội hòa giải trực tiếp là 1.191vụ, tham gia 1.273 vụ góp phần hạn chế được nhiều vụ việc mâu thuẫn, không để phát sinh thành tranh chấp, khiếu nại vượt cấp.
Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, Hội Nông dân đã phối hợp với Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý của tỉnh tuyên truyền luật Đất đai, Luật khiếu nại, tố cáo, Luật Bảo vệ môi trường, Pháp lệnh dân số… bằng các hình thức đa dạng như tổ chức hội thảo, sinh hoạt Câu lạc bộ, thi sân khấu. Trong 5 năm đã tuyên truyền phổ biến pháp luật cho 110.478 lượt người ( trong đó cấp tỉnh tuuyên truyền được 2.025 lượt, cấp huyện 39.254 lượt, cấp cơ sở 69.199 lượt), trợ giúp pháp lý được 1.036 cuộc cho 19.204 lượt người, xây dựng được 30 tủ sách pháp luật đặt ở các chi hội thu hút được nhiều hội viên, nông dân tìm đọc.
Thực hiện chương trình hành động quốc gia về phổ biến giáo dục pháp luật (Chương trình 212) Hội Nông dân phối hợp với Thanh tra tỉnh xây dựng điểm tại 2 xã Xuất Hóa (Lạc Sơn), Bình Sơn (Kim Bôi) tuyên truyền về Luật khiếu nại, tố cáo, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Chi hội trưởng, Tổ trưởng tổ hòa giải…
Phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật về Luật Đất đai, Luật bảo vệ môi trường cho nông dân. Tổ chức các hoạt động “ngày vì môi trường”, tổ chức 3 lớp tập huấn kiến thức về môi trường cho 300 hội viên, nông dân làm nòng cốt tuyền truyền vận động thực hiện Luật Bảo vệ môi trường. Tổ chức 6 cuộc thi tìm hiểu về Lụât Đất đai, Luật bảo vệ môi trường.
Việc thực hiện Chỉ thị 26 với Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn ở Hoà Bình đã khích lệ cán bộ, hội viên, nông dân phát huy quyền làm chủ, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, hội viên, nông dân, làm giảm hẳn số vụ việc khiếu nại vượt cấp, giữ gìn trật tự an toàn xã hội tại thôn, xóm, bản làng. Tạo điều kiện để nông dân chăm lo sản xuất phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Phương Linh